Thế kỷ XX sản sinh ra nhiều “thế hệ vàng” đã trực tiếp làm nên những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Một trong những con người của “thế hệ vàng” đó là một người lính xe tăng - Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước - nguyên Chủ nhiệm Tăng thiết giáp các mặt trận B70, B5, B4 và Quân đoàn 1, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tăng thiết giáp của Học viện Quốc phòng.
Hai lần dọa “trốn”.
Giữa những ngày nóng bỏng của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 ở Vinh - Bến Thủy, tại làng Trung, xã Yên Dũng Hạ, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An có một sinh linh bé bỏng cất tiếng khóc chào đời. Đó chính là Nguyễn Văn Phước, con trai ông Nguyễn Văn Tiến và bà Nguyễn Thị Duẩn.
Năm 1946, Toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Văn Phước theo cha gia nhập Công binh xưởng Huỳnh Thúc Kháng. Trong khi đó, chiến sự giữa ta và Pháp ngày một lan rộng. Quân Pháp đã chiếm được hầu hết các thành phố lớn và nhiều địa bàn quan trọng của ta trên cả ba miền. Tuy nhiên, hầu hết các địa bàn nông thôn, rừng núi của vùng Thanh - Nghệ Tĩnh vẫn nằm trong sự kiểm soát của ta.
Thời kỳ này, Thanh - Nghệ Tĩnh thuộc sự quản lý của Liên khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Sơn làm Tư lệnh. Ở công binh xưởng, Nguyễn Văn Phước được nghe rất nhiều chuyện về ông Thiếu tướng này. Từ chuyện ông đi hoạt động cách mạng phải đổi họ đổi tên, sang Trung Quốc tham gia cuộc Vạn lý trường chinh hàng vạn dặm trong băng tuyết đến chuyện ông có thể nói về Truyện Kiều hàng tiếng đồng hồ không cần sách vở, kể cả chuyện ông suýt từ chối nhận phong tướng, phải có thư của Hồ Chủ tịch gửi vào ông mới đồng ý nhận quân hàm... Nhiều chuyện nghe cứ như huyền thoại ấy. Nhưng có một cái rất thực, đó là thư của ông kêu gọi thanh niên Liên khu 4 tham gia nhập ngũ chuẩn bị cho Tổng phản công. Được đọc bức thư của ông, Nguyễn Văn Phước thấy trong người cứ nóng bừng bừng như lên cơn sốt vậy. Những dòng chữ tuy ngắn gọn nhưng đầy nhiệt huyết của ông dường như đã truyền sang và thúc giục Nguyễn Văn Phước nhanh chóng lên đường. Không đừng được, Nguyễn Văn Phước tìm cha và năn nỉ:
- Thưa chú (cha của Nguyễn Văn Phước- PV), ông Tư lệnh quân khu vừa có thư kêu gọi thanh niên nhập ngũ. Con xin phép chú cho con đi Vệ quốc đoàn đợt này.
Cha Nguyễn Văn Phước nhìn con chăm chú một lát, rồi ông mới chậm rãi:
- Sao con lại phải đi? Ở đây con cũng đóng góp được cho kháng chiến cơ mà.
Nguyễn Văn Phước hơi lúng túng không biết diễn giải ý mình thế nào:
- Nhưng con thấy nó cứ... tù túng thế nào ấy!
Cha Nguyễn Văn Phước lắc đầu:
- Ở đâu cũng có khuôn phép của nó. Hay là con chán việc đập gang với đốt than rồi chứ gì? Thôi được, để cha nói với các bác, các chú cho con đi học lấy một nghề chuyên môn thì sẽ hết chán ngay.
Nguyễn Văn Phước dứt khoát:
- Con không chán! Mà con cũng không học cái gì cả. Chú cho con đi đi!
Cha Nguyễn Văn Phước lắc đầu rồi buồn bã bỏ đi.
Nguyễn Văn Phước vẫn không bỏ cuộc. Cứ vài hôm lại nằn nì cha một lần nhưng ông vẫn chưa đổi ý. Cho đến lần Nguyễn Văn Phước tuyên bố nếu cha không cho đi, anh sẽ trốn thì ông mới đồng ý.
Đó là một ngày đầu tháng 10-1949. Tướng Nguyễn Sơn đóng quân ở huyện Yên Định, Thanh Hóa. Nguyễn Văn Phước quyết định: “Cứ ra Yên Định, Thanh Hóa nhất định sẽ tìm được bộ đội!”.
Đầu tháng 11-1949, thấy trời khô ráo lại không quá lạnh, Nguyễn Văn Phước quyết định lên đường. Sau mấy ngày trời rong ruổi, anh đã đến đất Yên Định, Thanh Hóa. Đó là một vùng bán sơn địa, đồng bằng xen kẽ với đồi núi thấp, được bao quanh bởi hai con sông: Sông Mã ở phía Đông và sông Cầu Chày ở phía Nam. Cũng giống như khi đến các địa phương khác, Nguyễn Văn Phước dừng chân hỏi thăm một nhà dân ven đường: “Ở quanh đây có đơn vị Vệ quốc đoàn nào đóng không?” thì nhận được câu trả lời và một cái chỉ tay về hướng núi: “Có đấy! Trong đó có một đơn vị bộ đội”. Nguyễn Văn Phước cảm ơn và đi theo hướng tay của người ấy chỉ.
Quả thật, trong cái khe núi ấy có một đơn vị bộ đội đóng quân thật. Doanh trại của đơn vị chỉ là mấy dãy lớn tranh tre nứa lá song phân khu rất rõ ràng, có lán ở bộ đội, lán chỉ huy, nhà bếp, nhà ăn đàng hoàng. Khi thấy Nguyễn Văn Phước hỏi ở đây có nhận quân mới không thì một người dẫn anh lên gặp chỉ huy. Đó là một anh bộ đội đã đứng tuổi, mặc bộ quân phục ka-ki đã bạc màu đang ngồi sau chiếc bàn ghép bằng tre chăm chú đọc cái gì đó trong cuốn sổ mở trước mặt. Sau này Nguyễn Văn Phước mới biết đó là Đại đội trưởng Lê Đức Định. Khi thấy Nguyễn Văn Phước xuất hiện, anh ngẩng lên rời mắt khỏi cuốn sổ tươi cười hỏi:
- Đồng chí muốn nhập ngũ à?
Nguyễn Văn Phước giật mình không trả lời ngay được. Lần đầu anh được gọi là “đồng chí”. Phải mấy giây sau Nguyễn Văn Phước mới cất lời được:
- Vâng ạ!
Anh chỉ huy nhíu mày:
- Tại sao đồng chí muốn nhập ngũ?
Nhớ lại tất cả những gì mình đã chuẩn bị, Nguyễn Văn Phước tuôn ra:
- Dạ... Thưa cấp chỉ huy! Sau Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giành được độc lập. Nhưng bọn thực dân Pháp lại xâm chiếm nước ta một lần nữa, buộc chúng ta phải cầm súng kháng chiến. Hiện nay, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã chuẩn bị chuyển sang phản công, vì vậy cần rất nhiều bộ đội. Vừa rồi, em đã được đọc thư kêu gọi thanh niên nhập ngũ của ông Tư lệnh Nguyễn Sơn. Em thấy rất phù hợp với nguyện vọng của mình nên quyết tâm đi ra Thanh Hóa tìm bộ đội để xin nhập ngũ ạ! Bây giờ đã tìm được rồi, em xin cấp chỉ huy chấp nhận nguyện vọng của em, cho em được đầu quân tại đơn vị mình. Em chỉ biết thế thôi ạ!
Anh chỉ huy tỏ ra xúc động. Một lát sau anh cầm bút và hỏi:
- Thế đồng chí họ tên là gì? Quê quán ở đâu? Bố mẹ là ai?
Đồ chừng có thể được nhận, Nguyễn Văn Phước phấn khởi trả lời ngay:
- Dạ, em là Nguyễn Văn Phước, quê quán Yên Dũng Hạ, thị xã Vinh - Bến Thủy, tỉnh Nghệ An. Bố em là Nguyễn Văn Tiến, là công nhân nhà máy Trường Thi; mẹ em là Nguyễn Thị Duẩn, làm ruộng ở nhà ạ!
Anh chỉ huy lúi húi ghi chép vào cuốn sổ, miệng lầm bầm:
- Ái chà, dân Xô viết Nghệ Tĩnh nòi đây! Thế mấy năm nay, ở nhà thì đồng chí làm gì?
Đã quen với việc được gọi là đồng chí rồi nên Nguyễn Văn Phước không thấy bỡ ngỡ nữa:
- Dạ, hai năm vừa rồi, cha em đưa em lên chiến khu Phủ Quỳ làm việc trong Công binh xưởng Huỳnh Thúc Kháng ạ!
Anh chỉ huy ngừng viết, ngẩng lên nhìn Nguyễn Văn Phước một lượt từ đầu đến chân rồi nói:
- Thôi được! Chúng tôi sẽ nhận đồng chí vào đơn vị. Trước mắt, do đồng chí chưa được huấn luyện gì cả nên tạm thời về tiểu đội cấp dưỡng, còn mọi việc tính sau. Đồng chí thấy thế nào?
Vậy là Nguyễn Văn Phước đã được nhận vào Vệ quốc đoàn!
Nhiệm vụ hằng ngày của đơn vị là huấn luyện và trực chiến. Ấy thế nhưng mơ ước được trực tiếp cầm súng chiến đấu dường như mỗi lúc một xa vời bởi Nguyễn Văn Phước vẫn suốt ngày làm bạn với bếp lò, củi lửa... Đã mấy lần anh đề đạt ý kiến xin về đơn vị chiến đấu nhưng cấp chỉ huy vẫn chưa đồng ý mà chỉ động viên anh yên tâm làm nhiệm vụ. Dẫu biết rằng nhiệm vụ nào cũng vinh quang song nói thật là trong thâm tâm Nguyễn Văn Phước vẫn cảm thấy rất buồn và manh nha ý định xin chuyển sang bộ đội chủ lực để được đi chiến đấu.
Sang đầu năm 1950, mật độ bộ đội xung quanh nơi đóng quân của đại đội Nguyễn Văn Phước dường như tăng lên rõ rệt. Hồi trước, ở chợ Bến Đò hầu như chỉ có mỗi đại đội Nguyễn Văn Phước đến đó mua thực phẩm thì phải. Thế mà bây giờ ra đó thấy nhan nhản bộ đội cũng đi tiếp phẩm. Lại còn nói đủ thứ tiếng, cả khu Ba, khu Bốn, cả miền ngược, miền xuôi nữa. Có lẽ đã có khá nhiều đơn vị Quân đội quy tụ về khu vực này.
Một hôm, nghe một anh mặc cả bằng thứ tiếng Nghi Lộc nặng trịch rất đặc trưng, Nguyễn Văn Phước đánh bạo đến làm quen. Sau mấy câu hỏi thăm, nhận ra nhau là đồng hương, Nguyễn Văn Phước mời anh cùng nghỉ chân uống nước. Khi biết Nguyễn Văn Phước là người Bến Thủy, đã từng làm phu xây dựng sân bay Yên Đại gần nhà anh, anh vui lắm và cởi mở hơn. Đến lúc đó, anh mới cho biết mình tên là Lộc và là chiến sĩ Đại đội hỏa lực 36 của Trung đoàn bộ binh 9, Đại đoàn chủ lực 304, còn được gọi là Đoàn Vinh Quang.
Nghe đến mấy từ “đại đoàn chủ lực” Nguyễn Văn Phước thấy sướng mê người đi.
Một hôm đi chợ xong sớm, theo chân người đồng hương, Nguyễn Văn Phước đến đơn vị của anh. Vừa đi vừa nói chuyện, anh Lộc cho biết Đại đội trưởng của anh là Lê San, một cán bộ rất nóng tính nhưng cũng rất thương lính. Có điều thuận lợi, Đại đội trưởng Lê San cũng quê Nghệ An nên theo anh sẽ rất dễ nói chuyện. Nghe vậy, Nguyễn Văn Phước cũng thấy khấp khởi niềm hy vọng, có thể nguyện vọng của mình sẽ được đáp ứng.
Ban chỉ huy đại đội đóng quân trong một ngôi nhà lợp ngói ở giữa xóm, trông có vẻ khá khang trang. Anh Lộc dẫn Nguyễn Văn Phước đến trước nhà rồi đứng nghiêm, mặt hướng vào phía trong dõng dạc:
- Báo cáo đại đội trưởng, có đồng chí Nguyễn Văn Phước xin gặp.
Từ trong nhà vọng ra một giọng nói rất có uy:
- Được, cho đồng chí đó vào!
Anh Lộc vẫy tay, Nguyễn Văn Phước bước lên thềm nhà. Ngồi ở cái bàn giữa nhà là một người đàn ông to lớn, mặt vuông chữ điền với bộ râu quai nón xanh rì viền quanh cái cằm to trông thật oai vệ. Nguyễn Văn Phước đứng nghiêm lại:
- Chào thủ trưởng!
Người ngồi trước cái bàn gật đầu:
- Đồng chí vào đây - Anh chỉ vào chiếc ghế trước mặt và hạ giọng xuống nghe rất hiền lành: Đồng chí ngồi xuống đây!
Thấy anh như vậy, Nguyễn Văn Phước đỡ run hơn và rón rén ngồi xuống ghế. Đợi Nguyễn Văn Phước bình tĩnh lại, anh ôn tồn hỏi:
- Tôi đã nghe đồng chí tiếp phẩm kể về đồng chí. Vậy bây giờ nguyện vọng của đồng chí là gì?
Trước thái độ thân mật của anh, Nguyễn Văn Phước cũng đã tĩnh trí lại nên trả lời thật mạch lạc:
- Thưa cấp chỉ huy, khi còn ở nhà tôi đã được đọc thư kêu gọi tòng quân đánh Pháp của Tư lệnh Nguyễn Sơn. Vì vậy, tôi đã ra đây xin đầu quân và hiện đang ở Đại đội cao xạ của Tỉnh đội Thanh Hóa. Tuy nhiên, từ ngày nhập ngũ đến chúng tôi không được chiến đấu trận nào, chỉ có ăn với tập. Đó lại là bộ đội địa phương nên chắc mãi sẽ chỉ quanh quẩn ở đây. Vì vậy, khi nghe anh Lộc đồng hương cho biết đơn vị mình là quân chủ lực và đã chiến đấu nhiều rồi thì tôi rất muốn được đầu quân ở đơn vị mình. Hôm nay, tôi đến đây xin gặp cấp chỉ huy để đề nghị cấp chỉ huy chấp thuận cho tôi được chuyển sang đây. Tôi xin hết sức cảm ơn!
Đại đội trưởng Lê San nhìn Nguyễn Văn Phước chăm chú. Bỗng anh hỏi độp một cái:
- Đồng chí có biết chữ không? Học lớp mấy rồi?
Nguyễn Văn Phước hơi giật mình nhưng rồi trả lời được ngay:
- Báo cáo cấp chỉ huy, tôi đã có bằng Sơ học yếu lược và đang học lớp đệ nhị ạ!
Anh gật đầu có vẻ hài lòng rồi nói:
- Nguyện vọng được đi đánh giặc của đồng chí là rất tốt, rất đáng hoan nghênh. Chúng tôi ủng hộ nguyện vọng đó. Tuy nhiên, hiện giờ đồng chí lại đang đầu quân cho đơn vị khác nên phải được sự đồng ý của chỉ huy bên đó cho đi chúng tôi mới dám tiếp nhận. Đồng chí có hiểu không?
Thấy Nguyễn Văn Phước gật đầu, anh tiếp tục:
- Vì vậy, đồng chí về báo cáo cấp chỉ huy bên đó và xin một giấy giới thiệu chuyển đơn vị cầm sang đây chúng tôi sẽ tiếp nhận.
Thực tình, Nguyễn Văn Phước cũng không ngờ sự việc nó lại diệu vợi, cầu kỳ thế. Bây giờ mà bên đại đội cao xạ không cho đi thì xôi hỏng, bỏng không hết. Lúc đó, đi cũng dở mà ở lại cũng không xong. Nhưng rồi Nguyễn Văn Phước nhanh chóng đi đến quyết định sẽ nói thẳng với Đại đội trưởng Định: Nếu không giải quyết cho chuyển, anh sẽ trốn. Trốn về nhà thì có tội chứ trốn đi đánh giặc thì ai lại bắt tội.
Cái quyết định đó đã tỏ ra thật đúng đắn! Khi Nguyễn Văn Phước lên đặt vấn đề xin chuyển đơn vị, lúc đầu Đại đội trưởng Định viện ra vô số lý do không cho đi. Sau một hồi phân tích, giảng giải anh hỏi Nguyễn Văn Phước thấy thế nào. Nguyễn Văn Phước nói hiểu hết nhưng kiểu gì cũng không ở lại đây nữa. Nếu đại đội không cấp giấy thì cũng sẽ trốn.
Khi thấy Nguyễn Văn Phước bày tỏ quyết tâm như vậy, Đại đội trưởng Định miễn cưỡng ký vào Giấy giới thiệu cho anh chuyển đơn vị. Cầm tờ giấy trong tay, Nguyễn Văn Phước sướng muốn phát điên, chạy như bay về tiểu đội chia tay anh em rồi ngay lập tức đi như chạy về đơn vị mới.
Trình giấy tờ cho Đại đội trưởng Lê San xong, Nguyễn Văn Phước được biên chế về Trung đội 1. Vậy là từ giờ phút đó, Nguyễn Văn Phước chính thức trở thành chiến sĩ của đại đội hỏa lực, mang phiên hiệu Đại đội 36 của Trung đoàn bộ binh 9, Đại đoàn 304. Lúc này, Trung đoàn trưởng là đồng chí Trần Thanh Từ, Chính ủy trung đoàn là đồng chí Nguyễn Hợp (sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cán bộ), còn Trung đoàn phó là đồng chí Nguyễn Cẩn người cùng quê Nghệ An với Nguyễn Văn Phước. Vào thời điểm đó, doanh trại của đại đội vừa xây dựng xong.
Trung đoàn xe tăng đầu tiên.
Từ đây, Nguyễn Văn Phước đã tham gia nhiều trận đánh oanh liệt trong các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Hoa Thảm, Hòa Bình, Thượng Lào và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Hòa bình lập lại, Nguyễn Văn Phước nhận lệnh đi học về xe tăng ở Trung Quốc.
Là một chiến sĩ bộ binh, đã từng đối mặt với xe tăng của Pháp trong Chiến dịch Đường 6 và ở chiến trường Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Phước đã hiểu sức mạnh của nó với những ưu việt không thể chối cãi, hiểu được giá trị của nó trong tác chiến cả về thực chất cũng như về mặt tâm lý, tinh thần. Vì vậy, bây giờ được đi học về xe tăng, Nguyễn Văn Phước hào hứng lắm.
Đoàn cán bộ đầu tiên đi học về xe tăng ở Trung Quốc gồm 36 đồng chí cán bộ từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn, do đồng chí Đào Huy Vũ làm Đoàn trưởng. Đây là những cán bộ được đào tạo dài hạn về chỉ huy tăng thiết giáp đủ làm khung cán bộ quân sự cho 1 trung đoàn xe tăng.
Theo kế hoạch của cấp trên, sau đoàn này sẽ có một đoàn cán bộ kỹ thuật, một đoàn chiến sĩ được đưa sang đào tạo làm thành viên kíp xe và thợ sửa chữa. Tất cả các đoàn hợp lại sẽ đủ các thành phần cần thiết để thành lập trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sang cuối tháng 8-1959, đoàn học viên Việt Nam được chuyển đến doanh trại một trung đoàn xe tăng của bạn đang đóng ở Quế Lâm (Quảng Tây). Sau đó ít ngày, các đồng chí từ Trường 2, Trường 4, Trường 5 cũng tập kết về đó. Đặc biệt, có một đoàn cán bộ chính trị gồm 23 đồng chí do đồng chí Đặng Quang Long dẫn đầu từ Việt Nam cũng đã sang. Như vậy, đến thời điểm đó, một khung trung đoàn xe tăng có đủ cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị, cán bộ kỹ thuật, các thành viên kíp xe (chưa có pháo thủ số 2 - nạp đạn) và thợ sửa chữa đã tập kết về đây. Một Liên chi ủy lâm thời được thành lập để bàn việc lãnh đạo tiến hành Lễ ra mắt trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mà trước mắt là thống nhất biên chế toàn trung đoàn.
Những ngày tiếp theo, để chuẩn bị cho lễ thành lập trung đoàn, tất cả học viên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ vũ khí, khí tài. Xe được rửa sạch cả trong lẫn ngoài. Các dải xích được cắt rời ra, từng mảnh xích được cạy hết đất đá rồi lau dầu thải đen bóng. Cuối cùng là sơn quân hiệu Việt Nam và in số lên từng xe, bắt đầu là 100 cho đến hết. Lần đầu tiên nhìn thấy ngôi sao vàng trên nền đỏ tươi hiện lên trên tháp pháo, lòng Nguyễn Văn Phước trào lên một cảm giác hết sức tự hào. Chúng ta đã đi lên từ súng trường, chân đất để bây giờ có trong tay những chiếc xe tăng hiện đại, sánh vai cùng các cường quốc khác.
Ngày 30-8-1959, cảm giác tự hào được đẩy lên một tầm mức cao hơn. Ngay từ sáng sớm, tất cả đã tập trung hàng ngũ chỉnh tề trước một dãy xe tăng, pháo tự hành xếp hàng ngang thăng tắp. Trước hàng quân là Trung đoàn trưởng Đào Huy Vũ. Sau khi chỉnh đốn hàng ngũ, anh đứng lại giữa đội hình và bắt đầu đọc quyết định biên chế, giao xe cho các thành viên:
- Xe 100. Trưởng xe: Thiếu tá Đào Huy Vũ. Lái xe Nguyễn Tất Chinh, pháo thủ.
Hai đồng chí thành viên xe 100 chạy về trước đầu xe xếp thành một hàng ngang. Anh Vũ đọc tiếp:
- Xe 101. Trưởng xe: Đại úy Nguyễn Văn Phước, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1.
Tim Nguyễn Văn Phước như rung lên khi nghe đọc đến tên. Anh thu chân lại đứng nghiêm rồi hô to:
- Có!
Dứt lời, Nguyễn Văn Phước co tay chạy về trước chiếc xe 101 của mình và đứng nghiêm.
Tiếng anh Vũ vẫn sang sảng:
- Lái xe: Đồng chí Đào Hồng Ban. Pháo thủ: Đồng chí Cao Sinh Học.
Cứ thế, gần hai tiếng sau buổi công bố biên chế mới hoàn thành. Theo biên chế vừa công bố, Nguyễn Văn Phước là tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn 1. Về phía trung đoàn, đồng chí Đào Huy Vũ là Trung đoàn trưởng, đồng chí Đặng Quang Long làm Chính ủy. Đồng chí Dương Đăng Giang làm Tham mưu trưởng. Đồng chí Nguyễn Chí Tam là Trung đoàn phó kỹ thuật. Tiểu đoàn 2 do đồng chí Mai Văn Phúc làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn 3 do anh Nguyễn Văn Tịnh làm Tiểu đoàn trưởng...
Ngày 2-9-1959, Lễ công bố thành lập Trung đoàn Xe tăng 202 được tiến hành dưới sự chủ trì của đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Quang, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đại diện cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Buổi lễ thành lập Trung đoàn Xe tăng 202 - đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành một kỷ niệm sâu sắc trong đời Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phước. Nó đánh dấu một bước trưởng thành lớn mạnh của Quân đội ta từ chỗ tay không với tầm vông, giáo mác tiến lên làm chủ các trang bị, vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, không hiểu vì sao sau này Binh chủng Tăng Thiết giáp lại lấy ngày 5-10 làm ngày truyền thống. Tìm hiểu ra mới biết, ngày 5-10-1959, Bộ Quốc phòng mới ban hành chính thức quyết định thành lập Trung đoàn xe tăng 202 (văn bản đồng chí Trần Văn Quang mang sang công bố mới là Nghị định chứ chưa phải là Quyết định).
Còn một điều nữa cũng cần làm rõ là nhiều người tưởng lầm sở dĩ trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam lấy phiên hiệu Trung đoàn 202 là vì đoàn cán bộ, chiến sĩ đi học ở Trung Quốc lúc đó là 202 người. Thực ra, không phải như vậy. Phiên hiệu này được đặt theo những quy tắc nghiêm ngặt của Bộ Tổng Tham mưu lúc đó và nó ngẫu nhiên trùng với con số 202 cán bộ, chiến sĩ mà thôi!
Ngày 7- 5-1965, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng về làm việc với Trung đoàn 202 về vấn đề phát triển lực lượng và xây dựng Binh chủng Thiết giáp. Tại buổi làm việc, Thượng tướng Văn Tiến Dũng chỉ rõ: “Bộ đội xe tăng là một binh chủng chiến đấu và là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân Việt Nam. Bộ đội xe tăng được xây dựng để sử dụng trong trường hợp địch mở rộng chiến tranh xâm lược ra miền Bắc là chủ yếu và khi đó, chiến trường của bộ đội xe tăng là toàn nước Việt Nam. Đối tượng tác chiến của bộ đội xe tăng là quân đội của đế quốc Mỹ và các nước tay sai”.
Về tổ chức lực lượng, Tổng Tham mưu trưởng cũng thông báo ý định của Bộ đã thống nhất cho thành lập Bộ tư lệnh Thiết giáp với 3 cơ quan: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và 1 trung đoàn xe tăng nữa.
Có thể nói, buổi làm việc của Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng tuy ngắn song rất quan trọng đối với quá trình phát triển của bộ đội Tăng thiết giáp sau này, đồng thời cũng chỉ ra phương hướng phát triển và sử dụng xe tăng. Đúng 2 tuần sau ngày Tổng Tham mưu trưởng về làm việc, ngày 22-6-1965, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Trung đoàn xe tăng 203 - trung đoàn xe tăng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập Bộ tư lệnh Thiết giáp và Tiểu đoàn huấn luyện (tiền thân của Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp sau này).
Sự kiện này là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của bộ đội xe tăng Việt Nam. Từ nay, Bộ đội Tăng thiết giáp có thể đứng ngang hàng với các quân, binh chủng khác của Quân đội với tư cách là một binh chủng hoàn chỉnh. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phước được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tác chiến thuộc Phòng Tham mưu.
Khoa Tăng thiết giáp - những bước đầu chập chững.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo sĩ quan chỉ huy - kỹ thuật cấp trung, lữ, sư đoàn xe tăng tại Liên Xô, Nguyễn Văn Phước về nước, nhận quyết định công tác tại Khoa Tăng thiết giáp của Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Thời điểm này, Học viện cũng vừa mới được thành lập (ngày 21-2-1976) và đang trong quá trình ổn định tổ chức biên chế để chuẩn bị chiêu sinh khóa đầu tiên.
Theo quyết định, Học viện gồm có Ban giám đốc, 6 cơ quan và 16 khoa giáo viên, trong đó có Khoa Tăng thiết giáp. Lúc Nguyễn Văn Phước về, Khoa Tăng thiết giáp đã có 5 người. Đó là các đồng chí Nguyễn Chí Tam, Lê Quang Sỳ, Lê Nam, Hồ Hồng Thái. Đồng chí Nguyễn Chí Tam nguyên là Trung đoàn phó Trung đoàn 202, nguyên Tham mưu phó Binh chủng được giao phụ trách khoa. Sau ngày 25-6-1976, Tổng Tham mưu trưởng ra Quyết định số 146/QĐ-TM ban hành biên chế chính thức cho Học viện thì Học viện cũng có quyết định chính thức bổ nhiệm đồng chí Tam làm Chủ nhiệm khoa, còn Nguyễn Văn Phước là Phó chủ nhiệm.
Lúc này, Học viện chưa có học viên và nhiệm vụ chính của Khoa Tăng thiết giáp là tham gia xây dựng chương trình môn học, đồng thời xúc tiến việc nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy về sử dụng tăng, thiết giáp cho các đối tượng đào tạo khác nhau.
Các giảng viên Khoa Tăng thiết giáp hầu đều được đào tạo trong các nhà trường quân sự nước ngoài. Tuy nhiên, chương trình đào tạo lúc đó là chương trình đào tạo sĩ quan sơ cấp có nâng cao, chủ yếu là chiến thuật phân đội nhỏ cấp tiểu đoàn trở xuống. Trong khi đó, đối tượng đào tạo sắp tới ở Học viện Quân sự cấp cao là cán bộ cao cấp, là sĩ quan chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược nên những kiến thức đó là hơi đuối tầm.
Trong điều kiện đó, những gì Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phước tiếp thu được trong khóa học tại Liên Xô trở thành vốn quý. Vì vậy, Chủ nhiệm Nguyễn Chí Tam phân công Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phước làm chủ biên hầu hết các tài liệu về nghệ thuật sử dụng tăng, thiết giáp trong các loại hình chiến dịch khác nhau. Bằng việc kết hợp giữa lý luận quân sự thế giới, đường lối quân sự Việt Nam và kinh nghiệm sử dụng Tăng thiết giáp trên chiến trường Việt Nam, ông cùng các đồng nghiệp đã từng bước hoàn chỉnh hệ thống tài liệu huấn luyện về sử dụng Tăng thiết giáp để truyền đạt cho các đối tượng học viên.
Ngày 3-1-1977, Học viện Quân sự Cao cấp đã tổ chức trọng thể Lễ khai giảng khóa đầu tiên gồm 94 học viên. Đây là khóa học bổ túc cán bộ cao cấp toàn quân đầu tiên trong 10 tháng. Với sự chuẩn bị chu đáo, Khoa Tăng Thiết giáp đã có những đóng góp nhất định vào thành công của khóa học này.
Hơn 40 năm phục vụ Quân đội, từ một chiến sĩ trở thành một vị tướng, phẩm chất xuyên suốt trong con người Nguyễn Văn Phước là tận trung với nước, tận hiếu với dân, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng nhận và khi đã nhận thì bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với ông, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng là mục tiêu cao cả nhất của cuộc đời. Đến khi về hưu vì lý do sức khỏe, ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục một cuộc chiến đấu mới chống lại bệnh tật, củng cố gia đình và dòng tộc theo những thuần phong mỹ tục của dân tộc./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét