Liên quan vụ khủng bố
xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế lên án
mạnh mẽ hành động dã man, vô nhân tính của kẻ khủng bố. Mặc dù quy định pháp
luật ở mỗi quốc gia có những điểm khác nhau nhưng nhìn chung đều hướng tới bảo
vệ lợi ích cộng đồng, lợi ích đất nước, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản,
lợi ích hợp pháp của người dân. Hành vi xâm phạm hay chống lại quốc gia, dân
tộc sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Trong bối cảnh toàn
cầu, tội phạm khủng bố vẫn là một thách thức lớn đối với an ninh của tất cả các
quốc gia. Để ứng phó với nguy cơ này, Liên hợp quốc đã thông qua nhiều điều ước
đa phương về chống khủng bố. Nổi bật trong số đó là Công ước quốc tế về chống
tài trợ khủng bố và Nghị quyết số 1373 về chống khủng bố và tài trợ khủng bố.
Nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm xử lý tội phạm khủng bố.
Tại Mỹ, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, chính phủ đã ban hành “Đạo
luật Yêu nước Mỹ”, tăng cường hình phạt đối với tội phạm khủng bố và cho phép
các bang thành lập cơ quan chống khủng bố riêng. Tương tự, Trung Quốc cũng tuyên
bố rõ việc trừng phạt nghiêm khắc các phần tử khủng bố để duy trì trật tự xã
hội và bảo vệ quyền con người.
Tổ chức ASEAN cũng ra
Công ước về chống khủng bố. Trong đó nhấn mạnh: “Quan ngại sâu sắc về hiểm hoạ
nghiêm trọng của chủ nghĩa khủng bố gây ra cho cuộc sống của người vô tội, cơ
sở hạ tầng và môi trường, hòa bình và ổn định cũng như sự phát triển kinh tế
của khu vực và quốc tế”; “Chủ nghĩa khủng bố, trong tất cả các hình thức biểu
hiện, bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào, do bất kỳ ai, là một mối đe dọa sâu sắc
đối với hòa bình và an ninh và là một thách thức trực tiếp đến việc đạt được
hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng của ASEAN”…
Nhà nước Việt Nam
không chỉ bảo vệ các quyền tự do, lợi ích của công dân mà còn kiên quyết trừng
phạt những kẻ lợi dụng quyền tự do, dân chủ để thực hiện các hành vi chống phá,
mục đích lật đổ chính quyền. Nhà nước ta luôn tuân thủ và tôn trọng các quy
định của luật pháp quốc tế về phòng, chống khủng bố. Việt Nam tích cực hợp tác
với các quốc gia khác trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống
lại các tổ chức tội phạm khủng bố quốc tế.
Tuy nhiên, bất chấp
những quy định của luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam, các thế lực thù địch,
phản động vẫn cố tình xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống
phá Việt Nam. Họ đã lợi dụng vụ việc liên quan đến Y Quynh Bdap để bôi nhọ hình
ảnh Việt Nam, cáo buộc chính phủ đàn áp người “bất đồng chính kiến” và người
dân tộc thiểu số. Đó là những cáo buộc phi lý, nhằm mục đích kích động chống
phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Y Quynh Bdap là một
kẻ phạm tội khủng bố lại được các thế lực thù địch, phản động tô vẽ thành một
“người hùng”! Với hành vi khủng bố, chống phá Nhà nước, giết hại cán bộ, người
dân, các đối tượng phải bị trừng trị theo quy định pháp luật. Công lý phải được
thực thi và không một tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp vào việc xét
xử của tòa án. Các hành vi cản trở việc thực thi pháp luật, bảo trợ cho các tổ
chức khủng bố cần phải bị lên án và ngăn chặn kịp thời.
Lẽ ra, các tổ chức tự
xưng bảo vệ nhân quyền cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ Việt Nam
trong việc điều tra, xét xử các đối tượng khủng bố, trong đó có đối tượng khủng
bố đang lẩn trốn ở nước ngoài theo các công ước và nghị quyết của Liên hợp quốc
mà Việt Nam tham gia. Hành động can thiệp, bảo vệ cho những kẻ phạm tội khủng
bố không chỉ đi ngược lại quy định của pháp luật mà còn gây tổn hại đến sự ổn
định và an ninh của Việt Nam cũng như an ninh khu vực và toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét