Kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các nhà trường Quân đội, nhất là trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Theo đó, những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hậu cần đã có nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong công tác huấn luyện, rèn luyện các đối tượng đào tạo tại Học viện.
Tăng cường truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong công tác huấn luyện, rèn luyện các đối tượng đào tạo được Học viện Hậu cần xác định là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Điều này xuất phát từ các lý do: Kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành phẩm chất, năng lực của cán bộ hậu cần, kỹ thuật, tài chính theo mục tiêu đào tạo ở Học viện Hậu cần.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất coi trọng việc truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong công tác huấn luyện, đào tạo, đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chỉ lệnh, xác định nhiều chủ trương, biện pháp để các nhà trường và đơn vị trong toàn quân tăng cường truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong huấn luyện, giảng dạy cho người học.
Nhiệm vụ công tác hậu cần, kỹ thuật trong những năm tới có những bước phát triển mới, yêu cầu ngày càng cao; tập trung xây dựng lực lượng hậu cần, kỹ thuật theo hướng tinh, gọn, mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; tiếp tục hoàn thiện phương thức bảo đảm tốt trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần cho các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất; xây dựng ngành hậu cần, kỹ thuật phù hợp với tổ chức biên chế, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại. Ngoài ra còn xuất phát từ thực trạng việc truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho học viên tại Học viện thời gian qua.
Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về tăng cường truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong huấn luyện, giảng dạy cho người học; đặc biệt là thực hiện phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Hậu cần đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác giáo dục-đào tạo, chú trọng tới việc truyền thụ kinh nghiệm, hoạt động thực tiễn.
Theo đó, Học viện đã chủ động xây dựng kế hoạch và sớm tạo nguồn cán bộ để đưa đi luân chuyển, thực tế chức trách tại đơn vị. Tích cực đưa cán bộ, giảng viên tham quan thực tế đơn vị, nghiên cứu công tác tổ chức diễn tập các cấp chiến thuật, chiến dịch, khu vực phòng thủ, tác chiến phòng thủ quân khu để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, vận dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Học viện chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức diễn tập cho các đối tượng. Đặc biệt, năm học 2023-2024, lần đầu tiên Học viện tổ chức diễn tập cho đội ngũ giảng viên, cán bộ khung và mời cán bộ của các tổng cục, các đơn vị thuộc quân khu tham gia diễn tập. Học viện tập trung đổi mới nội dung, quy trình, chương trình đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho các đối tượng. Chắt lọc, tinh chỉnh nội dung theo hướng tăng cường thực hành, thực tập, tự học, bảo đảm sát thực tiễn và yêu cầu tổ chức Quân đội.
Qua đó, hoạt động giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Học viện ngày càng bám sát hơn với thực tiễn đất nước, Quân đội, ngành hậu cần, kỹ thuật, tài chính Quân đội. Chất lượng huấn luyện, kỹ năng, năng lực thực hành của học viên được nâng cao. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từng bước được chuẩn hóa, năng lực thực tiễn có nhiều chuyển biến tiến bộ. Quy trình, chương trình, nội dung đào tạo ngày càng hoàn thiện, đáp ứng chuẩn đầu ra chuyên ngành sát với thực tiễn đơn vị. Chất lượng bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập, giáo trình, tài liệu không ngừng được nâng cao.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, để tăng cường truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, Học viện xác định tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo nghị quyết, chỉ thị của các cấp về công tác giáo dục-đào tạo; bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo các phương châm, quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp trong giáo dục-đào tạo để thể chế hóa thành hệ thống quy chế, quy định hoàn chỉnh.
Tập trung làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và tổ chức giảng dạy theo chuẩn đầu ra; chú trọng giáo dục truyền thống và truyền thụ kinh nghiệm. Triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động phối hợp giữa Học viện với các nhà trường, cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội.
Tăng cường đưa giảng viên luân chuyển, thực tế. Tăng cường rèn luyện tác phong chỉ huy, phương pháp làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý ở các hệ, tiểu đoàn quản lý học viên. Quan tâm đẩy mạnh học tập nâng cao trình độ, phù hợp với từng đối tượng quản lý. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng động cơ, trách nhiệm đúng đắn, rèn luyện ý chí quyết tâm trong tự học, tự rèn, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét