Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đấu tranh với những tư tưởng phản mác-xít

Có thể khẳng định, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính thức đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào năm 1920 khi Người đọc bản “Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lê-nin. Luận cương của V.I. Lê-nin đã bàn đến dân tộc, thuộc địa, cách mạng giải phóng dân tộc - những vấn đề có liên quan trực tiếp đến cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ; trong đó, có một luận điểm rất quan trọng nói về con đường phát triển của các nước thuộc địa, phụ thuộc như Việt Nam: “Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô-viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(1).

Nguyễn Ái Quốc đến Petrograd, tháng 6-1923 (tranh sơn dầu của họa sĩ Hồ Thọ) _Nguồn: Nhà xuất bản Mỹ thuật

Có thể nói, luận điểm này của V.I. Lê-nin đã giải tỏa những trăn trở bấy lâu của Nguyễn Ái Quốc về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam. Khi nói về điều này, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!””(2). Như vậy, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định, chính “Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lê-nin đã tạo ra bước ngoặt căn bản về chất trong sự phát triển nhận thức, tư tưởng và lập trường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cách mạng chân chính cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã đi theo V.I. Lê-nin, đi theo Quốc tế III và Người khẳng định một cách chắc chắn rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(3).

Từ việc đi theo chủ nghĩa Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc còn tích cực truyền bá chủ nghĩa ấy vào Việt Nam, đầu tiên là thông qua tờ báo Thanh niên (ra đời năm 1925). Người không chỉ mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cốt cán, mà còn trực tiếp truyền thụ những nội dung về chủ nghĩa Mác - Lê-nin; bởi vì, theo Người, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(4). Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc là người rất hiểu giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với cách mạng Việt Nam nên Người luôn kiên định, vững vàng trong việc bảo vệ, phát triển học thuyết ấy: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(5).

Những đánh giá của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với cách mạng Việt Nam không mang tính chủ quan, mà hoàn toàn khách quan, bởi xuất phát từ thực tiễn phát triển cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tính cách là lý luận khoa học, cách mạng, vũ khí sắc bén của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khi được truyền bá vào Việt Nam đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cách mạng; đồng thời, tạo ra bước phát triển về nhận thức, tư tưởng và quan trọng hơn, đã tạo ra một đội ngũ cán bộ cách mạng được trang bị lý luận tiên tiến. Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên định, vững vàng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, coi đó là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là “kim chỉ nam” cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét