Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng có những cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao, mắc khuyết điểm, sai phạm, thậm chí bị kỷ luật là chúng ta đã có phần lơ là, chưa sử dụng thật hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình để rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, những thiệt hại khôn lường. Về cả lý luận và thực tiễn, muốn bớt đi sai lầm thì không được bỏ quên thứ “vũ khí sắc bén” này, bởi thực hành tự phê bình và phê bình chính là nguyên tắc của Đảng, là việc “vì Đảng, vì dân tộc, vì giai cấp, vì chủ nghĩa cộng sản”, như Bác Hồ khẳng định.
Đảng ta luôn đề cao tinh thần “tự chỉ trích”, tự phê bình và phê bình
Lẽ thường, không có sự hoàn hảo trên đời, với con người cũng như vậy. Thế nên, việc tự phê bình và phê bình luôn là cần thiết, để giúp nhau sửa sai, cùng nhau tiến bộ. V.I. Lê-nin cho rằng: “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”(1). Người chỉ rõ: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”(2).
Ngay từ khi mới thành lập, ngày 3-2-1930, Đảng ta đã đề cao tinh thần “tự chỉ trích” hết sức nghiêm túc. Chưa đầy một thập niên sau khi thành lập, tháng 7-1939, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Cừ, với bút danh Trí Cường, đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, in trong tập sách Dân chúng, vào thời điểm sự thắng thế của các phần tử tờ-rốt-kít(3) dẫn đến thất bại tạm thời của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở một số địa phương. Trong “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh việc tự chỉ trích “thành thật và mạnh dạn” nhằm “thống nhất tư tưởng, một sự thống nhất thật sự, mạnh mẽ, dựa trên sự giác ngộ và trung thành của mọi người”(4). Người cộng sản chân chính “dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm ‘mở to mắt ra nhìn sự thật’, ‘phải chịu hoàn toàn trách nhiệm’...”(5). Tác phẩm “Tự chỉ trích” đã chuẩn bị về mặt lý luận và tư tưởng cho thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939, cũng như góp phần đặt nền móng về phương pháp luận trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về sau.
Đến Đại hội II (năm 1951), Đảng ta đã đưa vấn đề tự phê bình và phê bình vào Điều lệ Đảng. Điều đó cho thấy Đảng ta không bao giờ giấu giếm khuyết điểm, luôn sẵn sàng nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm thừa nhận sai lầm, khuyết điểm nếu mắc phải và mạnh dạn, kiên trì khắc phục khiếm khuyết, hạn chế. Ngày 28-11-1959, đến dự và nói chuyện tại Hội nghị nghiên cứu Lịch sử Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình”(6). Tại Hội nghị, Người còn khẳng định: “Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa. Chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình, không muốn người ta phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa. Vì vậy mà thoái bộ, chứ không tiến bộ được”(7)...
Trước đó, trong nhiều bài viết đăng trên Báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đề cập đến vai trò, tầm quan trọng của công tác tự chỉ trích, phê bình và tự phê bình. Trong bài báo “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” trên Báo Cứu quốc, số 51, ra ngày 26-9-1945, với bút danh Chiến Thắng, Người khẳng định: “Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc rồi thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”(8)...
Chỉ qua những sự khẳng định, răn dạy ngắn gọn, súc tích ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đủ thấy toát lên ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tự phê bình và phê bình. Rõ ràng là bất kể ai làm việc gì cũng có thể mắc sai lầm, chỉ những người không làm gì mới không phạm sai lầm mà thôi. Sai lầm, vì thế, là lẽ thường tình xảy ra trong đời sống hằng ngày, trong công việc. Sai lầm mắc phải do nhiều nguyên nhân, ví như sự chủ quan, thiếu hiểu biết, thiếu chín chắn, sự nóng vội, mất bình tĩnh, sự chuyên quyền, độc đoán, không lắng nghe tham mưu, góp ý, không vì lợi ích tập thể...
Sai lầm thường không lặp lại nếu chúng ta biết rút kinh nghiệm, biết tiếp thu sự góp ý và quyết tâm sửa chữa. Vì thế, sai lầm không đáng hổ thẹn, phải bưng bít, giấu nhẹm đi. Sai lầm được nhìn nhận, chỉ ra cùng sự khắc phục càng khiến mỗi người chín chắn, trưởng thành, làm việc trách nhiệm, hiệu quả hơn. Tất nhiên, từ cả hai phía người phê bình và nhận sự phê bình đều phải trên cơ sở khách quan, công tâm, chân thành, “thấu tình đạt lý”, vì lợi ích của mỗi người và hơn hết là vì tập thể. Đó thực sự phải là việc phê bình để người khác thấy được sai lầm, khuyết điểm của mình và những nguyên nhân mắc phải, từ đó có hướng sửa sai hiệu quả chứ nhất quyết không thể vì động cơ cá nhân, sự đố kỵ, ganh ghét, vùi dập. Có như thế, chúng ta mới thực sự có “vũ khí sắc bén” để “làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh”, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Và khi “vũ khí sắc bén” ấy được sử dụng đúng lúc, đúng nơi, khoa học, hợp lý thì hiệu quả sẽ là rất tích cực. Ngược lại, những hệ lụy, hậu quả là khôn lường, nhất là khi những sai lầm lặp đi lặp lại, bị bưng bít, giấu kín, những lời phê bình không được tiếp thu, lắng nghe, thậm chí người phê bình còn bị trù dập, bị coi là “phá hoại”, gây mất đoàn kết nội bộ để rồi dẫn đến kết cục “đấu tranh thì tránh đâu” khiến việc phê bình bị xem nhẹ, không ai muốn tiến hành. Để xảy ra tình trạng ấy, những mầm mống bệnh tật sẽ nảy mầm, phát tác, tàn phá đơn vị, địa phương, quốc gia. Khi ấy, thứ “vũ khí sắc bén” cố tình bị bỏ quên và trở nên han gỉ, hỏng hóc. Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức và biết vận dụng đúng đắn nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Một khi nguyên tắc cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng bị bỏ qua, thứ “vũ khí sắc bén” không được sử dụng, sai phạm xảy ra là điều khó tránh khỏi, thiệt hại khôn lường, khó đong đếm.
Suốt gần 95 năm qua, Đảng ta không bao giờ che đậy, giấu giếm khuyết điểm của mình. Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào nền nếp, trở thành quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng ta dũng cảm nhìn thẳng vào những hạn chế để tìm cách khắc phục, sửa chữa, nhất là trong công tác cán bộ. Nhờ đó, đã đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hết sức quyết liệt, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, đã trở thành phong trào, thành xu hướng không thể đảo ngược, giúp niềm tin của dân vào Đảng ngày một lớn lao, vững chãi hơn.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm”(9); “Các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý, coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình”(10).
Đó cũng chính là việc Đảng ta, mỗi cá nhân đảng viên cần chú trọng học Bác một cách thiết thực, hiệu quả, đúng như những gì Bác từng viết trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính... Sợ phê bình, tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”. Phê bình không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa”(11). Như vậy, trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, không thể xem nhẹ thứ “vũ khí sắc bén” là tự phê bình và phê bình, bởi đó chính là nguyên tắc của Đảng, là việc “vì Đảng, vì dân tộc, vì giai cấp, vì chủ nghĩa cộng sản”(12).
Chú trọng tự phê bình và phê bình một cách thực chất, hiệu quả
Có thể khẳng định rằng, trong suốt gần 95 năm kể từ khi thành lập, Đảng ta luôn chú trọng công tác tự phê bình và phê bình, qua đó đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào những thành tựu mà đất nước đã đạt được.
Dịp kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024), bài học liên quan đến tự phê bình và phê bình được nhắc đến khá nhiều, như một thứ “vũ khí” tinh thần nhân lên sức mạnh to lớn, góp phần quyết định giúp Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.
Chuẩn bị giai đoạn hai của chiến dịch, Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ đề ra ba nhiệm vụ, quan trọng nhất là xây dựng trận địa tiến công và đào hào bao vây. Với ý chí quyết tâm cao, tinh thần lao động khẩn trương, bộ đội ta hoàn thành được hơn 200km đường hào trục, hào giao thông, gấp hơn 2 lần dự tính. Nhưng rồi, quân Pháp dùng pháo binh, không quân bắn phá ác liệt, san lấp, gài mìn ngăn quân ta đào tiếp... Tình thế khó khăn hơn khi đợt tiến công thứ hai của chiến dịch tuy giành nhiều thắng lợi, nhưng ta chưa hoàn toàn đánh chiếm được đồi A1 và C1 - hai điểm cao rất quan trọng đối với cả ta và địch. Khó khăn xuất hiện nhiều hơn khi chiến dịch phải kéo dài, địch đánh phá ác liệt. Đã thế, mùa mưa lại đến sớm khiến việc bảo đảm lương thực, đạn dược gặp nhiều khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ đối mặt muôn vàn khổ cực, thử thách. Khó khăn ngoài dự tính ấy nảy sinh những biểu hiện tiêu cực, như ngại gian khổ, ngại thương vong, kém sâu sát đơn vị, chủ quan khinh địch.
Trong cuốn “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2009), Đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nguyên Trợ lý Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - kể lại, Đảng ủy Chiến dịch báo cáo lên Ban Thường vụ Trung ương (nay là Bộ Chính trị) và đề nghị cho mở ngay tại mặt trận một đợt đấu tranh tự phê bình và phê bình. Hạ tuần tháng 4-1954, Đảng ủy Chiến dịch triệu tập cán bộ chủ chốt ở các đơn vị và cơ quan từ cấp trung đoàn trở lên về Sở Chỉ huy tại Mường Phăng để họp. Tại hội nghị, sau khi lãnh đạo các đơn vị, cơ quan tự kiểm điểm, sang ngày thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch - kết luận, phê bình nghiêm khắc nhiều tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.
Sau hội nghị, không khí tự phê bình và phê bình với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau lan tỏa rộng khắp trên mặt trận, ngay tại chiến hào. Những thành tích, chiến công được ghi nhận kịp thời, xứng đáng. Những hạn chế được chỉ ra một cách trách nhiệm, thẳng thắn, bình đẳng. Cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trên toàn mặt trận diễn ra đồng bộ, hiệu quả. Một luồng sinh khí mới với sức bật phi thường, sức sống mới, sức chiến đấu mới được hun đúc giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận như được nhân lên sức mạnh vượt qua hiểm nguy, gian khổ, quyết tâm chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá, đây là thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta.
Không chỉ riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, không chỉ trong quân đội, việc tự phê bình và phê bình diễn ra trên mọi lĩnh vực ở tất cả giai đoạn phát triển. Khi phát hiện những điểm không phù hợp trong lãnh đạo thực hiện cải cách ruộng đất giai đoạn 1953 - 1956, Trung ương Đảng nghiêm túc, thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ nguyên nhân, yêu cầu biện pháp sửa sai và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng đường lối lãnh đạo của Đảng. Sự thành thật nhận khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa của Đảng và Chính phủ đã góp phần củng cố mối đoàn kết toàn dân, ổn định nông thôn, hăng hái đẩy mạnh sản xuất phục vụ công cuộc kháng chiến.
Ngày 2-1-1965, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 88-CT/TW, Về cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân năm 1965. Chỉ thị chỉ rõ: “Trong cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ trung cấp và cao cấp, bên cạnh tư tưởng hữu khuynh và ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại chưa được khắc phục một cách triệt để, hãy còn nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân... Tình hình ấy đã làm tổn thương đến tính chất tiền phong và gương mẫu của đảng viên, gây ảnh hưởng xấu trong Đảng, trong nhân dân và thiệt hại lớn cho sự nghiệp cách mạng, cần phải kiên quyết khắc phục”(13). Chỉ thị yêu cầu: “Các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo phải gương mẫu trong việc phê bình và tự phê bình, nhất là tự phê bình”(14).
Trong thời kỳ đổi mới, tháng 5-1987, trên Báo Nhân Dân xuất hiện chuyên mục mới mang tên “Nói và làm” và “Những việc cần làm ngay”, chủ đích công khai hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, vạch rõ hướng sửa chữa khắc phục, mang đậm tinh thần tự phê bình và phê bình. Từ ngày 25-5-1987 đến ngày 28-9-1990, có 31 bài đăng trên chuyên mục “Những việc cần làm ngay”, đều của tác giả N.V.L (bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), nội dung quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới của Đại hội VI của Đảng (năm 1986) là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”. Nhiều bài viết ngắn gọn, giàu tính chiến đấu, phê phán và yêu cầu xử lý ngay những vấn đề cấp bách, cơ bản lan tỏa không khí đổi mới sâu rộng, thiết thực và hiệu quả. Những tập thể, cá nhân có hiện tượng, hành vi tiêu cực bị “điểm mặt, chỉ tên” và yêu cầu, đề nghị xử lý. Việc tự phê bình và phê bình một cách trực diện, kịp thời, rộng rãi này góp phần quan trọng trong việc triển khai đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, từ đó làm cơ sở, nền tảng cho đất nước bước vào giai đoạn mới với nhiều thành tựu vượt bậc trên tất cả lĩnh vực.
Còn không ít ví dụ sinh động, sâu sắc, nổi bật khác về vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng một cách kịp thời, thực chất, hiệu quả. Bầu không khí tự phê bình và phê bình trên tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cầu tiến, vì lợi ích quốc gia, dân tộc diễn ra thường xuyên trong Đảng. Kết quả đạt được là rất quan trọng, giúp củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, đây đó vẫn xuất hiện những biểu hiện thờ ơ, xao nhãng, đối phó, xem nhẹ vấn đề tự phê bình và phê bình,... dẫn đến những kết cục đáng tiếc, những cá nhân, tập thể buộc phải xử lý kỷ luật. Đó đều là các đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Đó đều là vi phạm, khuyết điểm gây nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn lực xã hội, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền...
Nhìn rộng hơn, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Con số này được đưa ra tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng diễn ra ngày 13-3-2024, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Tổng Bí thư, còn một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...
Những vi phạm nghiêm trọng trong những vụ việc kể trên, trong thực trạng đau xót mà Tổng Bí thư nêu ra đầy trăn trở liệu có xảy ra nếu công tác tự phê bình và phê bình được chú trọng? Câu trả lời chung, thống nhất là không dễ dàng, nhưng có thể khẳng định rằng, sự lơ là, buông lỏng trong công tác tự phê bình và phê bình đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc. Nếu như có sự thẳng thắn, khách quan, công bằng, công tâm, vì lợi ích chung thì khuyết điểm, sai phạm sẽ được chỉ ra một cách kịp thời, tìm cách tháo gỡ hiệu quả. Nếu việc tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên thì cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo, những người đứng đầu sẽ không dễ dàng vi phạm những điều đảng viên không được làm, không tha hóa, biến chất, rơi vào những “chiếc bẫy” lợi ích phi pháp, những “viên đạn bọc đường” trong giải quyết công việc, trong sinh hoạt thường ngày để rồi trượt dài vào suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đánh mất bản thân mình, gây phương hại đến tập thể, ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta càng thấm thía, trăn trở hơn khi nhớ lại rằng, trong bản Di chúc để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(15).
“Vũ khí sắc bén” cần được sử dụng thường xuyên, hiệu quả
Trong thực tế, đã làm việc là có sai lầm, dễ mắc khuyết điểm, dù với bất kỳ ai, bất kể công việc, ở bất cứ lĩnh vực nào. Nhưng vì nhiều lý do, không phải sai lầm, khuyết điểm nào cũng có thể được chỉ ra, để rồi xảy ra hậu quả đáng tiếc. Vậy nên, việc tự phê bình và phê bình phải luôn được coi trọng, xem đó là thứ “vũ khí sắc bén” cần được sử dụng thường xuyên, hiệu quả.
Như trên đã chỉ rõ, một khi vấn đề tự phê bình và phê bình được thực hiện kịp thời, thực chất, công tâm, khách quan sẽ giúp mang lại những kết quả đáng khích lệ. Ngược lại, nếu chúng ta xem nhẹ, lơ là, bỏ qua thứ “vũ khí” này sẽ xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, không cách gì khác, trong tiến trình lịch sử, trong mỗi bước phát triển luôn cần sử dụng thứ “vũ khí sắc bén” ấy một cách thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Tất nhiên, tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên, liên tục không nên chỉ là khẩu hiệu hay phong trào mà phải là việc làm thực chất của mỗi đảng viên, tổ chức cơ sở đảng. Ví như mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, cần thường xuyên nhìn lại mình sau mỗi ngày làm việc, mỗi việc làm cụ thể, nhất là những việc tác động đến tập thể, đến nhiều người, đến xã hội. Sự nhìn lại mình thường xuyên như “rửa mặt hằng ngày” ấy là sự tự rút ra những bài học kinh nghiệm, xem xét về những gì chưa làm được, những gì còn hạn chế để không mắc phải sai lầm tương tự, đồng thời tìm giải pháp khắc phục, cải thiện trong những công việc sau này, cả trong mỗi “lời ăn tiếng nói” để hành xử đúng đắn, phù hợp và tốt đẹp hơn.
Đối với mỗi tập thể, việc tự phê bình và phê bình cũng không nên cứng nhắc, hình thức, qua loa mà phải thực chất, linh hoạt, kịp thời, đúng người, đúng việc, rõ ràng, dưới nhiều hình thức khác nhau. Một khi mỗi cá nhân, từng tập thể tạo ra được bầu không khí tự phê bình và phê bình một cách dân chủ, thực sự giúp nhau tiến bộ, giúp tổ chức, tập thể thường xuyên tự soi, tự sửa và có sự kiểm tra, giám sát kịp thời, hợp lý sẽ giúp nhận ra khuyết điểm, sai lầm một cách nhanh chóng, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả. Khi đã có được bầu không khí tự phê bình và phê bình như vậy, với sự đoàn kết cùng chí hướng tiến bộ, phát triển, sẽ không có chỗ cho tư thù, trù dập, lợi ích cá nhân nảy sinh.
Sự tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên, liên tục trên cơ sở như vậy cũng giúp mỗi người cảm thấy đó là “được phê bình”, chứ không phải “bị phê bình”, tránh nảy sinh tâm lý trái chiều, đối nghịch là chủ quan, kiêu ngạo hoặc tự ti, xấu hổ. Bởi đó chính là sự giúp nhau, cùng nhau tiến bộ. Và khi mỗi thành viên đều ngày càng hoàn thiện mình, sai lầm, khuyết điểm ngày càng hạn chế đi thì tổ chức, tập thể chắc chắn sẽ mạnh lên, sẵn sàng đảm đương và hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao. Cũng phải nói thêm rằng, việc tiến hành bất kỳ công việc gì một cách thường xuyên, liên tục cũng sẽ giúp tạo ra sự liền mạch, có tính kế thừa, sự thông suốt, tránh tình trạng ngắt quãng dẫn tới xao nhãng, bỏ bê, xem nhẹ để rồi không chú tâm, chú trọng vào công việc, dù có quan trọng đến đâu chăng nữa. Người xưa đã đúc kết, có “văn ôn, võ luyện” thường xuyên thì mới thuần thục, thành tài, nếu không sẽ khó lòng đạt kết quả như mong muốn, thậm chí còn xảy ra nguy cơ phương hại đến thành quả đã đạt được. Điều đặc biệt nguy hiểm là còn có tình trạng việc tự phê bình và phê bình không được cán bộ lãnh đạo chú tâm, thậm chí còn có biểu hiện coi nhẹ, không thích, trù dập cán bộ cấp dưới có ý kiến góp ý, phê bình xác đáng, công khai, công tâm, đúng người, đúng việc.
Như trên đã chứng minh rằng, việc tự phê bình và phê bình một cách qua loa, chiếu lệ, chung chung đã gây ra những hậu quả khó lường, những thiệt hại to lớn về nhiều mặt, từ vật chất đến tinh thần, từ nhân sự đến niềm tin. Điều này để thấy rõ hơn rằng, việc tự phê bình và phê bình thường xuyên, liên tục phải được tiến hành một cách hết sức nghiêm túc, vì mục đích chung, tránh “dĩ hòa vi quý”, sợ mất lòng, sợ bị trù dập... Việc này, đáng tiếc lại không phải là hiếm gặp, ở không ít đơn vị, địa phương. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao phụ trách”(16).
Như vậy, cần thiết phải nhắc lại ví dụ đã nêu về việc nhiều cán bộ sai phạm dẫn đến bị kỷ luật, vướng vòng lao lý có một phần là bởi công tác tự phê bình và phê bình đã không được coi trọng đúng mức trong thời gian dài, dẫn đến việc xử lý cả cá nhân lẫn tập thể. Nhắc lại như thế để thấy rõ thêm, cần coi trọng việc sử dụng “vũ khí sắc bén” tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên, liên tục. Cũng cần nhắc lại rằng, cả cuộc đời vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề tự phê bình và phê bình. Trong Di chúc, Người coi đó là một trong ba vấn đề trọng đại, cốt lõi, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng ta luôn thấu triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong từng thời kỳ, mỗi giai đoạn lãnh đạo của mình đều kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào trong thực tiễn sinh động, phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và trên thế giới. Biểu hiện đậm nét, sinh động nhất là 3 nhiệm kỳ gần đây (Đại hội XI, XII và XIII), Đảng ta đều chọn Hội nghị Trung ương 4 - hội nghị đầu mỗi khóa - để bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chú trọng hoạt động tự phê bình và phê bình. Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các quy định về nêu gương đều có đề cập vấn đề tự phê bình và phê bình.
Từ sự khai phá, nhìn thẳng vào những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (năm 2011), nhất là công tác tự phê bình, phê bình chưa được làm quyết liệt, đến nay công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, quyết liệt, giải quyết đúng những hạn chế, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”... Cụ thể, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Trung ương kiên quyết thực hiện với hàng loạt đại án đã đưa ra xét xử. Các vụ án được xét xử đúng người, đúng tội.
Công cuộc chống “giặc nội xâm” đã tạo được niềm tin rất lớn trong nhân dân. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động cũng điên cuồng chống phá, xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ rằng đó là những cuộc “thanh trừng phe nhóm”, “cuộc chiến phe nhóm”, “cuộc chiến quyền lực”... Những thông tin xấu độc lan tràn trên mạng khiến không ít người dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên tiếp nhận một cách vô tình bị phân tâm, dao động ít nhiều. Trong bối cảnh như vậy, vấn đề tự phê bình và phê bình càng cần được đề cao, chú trọng hơn, đối với từng đảng viên, từng tổ chức cơ sở đảng và trong toàn Đảng, để giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là việc tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giúp Đảng ngày càng loại bớt những mối hiểm nguy, những “mầm bệnh”.
Trên cơ sở nhận thức khách quan, đúng đắn đó, mỗi cán bộ, đảng viên tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi hơn trong đơn vị, xã hội, để mỗi người dân đều kịp thời nhận được thông tin đúng đắn, thêm một lần thấy rõ rằng việc tự phê bình và phê bình chính là “vũ khí sắc bén” để kịp thời nhận diện, chặn đứng những nguy cơ chúng ta có thể phải đối mặt. Từ đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, sáng suốt, lãnh đạo đưa đất nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tựu hơn nữa, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét