Trước hết, thay mặt cơ quan soạn thảo, Đại tướng Phan Văn Giang chân thành cảm ơn ý kiến tâm huyết của các đại biểu; xin tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, chỉnh lý trong dự luật để Quốc hội biểu quyết thông qua trong kỳ họp này, để luật sức sống trong thực tế, thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

Phát biểu góp ý với dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) đề cập đến việc tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong các doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng thu hẹp việc áp dụng, chỉ quy định tổ chức lực lượng tự vệ đảm nhiệm đối với các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, công trình năng lượng lớn của quốc gia, còn hoạt động phòng không nhân dân trong thời bình tại các doanh nghiệp khác thì chỉ nên tích hợp trong chương trình đào tạo chung của lực lượng dân quân tự vệ.

Đại tướng Phan Văn Giang làm rõ một số vấn đề về dự thảo Luật Phòng không nhân dân

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm liên quan đến dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: Trọng Hải

Giải trình sau đó về ý kiến trên của đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, nhà máy, công xưởng, xí nghiệp nào cũng có thể là mục tiêu tấn công nếu được xác định là địa điểm quan trọng.

“Mục đích quân sự là nơi nào có ý nghĩa quan trọng hơn thì sẽ tiến công tiêu diệt chứ không phải cứ to mới đánh”, Đại tướng Phan Văn Giang phân tích.

Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, ở những địa điểm được cho là nhỏ, nếu bố trí lực lượng phòng không sẽ chặn được đường bay của các loại phương tiện bay dưới 5.000m. 

Đại biểu Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định về tàu bay không người lái, phương tiện bay khác thuộc các trường hợp được miễn cấp phép bay. Trong đó quy định: "Tàu bay không người lái, phương tiện bay khác hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, phạm vi hoạt động trong tầm nhìn trực quan bằng mắt thường".

Theo đại biểu, quy định này chưa rõ ràng, khó phát hiện trong xử lý vi phạm, bởi vì tầm nhìn trực quan bằng mắt thường của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào thị lực của từng người. Do đó, để có cơ sở khoa học, đại biểu đề nghị cần xác định tầm nhìn trực quan bằng mắt thường ở một người bình thường có khoảng cách trung bình là bao nhiêu để quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn nội dung này.

Giải trình về vấn đề trên, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết sẽ tiếp thu, bổ sung cho đầy đủ nội dung đại biểu nói trong dự thảo luật. “Đúng là ai có quyền ra lệnh thì người đó có quyền thu lệnh của mình, ai có quyền quyết định thì người đó có quyền xóa quyết định đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng có thể quy định điều này bằng nghị định hoặc thông tư hướng dẫn chứ không nhất thiết phải quy định chi tiết trong luật này”, Bộ trưởng Phan Văn Giang nói.