Có câu chuyện cười như thế này: Một anh chàng sáng sớm ra đường tự dưng thấy một người đang ngửa mặt lên trời. Anh này ngạc nhiên quá mới hỏi tại sao lại làm như vậy, nhưng không nhận được câu trả lời. Anh chàng này quyết định tự tìm câu trả lời bằng cách cũng ngửa mặt lên trời như người kia. Một người khác thấy có hai người đàn ông đang ngửa mặt lên trời nhìn gì đó thì cũng quyết định làm như vậy để xem chuyện gì xảy ra. Kết quả là cả một đám đông cùng ngửa mặt lên trời. Hiệu ứng này về mặt tâm lý gọi là hiệu ứng đám đông.
Hiệu ứng đám đông là một hiện tượng tâm lý xã hội tồn tại trong mọi cộng đồng con người và mang đặc tính hai mặt: Tích cực và tiêu cực. Gustave Le Bon-nhà tâm lý học, xã hội học người Pháp, tác giả của cuốn “Tâm lý học đám đông” đã rút ra 5 đặc điểm của một đám đông như sau: Thứ nhất, đám đông bồng bột, bất định và dễ kích động, dễ bị rơi vào vô thức để bị kiểm soát. Thứ hai, đám đông luôn tuân theo những kích động. Tùy theo từng trường hợp, sự kích động ấy có thể là cao cả, hào hùng hay hèn nhát thì trong mọi trường hợp, những kích động ấy cũng mạnh mẽ đến nỗi chúng luôn chiến thắng cá nhân, chiến thắng ngay cả bản năng tự bảo tồn của các cá nhân trong đám đông đó. Thứ ba, đám đông rất dễ bị thôi miên, cả tin và không có khả năng tự phê phán. Tình cảm của đám đông bao giờ cũng đơn giản và phấn khích mạnh. Thứ tư, đám đông còn dễ bị mê hoặc bởi ma lực của ngôn từ. Thứ năm, đối với đám đông, cái không hiện hữu cũng có ảnh hưởng mạnh như cái hiện hữu. Đám đông có xu hướng không phân biệt giữa có và không.
Theo một nghiên cứu của Đại học Leeds (Anh), con người khi ở trong đám đông có hành vi không khác biệt mấy so với đàn cừu hay chim di trú. Các nhà khoa học đã thực hiện một loạt thử nghiệm đặc biệt nhằm tìm hiểu về hành vi đám đông. Họ khẳng định rằng, 95% số người trong đám đông có khuynh hướng hành động theo một nhóm thiểu số chỉ chiếm khoảng 5% mà không hề suy nghĩ.
Chính nhờ có đặc điểm tâm lý xã hội này mà một cộng đồng người cụ thể (từ một nhóm nhỏ đến một tổ chức, một khu vực dân cư đến một quốc gia...) có thể thực hiện được nhiều điều lớn lao hay vĩ đại mà một vài người riêng lẻ không thể thực hiện được. Trong một số hoàn cảnh, đạo đức của đám đông có thể cao hơn đạo đức của từng cá nhân hợp thành và chỉ đám đông mới có khả năng làm những hành động bất vụ lợi và hy sinh cao cả. Thế nhưng, ở góc độ tiêu cực, đám đông có thể bị dẫn dắt để hành động theo những điều sai trái, nguy hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét