CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VẬN DỤNG, PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀO THỰC TIỄN CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kiên định, vững vàng với thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, mà còn vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết này vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Trong “Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”, V.I. Lênin cho rằng, các nước thuộc địa thường là nước nghèo nàn, lạc hậu, đang bị các nước tư bản nô dịch, thống trị. Do đó, giai cấp vô sản ở chính quốc phải ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Bằng việc nghiên cứu rất kỹ lưỡng tình hình các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã phát triển hơn nữa quan điểm của V.I. Lênin về vấn đề này, khi khẳng định cách mạng ở các nước thuộc địa có thể tiến hành trước ở các nước chính quốc, và đến lượt mình sẽ có thể giúp đỡ cách mạng ở các nước chính quốc tiến lên. Đây là sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc khi vận dụng quan điểm của V.I. Lênin về vai trò của cách mạng ở các nước thuộc địa so với cách mạng ở chính quốc. Nhận định về điều này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Luận điểm của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ,… nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng của những con người mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh vạch đường cho thời đại”. Ngoài ra, tư tưởng về khả năng đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa của V.I. Lênin (bỏ qua gián tiếp) đã được Nguyễn Ái Quốc phát triển thành tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và ngày nay, tư tưởng ấy vẫn là “kim chỉ nam” cho cách mạng nước ta.
Khi xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mặc dù ở thời điểm chủ nghĩa xã hội đang hiển hiện ở Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể áp dụng một cách máy móc vào thực tiễn Việt Nam; bởi lẽ: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”. Với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần học tập kinh nghiệm của các nước một cách sáng tạo và vận dụng linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Người chỉ rõ: “Phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác – Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác – Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quán triệt rất sâu sắc lời chỉ dạy của Ph. Ăngghen khi vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Theo Ph. Ăngghen, học thuyết của Mác là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc. Tư tưởng về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là quá độ từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, có trình độ phát triển nghèo nàn, lạc hậu đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; hay độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là những dẫn chứng thuyết phục cho sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, làm cho học thuyết ấy được nảy nở, phát triển trên cơ sở vận dụng phù hợp với điều kiện của một nước phương Đông như Việt Nam.
Là người quán triệt sâu sắc phương pháp luận duy vật biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán rất nghiêm khắc cả hai khuynh hướng sai lầm khi vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn. Đó là “chủ nghĩa giáo điều” và “chủ nghĩa xét lại”. Người chỉ rõ: “Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại”. Vì thế, khi vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn, Người luôn yêu cầu vừa coi trọng việc học tập, nghiên cứu lý luận, vừa gắn lý luận với thực tiễn và phải khắc phục bệnh giáo điều, đề phòng chủ nghĩa xét lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét