Sáng tác văn học-nghệ thuật (VHNT) về đề tài thương binh, liệt sĩ (TBLS) trong bối cảnh hôm nay được tiếp nối truyền thống tôn vinh, trân trọng và cảm phục tha thiết của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đi trước. Để làm dày thêm truyền thống đó, cần có nhiều phương thức mới để nhen lửa sáng tạo trong lớp văn nghệ sĩ đang hưởng hòa bình, chịu ơn cống hiến, hy sinh của cha anh xưa!
Ngợi ca, cảm phục và tiếc thương
Trước khi Đảng, Nhà nước lấy ngày 27-7 là Ngày TBLS và truyền thống đẹp đẽ, hào hùng, bi tráng tôn vinh các TBLS được giữ lửa mãi đến hôm nay, trong lịch sử VHNT nước nhà, sự hy sinh quên mình, xả thân vì dân, vì nước của những người con ưu tú đã được “dựng tượng đài”, được “dâng hoa” bằng sáng tạo của các bậc chí sĩ, văn nhân.
Nối tiếp truyền thống biết ơn người có công với nước trong lịch sử, truyền thống tưởng niệm, tri ân các chiến sĩ dành một phần máu xương và cả tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc, đồng bào đã soi chiếu vào tình cảm, tấm lòng của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, qua nhiều thời kỳ. Dễ nhận thấy rằng, trong sáng tạo văn nghệ về đề tài chiến tranh cách mạng, do tinh thần chung một thời, hướng về chiến thắng, nên thường thể hiện sự lạc quan, khí thế quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.
Nhìn lại nhiều tác phẩm, có thể thấy việc bị thương, thậm chí hy sinh, hành động quả cảm chiến đấu đến cùng là những điểm nhấn, góp phần lý giải cho vẻ đẹp con người. Tất nhiên, đáng lưu ý là việc miêu tả những tổn thương, mất mát đó thường được truyền tải qua những hình tượng, hình ảnh, nội dung mô tả đẹp đẽ, kiên cường chứ không bi lụy, bi thiết.
Điều này cũng nhằm truyền đến công chúng, trong đó có các chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu những cảm xúc mạnh mẽ, tích cực, hướng về tương lai. Do đó, cách thể hiện cũng thường thiên về mô tả hiện thực, dễ nắm bắt, tiếp nhận, dễ đồng cảm.
Nhiều tác phẩm tôn vinh các TBLS để lại ấn tượng sâu sắc xuyên thời gian đến hôm nay, trở thành những tiêu biểu của nền văn nghệ nước nhà, có thể kể đến các bài hát: “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, “Bế Văn Đàn sống mãi” của Huy Du; bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân, sau này nhạc sĩ Nguyễn Chí Vũ phổ nhạc; bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của danh họa Nguyễn Sáng, “Con đọc bầm nghe” của danh họa Trần Văn Cẩn; vở kịch múa “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” của tập thể tác giả, biên đạo múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; vở kịch “Đại đội trưởng của tôi” của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm...
Thời hòa bình, không vì mải lo hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục khó khăn kinh tế và dành tâm sức đổi mới, hội nhập mà Đảng, Nhà nước và văn nghệ sĩ sao nhãng mảng đề tài về TBLS. Đề tài về chiến đấu và hy sinh, mất mát vẫn tiếp tục được nối dài. Cùng với đó, đề tài hậu chiến với những vết thương chưa lành của gia đình, người thân liệt sĩ, của thương binh khi sự mất mát vẫn ở trong thực tại.
Cả những “mối lo” mới của họ ở tư cách những người lính từ chiến trường bước ra nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu và sau này là nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, cốt yếu để lo cho bản thân và gia đình có cái ăn, cái mặc đủ đầy. Lẽ tất yếu vẫn có những tác phẩm hay mà nhân vật TBLS là trung tâm. Có lẽ từ khía cạnh tình cảm, đạo đức, nhân phẩm, đứng trước sự mất mát, hy sinh của những người đã hiến dâng thân thể, tính mạng cho hòa bình, thống nhất, thì cảm quan chung của những người sáng tạo sẽ là sự kính trọng, khâm phục, biết ơn, thương tiếc và có cả nỗi xót xa với những câu hỏi tự vấn cho bản thân.
Bởi thế mà đọc, xem, nghe những tác phẩm, chi tiết nghệ thuật hướng về những hy sinh, mất mát ấy, tinh thần chung dễ cảm nhận là thái độ tôn vinh, nhắc nhớ. Có thể kể đến các bài hát: “Vết chân tròn trên cát” của Trần Tiến, “Miền xa thẳm” của Đức Trịnh; vở kịch “Người không cô đơn” của nhà viết kịch Bùi Vũ Minh; bộ phim “Ai xuôi vạn lý” (kịch bản: Nguyễn Thiện Đĩnh, Ngụy Ngữ; đạo diễn: Lê Hoàng)...
Cầu nối của các thế hệ mới
Việc thúc đẩy đề tài TBLS trong sáng tác VHNT về chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính vẫn là một nhu cầu, nhiệm vụ trong đời sống hôm nay, với những nét mới về điều kiện, con người.
Bên cạnh những yếu tố mang tính thị trường liên quan đến việc xuất bản, phát hành các tác phẩm; yếu tố đa dạng thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức phong phú của công chúng ngoài mảng VHNT đề tài người lính; thì những tác động quan trọng đến từ đội ngũ tác giả. Lực lượng sáng tác đi qua chiến tranh đã vắng bóng dần cũng như tuổi đã cao. Lớp người mới lớn lên trong hòa bình, tiếp cận với chiến tranh, sự hy sinh của cha anh qua sử liệu và thực tế trên những vùng chiến trường xưa đã tan khói súng. Sự kết nối về con người, tình cảm, ngay cả ý thức trách nhiệm cũng khác với lớp người đi trước.
Thậm chí, ngay cả đội ngũ những người lính hôm nay gồm cả lực lượng có vai trò tổ chức, thúc đẩy hoạt động sáng tác VHNT về đề tài TBLS cũng đã có những lớp người mới, là những người lính thời bình. Những điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan tâm, ý thức trách nhiệm và hành động kiến tạo, thúc đẩy cũng như hành vi sáng tạo đối với đề tài TBLS.
Xác định tiếp tục duy trì mảng đề tài này, cũng như nuôi dưỡng, vun đắp để tiếp tục có những tác phẩm mới, có chất lượng của thế hệ trung tuổi, trẻ tuổi, sự đầu tư và kiến tạo các hoạt động xúc tác cho sáng tác đòi hỏi những phương thức tổ chức và định hướng mới. Trong chuỗi những hoạt động chung về tổ chức sáng tác, xuất bản, dàn dựng, trưng bày, triển lãm... các tác phẩm về chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính nên có những chuyên đề, chủ điểm dành riêng về đề tài TBLS cho các văn nghệ sĩ quan tâm, có nhu cầu tìm hiểu sẽ tiếp cận, thể nghiệm và sáng tạo.
Thí dụ như việc đi thực tế sáng tác ở các đơn vị, địa bàn, cần có những nội dung tập trung vào các nghĩa trang liệt sĩ, bảo tàng chứng tích chiến tranh, nhà tù giam giữ chiến sĩ của ta, gặp gỡ các nhân chứng là thương binh, thân nhân liệt sĩ, tiếp cận những nơi lưu trữ hồ sơ liên quan, các đơn vị làm công tác đền ơn đáp nghĩa, xác minh tên tuổi liệt sĩ...
Bên cạnh đó, cũng cần bám sát dư luận, theo dõi nguồn thông tin báo chí. Đây là một nguồn gợi ý đa dạng và ngày càng có thêm những diễn biến mới liên quan đến đề tài TBLS. Thời gian qua, đã xuất hiện nhiều hoạt động hợp tác của cựu binh Mỹ với Việt Nam trong việc tìm hài cốt liệt sĩ, xác định lại những hố chôn tập thể của bộ đội ta trong chiến tranh. Rồi công tác xác định hài cốt, đi tìm mộ liệt sĩ, xác nhận tài liệu, hồ sơ liên quan đến liệt sĩ trong chiến tranh cũng có nhiều diễn biến mới.
Ngoài ra, báo chí cũng phản ánh nhiều gương thương binh vượt khó, làm giàu, nghiên cứu, hoạt động từ thiện, khám, chữa bệnh, có nhiều đóng góp cho xã hội... Những nội dung như thế, qua báo chí, tuy cần có độ lắng theo thời gian, độ ngấm đối với các văn nghệ sĩ nhưng cũng có thể là nguồn tham khảo, nắm bắt thực tiễn cần thiết, chân thực.
Kiến tạo các hoạt động sáng tạo như trên, cũng như có những định hướng, gợi mở từ thực tế hôm nay là điều cần lưu tâm đối với các nhà tổ chức hoạt động sáng tác trong LLVT cũng như ngành thương binh, xã hội và các hội nghề nghiệp về VHNT trong quá trình phối hợp.
Với người sáng tạo, sở trường, sự hứng thú và ý thức tự thân là điều quyết định chính cho sáng tác của họ. Nhưng với đề tài TBLS, thử sức cũng là điều nên làm. Tất nhiên để đi tới cách làm việc hiệu quả, thiết thực, văn nghệ sĩ thế hệ mới, thế hệ trẻ ngoài việc tìm hiểu các nguồn tư liệu, đi thực tế các địa bàn, gặp gỡ nhân chứng... thì nên có được sự phối hợp, hỗ trợ và cả đầu tư từ các cơ quan chức năng của LLVT, các địa phương, bộ, ngành, cơ quan chức năng trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Mục tiêu lớn nhất là bảo đảm cho văn nghệ sĩ nuôi dưỡng, duy trì được bền hơn mối quan tâm, nhiệt tình sáng tác với mảng đề tài này. Ngoài ra, con đường từ tác phẩm ra thị trường, đến xã hội cũng cần nhiều hơn những hoạt động hỗ trợ công bố, thúc đẩy quảng bá, các chương trình phục vụ công chúng thưởng thức các tác phẩm văn học, nhiếp ảnh, xem phim, sân khấu, thưởng thức ca múa nhạc về đề tài này.
Thiết kế những cầu nối để người tổ chức sáng tác và người sáng tác gặp nhau là việc cần làm để khởi đầu cho chuỗi những hoạt động có thể diễn ra sau đó. Tin rằng với mối quan tâm trân trọng và ý thức sáng tạo VHNT như một nhiệm vụ về đề tài TBLS, sẽ còn nhiều câu chuyện về cống hiến và hy sinh được kể với công chúng, đặc biệt là với thế hệ công chúng mới, sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ. Lòng biết ơn, tình cảm xót thương, niềm trân trọng hòa bình và cả cảm hứng sống đóng góp, dâng hiến sẽ còn được dấy lên trong lớp người trẻ qua những bài học tinh tế, sâu sắc bằng VHNT./.
Theo báo QĐND.
Môi trường ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét