Thứ Hai, 14 tháng 10, 2024

Đầu độc bằng thông tin, thao túng tâm lý để kích động, dẫn dắt

Đáng lưu ý là hiện nay, các thế lực thù địch luôn muốn tạo ra những hiện tượng trong xã hội để thu hút đám đông, từ đó lợi dụng, chèn những thông tin, quan điểm sai trái phục vụ cho mưu đồ chính trị của chúng.

Thời đại công nghệ thông tin, công nghệ số nên thường thì đám đông chưa cần phải xuất hiện là những con người bằng xương, bằng thịt, mà trước hết chỉ cần là những đám đông trên mạng xã hội, là những người sử dụng mạng xã hội. Với tốc độ lan tỏa nhanh của thông tin, các đám đông trên mạng xã hội rất nhanh chóng được tập hợp. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay thì ngay cả lời nói, hình ảnh của các cá nhân cũng được làm giả, tạo dựng như thật. Bằng cách này, rất nhiều clip giả, tuyên bố giả của các cá nhân được tạo dựng. Các đối tượng xấu thường chèn, trộn lẫn clip thật vào những clip, phát ngôn được tạo dựng, tạo ra thật-giả lẫn lộn. Nếu không tỉnh táo, người dùng mạng xã hội sẽ bị lừa bịp, tin vào những điều không có thật.

Trên thế giới, những năm gần đây, tại những nơi xảy ra khủng hoảng chính trị, thế lực xấu luôn tìm cách tạo ra các vụ việc, rồi dùng mạng xã hội để kích động, từ đó chúng hô hào, kêu gọi đám đông xuống đường gây rối.

Vẫn với kịch bản đó, tại Việt Nam những năm qua, không ít lần có hiện tượng thế lực thù địch đưa các thông tin sai trái để kích động tâm lý đám đông trên mạng xã hội, rồi từ đó kêu gọi biểu tình. Lý do để kẻ xấu kích động có muôn hình vạn trạng, đa dạng ở nhiều lĩnh vực, nhưng tựu trung, chúng luôn tìm cách đổ lỗi, bôi nhọ, quy kết nguyên nhân và trách nhiệm cho Đảng, Nhà nước ta. Các vụ việc tập trung đông người liên quan tới dự án Formosa Hà Tĩnh; vụ việc liên quan tới dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, dự án Luật An ninh mạng; vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) đều có bàn tay kích động của thế lực thù địch bên ngoài. Bất cứ một việc gì có thể thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội thì thế lực thù địch luôn nhảy vào để thổi bùng câu chuyện, hòng tạo ra các đám đông kích động.

Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai đã cảnh báo tình trạng một số đối tượng lợi dụng hình ảnh ông Lê Anh Tú (tức Thích Minh Tuệ) trên mạng xã hội để trục lợi và xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Theo cơ quan công an, thời gian đầu, ông Lê Anh Tú bộ hành khất thực từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, khi vào đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... bắt đầu xuất hiện nhiều người từ các tỉnh, thành phố cạo trọc đầu đến đi cùng đoàn. Theo thống kê của cơ quan công an, trong đoàn bộ hành có 70 người cạo trọc đầu thì có 16 tiktoker, youtuber đến từ tỉnh An Giang; 12 tiktoker, youtuber đến từ tỉnh Kiên Giang... Ngoài ra, có rất nhiều người sử dụng các nền tảng mạng xã hội livestream để kiếm tiền. Một số đối tượng chống phá đất nước đã lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” để xuyên tạc về chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, nhất là sau khi ông Lê Anh Tú được cơ quan chức năng hỗ trợ ẩn tu. Như thế có thể thấy, từ sự việc trong xã hội là một người thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật Việt Nam, những người hám lợi, thế lực thù địch lập tức nhảy vào để thêu dệt thành câu chuyện ly kỳ hòng kiếm tiền và dẫn dắt dư luận xã hội theo thâm ý của họ. Cùng với đó là sự hiếu kỳ của không ít người dân địa phương đã khiến hành trình tu hành khất thực của ông Lê Anh Tú trở nên hỗn loạn, với rất đông người tụ tập hai bên đường gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ khó lường.

Chính bởi một đám đông rất dễ bị kích động, những người trong đám đông ấy hành động theo người khác như bị thôi miên nên thế lực thù địch luôn muốn tập hợp các đám đông. Khi đám đông đã được tập hợp thì những lời kích động không khác những mồi lửa trong khu rừng khô hạn, dễ khiến con người mất bình tĩnh, hành động mù quáng, nhất là ở những người dù chưa hiểu chuyện gì rõ ràng nhưng vẫn bị lôi cuốn, hành động theo một cách mất kiểm soát.

Nhằm ngăn chặn các thông tin xấu độc tác động tiêu cực tới xã hội, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã vào cuộc rất mạnh mẽ để xử lý vi phạm trên không gian mạng, làm sạch môi trường truyền thông xã hội. Theo thống kê, trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khóa 147 tài khoản, 54 nhóm trên Facebook, 22 kênh YouTube (chứa khoảng 32.000 video), 246 tài khoản TikTok thường xuyên đăng tải nội dung vi phạm pháp luật. Đây là hoạt động rất cần thiết và cần tiếp tục có thêm các giải pháp để đẩy lùi thông tin sai lệch, xuyên tạc, tránh nguy cơ thế lực xấu kích động tâm lý đám đông thông qua mạng xã hội để hòng gây bất ổn trong xã hội ta.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét