Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM

 

Thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo thực hiện bình đẳng giới, nhưng với mưu đồ đen tối nhằm phủ nhận thành quả sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trong đó có thành tựu về thực hiện quyền bình đẳng giới, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để xuyên tạc việc thực hiện quyền bình đẳng giới ở nước ta. Với các luận điệu sặc mùi định kiến và che giấu ý đồ chính trị, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động ở nước ngoài, các phần tử cơ hội chính trị thường phát tán, đăng tải các bài viết, hình ảnh vu cáo chế độ chính trị nhất nguyên ở Việt Nam không bảo đảm quyền của phụ nữ. Thậm chí, không ít tổ chức phản động núp dưới danh nghĩa các hội, nhóm bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền phụ nữ, hội dân oan,… rêu rao Chính phủ Việt Nam vi phạm quyền của phụ nữ, giới hạn phụ nữ tham gia vào chính trị, phụ nữ Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng quyền bình đẳng, bị buôn bán và ép buộc vào những công việc dễ bị xâm hại và gây cho phụ nữ bị tổn thương. Không chỉ vậy, một số facebooker, blogger, youtuber còn lớn tiếng khẳng định phụ nữ tham gia vào lực lượng vũ trang không được tạo cơ hội phát triển và không có quyền bình đẳng như quân nhân nam. Một số phần tử còn đào xới vai trò phụ nữ trong lực lượng vũ trang, để từ đó suy diễn vô căn cứ và vu cáo bất bình đẳng trong quân nhân nam với quân nhân nữ. Chúng còn nêu ví dụ về số lượng cán bộ nữ trong Quân đội có quân hàm tướng quá ít là do sự bất bình đẳng, phân biệt đối xử trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thậm chí, chúng còn so sánh số Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XIII của Việt Nam chỉ có 01 là nữ, giảm 02 nữ so với Khóa XII và bày tỏ quan điểm cá nhân thiếu thiện chí, cho rằng ở Việt Nam nữ giới không được quan tâm bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng của xã hội. Từ những lập luận này, chúng quy kết ở Việt Nam không có quyền bình đẳng của phụ nữ. Đây là những luận điệu trắng trợn xuyên tạc sự thật về thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, chúng ta cần nhận diện và đấu tranh, phê phán, để khẳng định việc thực hiện quyền bình đẳng giới ở Việt Nam đã, đang và sẽ còn tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, khác hoàn toàn với các luận điệu xuyên tạc nói trên của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

 Thực ra, đây là chiêu trò “bình mới rượu cũ” mà các thế lực thù địch vẫn thường sử dụng để chống phá Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội nói chung và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ nói riêng; hoạt động này nằm trong mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch là chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

 Thực tiễn cho thấy, ngay từ khi thành lập vào mùa Xuân năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng ta đã xác định ở mục tiêu thứ hai về phương diện xã hội là “nam nữ bình quyền ”. Sau này, trong 10 chính sách của Việt Minh được thông qua tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang), thì thực hiện “nam nữ bình quyền” là một chính sách cơ bản. Từ khi nước ta giành được độc lập đến nay, trải qua quá trình đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng anh dũng, mưu trí, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã chiến thắng thực dân, đế quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội, việc thực hiện “nam nữ bình quyền” tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta coi trọng.

 Đất nước thống nhất, dù kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn nhất quán thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau khi phê chuẩn Công ước CEDAW, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ, nhằm khắc phục các hạn chế cả về tư tưởng và tổ chức thực hiện công tác cán bộ nữ, tạo cơ hội cho cán bộ nữ cống hiến, phát triển. Bước vào thời kỳ đổi mới; trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, để tiếp tục phát huy cao độ vai trò, phẩm chất, năng lực và trí tuệ của phụ nữ, Đảng ta tiếp tục ban hành các nghị quyết, chỉ thị, thông báo có tính chuyên đề về thực hiện quyền của phụ nữ trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thời kỳ đổi mới đều có đề cập đến tình hình và nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thực hiện công tác bình đẳng giới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới”.

 Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã thể chế hóa quyền của phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ để thực hiện bình đẳng giới bằng hệ thống chính sách, pháp luật. Đáng chú ý, việc chế định quyền của phụ nữ được quy định trong cả 5 bản hiến pháp ở Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Trong bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc, quyền của phụ nữ được chế định ở Điều thứ 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Đến bản Hiến pháp năm 2013 - bản Hiến pháp gắn với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chế định về quyền bình đẳng của phụ nữ được ghi rõ trong Điều 26: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

 Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số khoảng cách giới năm 2023 của Việt Nam xếp thứ 72 trong số 146 quốc gia tham gia xếp hạng, tăng 11 bậc so với năm 2022. Việt Nam là một trong những nước có chỉ số xếp hạng tiến nhanh về bình đẳng giới thông qua sự gia tăng chỉ số Trao quyền Chính trị từ ngưỡng 13,5% của năm 2022 lên 16,6% trong năm 2023 nhờ có sự xuất hiện của các bộ trưởng là nữ. Đây chính là con số biết nói thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng một xã hội “nam nữ bình quyền”.

 Đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030. Đây được coi như một động lực mới đối với bình đẳng giới, tập hợp tiếng nói, hành động; động viên sức mạnh và khẳng định vị thế của phụ nữ Việt Nam đối với hòa bình và an ninh ở phạm vi quốc gia và toàn cầu trong giai đoạn tới. Mục tiêu chung của chương trình nhằm bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia cũng như rộng ra quốc tế. Và mới đây, Hội đồng Kinh tế xã hội Liên hợp quốc (LHQ - ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027. Việc Việt Nam được tất cả các thành viên ECOSOC đồng thuận bầu vào UN Women thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới.

 Có thể khẳng định, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy quyền bình đẳng giới. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Phụ nữ Việt Nam đã, đang thụ hưởng nhiều hơn về chính trị, kinh tế và đời sống gia đình, góp phần xây dựng một xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét