Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2024

V.I. Lê-nin với vấn đề xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh

Trong điều kiện đảng cộng sản đã nắm quyền lãnh đạo đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, V.I. Lê-nin đặc biệt lưu ý tới sự suy yếu có thể xảy ra đối với đảng do mắc phải những sai lầm, khiếm khuyết trong quá trình lãnh đạo, nhất là sai lầm về đường lối và các bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, cơ hội chủ nghĩa, kiêu ngạo cộng sản, tham nhũng, hối lộ, xa hoa, lãng phí.

V.I. Lê-nin, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, đã kế tục, bảo vệ và phát triển một cách xuất sắc di sản lý luận của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về xây dựng một chính đảng độc lập của giai cấp vô sản, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhằm lật đổ chế độ xã hội cũ đầy rẫy áp bức, bất công, tiến lên xây dựng một chế độ xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh, vì hạnh phúc và phẩm giá cao đẹp cho con người.

Để khắc phục những sai lầm có thể xảy ra đối với đảng cộng sản cầm quyền, V.I. Lê-nin nhấn mạnh tính tất yếu phải thường xuyên xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, trước hết tập trung xây dựng lý luận cách mạng của đảng. V.I. Lê-nin khẳng định: “Không thể có một đảng xã hội chủ nghĩa vững mạnh, nếu không có lý luận cách mạng để đoàn kết tất cả những người xã hội chủ nghĩa lại, để họ rút ra từ trong lý luận đó tất cả những tín điều của họ và đem áp dụng lý luận đó vào những phương pháp đấu tranh và phương sách hành động của họ”. Cơ sở hình thành lý luận của một đảng mác-xít chân chính bắt nguồn từ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản và từ đòi hỏi của thực tiễn cách mạng. Trong nhiều bài nói và bài viết, V.I. Lê-nin thường xuyên nêu rõ vấn đề phải “trí tuệ hóa” đội ngũ công - nông nhằm nâng cao vai trò và uy tín lãnh đạo của đảng đối với toàn xã hội. Người chỉ rõ: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”.

Trong chỉ đạo thực tiễn xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, V.I. Lê-nin đặc biệt coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và coi đây là nguyên tắc bất di, bất dịch, một nguyên tắc tổ chức căn bản của đảng cộng sản. Người khẳng định: Không thể có một đảng cách mạng chân chính mà lại phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu không có tập trung thì đảng trở thành một tổ chức biệt phái, hỗn độn, một “câu lạc bộ tranh luận”; nếu xa rời dân chủ, đảng sẽ bị biến thành một tổ chức chuyên quyền, độc đoán, quan liêu. Người đòi hỏi mỗi người đảng viên cộng sản phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiên quyết đấu tranh chống các phần tử cơ hội, xét lại trong mọi điều kiện, hoàn cảnh để bảo vệ đảng cộng sản, bảo vệ chính quyền nhà nước của nhân dân lao động.

Khi đảng cộng sản đã nắm quyền lãnh đạo đất nước, V.I. Lê-nin chỉ ra và cảnh báo về những “căn bệnh” đã và đang trở thành nguy cơ hiện hữu đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội mới và để kẻ thù lợi dụng hòng xóa bỏ mọi thành quả của cách mạng. Đó là những căn bệnh cơ hội chủ nghĩa, kiêu ngạo cộng sản, quan liêu, tham nhũng, hối lộ, xa hoa, lãng phí, “mù chữ”... Người vạch rõ: “... nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được. Trong trường hợp này, thậm chí cũng không thể nói đến làm chính trị được, vì mọi biện pháp đều sẽ lơ lửng trên không trung, sẽ hoàn toàn không mang lại kết quả gì cả”. Vì vậy, đảng cần kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” để “tẩy sạch” các phần tử tha hóa, biến chất trong tổ chức của mình, nhằm làm trong sạch đảng. Người còn cảnh báo: “Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan kinh tế của chúng ta bị khốn khổ trước hết về tệ quan liêu... Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”.

Đảng cộng sản cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội không chỉ bằng cương lĩnh chính trị, đường lối chiến lược, sách lược, mà còn phải thông qua vai trò tổ chức hoạt động của bộ máy chính quyền nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Vì thế, một vấn đề then chốt về xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh được V.I. Lê-nin đặc biệt quan tâm là phải tăng cường xây dựng, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa đảng và nhân dân. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội sinh động, sáng tạo là sự nghiệp của bản thân quần chúng nhân dân”. Cho nên, đảng cộng sản cầm quyền phải trở thành người lãnh đạo, người cổ vũ, tổ chức sự sáng tạo đó. Mỗi đảng viên không những phải luôn thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân để tạo nên sức mạnh vô địch cho đảng, mà còn phải thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, đạo đức cách mạng, nhằm hướng đích xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh. Từ kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo chính quyền Xô-viết, V.I. Lê-nin đưa ra những chỉ huấn rất sâu sắc: Mỗi người cộng sản nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình, thì không kẻ nào có thể hạ thấp được vai trò và uy tín của họ; tuyệt nhiên không một thế lực nào có thể phá vỡ được quan hệ gắn bó máu thịt giữa đảng và quần chúng nhân dân.

Đối với cách mạng Việt Nam, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Người nói: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Chủ nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền bá vào nước ta chính là hệ tư tưởng Mác - Lê-nin, đó là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, để họ có đủ cả đức và tài, “hồng” và “chuyên”, trong đó lấy đạo đức làm gốc. Người chỉ rõ, nếu không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không thể làm cho “dân tin, dân phục, dân yêu”. Người căn dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Từ việc đề cao vai trò của đạo đức cách mạng đối với toàn Đảng và mỗi đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn cảnh báo những căn bệnh tha hóa đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm suy giảm uy tín và sức chiến đấu của Đảng.

 Cũng như V.I. Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng ta về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Người khẳng định sự thống nhất tối cao về lợi ích giữa Đảng và nhân dân: “Đảng ta là Đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Ngoài ra, không còn có lợi ích nào khác”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đày tớ thật trung thành của nhân dân. Đó là một nguyên tắc lớn, gắn liền với bản chất cách mạng của Đảng. Người viết trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Khi đã trở thành đảng cầm quyền, nếu Đảng thiếu sự gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng sẽ trở thành một tổ chức quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, mất sức sống và sức sáng tạo, mất vai trò lãnh đạo đối với toàn xã hội. Đảng giữ vai trò là người lãnh đạo, nhưng quần chúng nhân dân mới là người làm nên lịch sử, bởi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Khi Đảng biết dựa vào nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thì đó chính là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của Đảng, là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Đảng. Đảng ta vĩ đại là bởi Đảng biết tìm thấy nguồn sức mạnh vô địch từ trong quần chúng nhân dân, vì nhân dân mà nguyện hy sinh, phấn đấu, và trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng cũng luôn tâm nguyện một điều sâu sắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Có thể nói, từ V.I. Lê-nin tới Hồ Chí Minh, từ Cách mạng Tháng Mười Nga tới cách mạng Việt Nam có một mối liên hệ hữu cơ, một sự thống nhất biện chứng, chặt chẽ. Liên quan đến vấn đề xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, dù diễn đạt khác nhau, trong những bối cảnh khác nhau, song cả hai vị lãnh tụ V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh phải luôn đề phòng và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện tiêu cực, như suy thoái về tư tưởng chính trị, đặc quyền, đặc lợi, xa rời nhân dân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô nguyên tắc, cơ hội chủ nghĩa và những tiêu cực khác; không để chúng xâm nhập vào cơ thể Đảng, vào bộ máy nhà nước. Đó là những nguy cơ thách thức nghiêm trọng uy tín của Đảng trong xã hội, ảnh hưởng đến việc cầm quyền của Đảng, sự tồn vong của chế độ và con đường phát triển của đất nước.

Thực tiễn hơn 84 năm qua, Đảng ta luôn luôn trung thành và vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý cơ bản của V.I. Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh. Đảng ta đã trưởng thành qua bao thử thách, có những bổ sung, phát triển lý luận về xây dựng đảng cầm quyền phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam trong điều kiện mới. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống mọi thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội của các thế lực thù địch; chống mọi biểu hiện xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền. Với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm, luôn nêu cao dũng khí tự phê bình và phê bình, gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa đất nước giành được nhiều thắng lợi vĩ đại, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét