Phát biểu tại nhiều sự kiện lớn trong nước và quốc tế thời gian gần đây, đặc biệt là trong bài viết rất quan trọng với nhan đề “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời hiệu triệu, một hiệu lệnh “tuyên chiến” của Đảng với những chủ thể đã và đang gây ra lãng phí cho đất nước, cho dân tộc. Vì vậy, trong chuyên đề này, Báo Nhân Dân sẽ cùng bạn đọc phân tích, luận giải về một số thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đối với “hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí; góp phần tích cực tuyên truyền, cụ thể hóa quyết tâm trong đường lối, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trước cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Trong bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, cử tri và Nhân dân cả nước bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước đánh giá khách quan nguyên nhân chính, chủ yếu của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để có giải pháp căn cơ phòng, chống hiệu quả hơn.
Khi ý Đảng đã hợp với lòng dân như vậy, hơn bao giờ hết, đất nước ta càng hội đủ thêm các điều kiện quan trọng về thế và lực để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn”
Là một nhà nghiên cứu lý luận chính trị có nhiều kinh nghiệm, Tiến sĩ Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khi trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân đã nhấn mạnh rằng, bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã gây được tiếng vang, hiệu ứng rất lớn trong dư luận. Giới nhân sĩ, trí thức, học thuật đánh giá rất cao, Nhân dân rất vui mừng, phấn khởi.
“Theo tôi, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời hiệu triệu, một hiệu lệnh “tuyên chiến” với những chủ thể đã và đang gây ra lãng phí cho đất nước, cho dân tộc. Hiệu lệnh này sẽ khiến cho công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn rất khẩn trương, cấp bách, quyết liệt. Thành quả của “cuộc chiến chống giặc nội xâm” ấy sẽ từng bước góp phần quan trọng vào sứ mệnh đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” – TS Nhị Lê nhìn nhận.
Đồng quan điểm về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm căn dặn về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, mà Bác còn luôn là tấm gương đạo đức sáng ngời trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, cả cuộc đời Bác sống giản dị, từ bữa cơm Bác ăn, nơi chốn Bác ở, quần áo Bác mặc đến đôi dép cao su Bác đi… Bác thực hành tiết kiệm chống lãng phí mọi lúc, mọi nơi, từ việc lớn đến việc nhỏ.
TS Nguyễn Viết Chức dẫn chứng, ngay sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, thử thách, hiểm nguy, nhất là nạn đói đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu đồng bào. Trước hoàn cảnh sinh tử ấy, Bác và Chính phủ vừa kêu gọi Nhân dân đẩy mạnh việc tăng gia sản xuất, vừa cổ vũ các tổ chức đoàn thể phát động phong trào cứu đói cho đồng bào.
Để hưởng ứng các phong trào trên, Bác tiên phong gương mẫu thực hiện việc 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa để dùng số gạo đó tặng cho người nghèo. Nhờ vậy, phong trào lập “hũ gạo cứu đói” đã được các tổ chức đoàn thể phát triển rộng ở khắp các địa phương, được Nhân dân đồng lòng ủng hộ, góp phần quan trọng cùng phong trào đẩy mạnh tăng gia sản xuất và các chính sách hỗ trợ khác về thể chế để từng bước đẩy lùi nạn đói năm 1945.
Trong cuốn sách Hồ Chí Minh toàn tập, trang 345, tập 7 (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2011), có ghi lại lời Bác căn dặn: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”.
Phân tích về vấn đề nêu trên với phóng viên Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Nhị Lê – Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, lãng phí nguy hiểm hơn tham ô, tham nhũng bởi lãng phí rất dễ xảy ra và rất khó định lượng. Trong các vụ án đưa ra điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến tội danh tham ô, tham nhũng, chúng ta định lượng được cụ thể tội phạm đã chiếm đoạt, làm thiệt hại, thất thoát bao nhiêu tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với lãng phí thì điều này rất khó khăn.
Theo TS Nhị Lê, nhìn nhận dưới góc độ của phát triển xã hội bền vững và góc độ kinh tế - xã hội, lãng phí là một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội. Suy đến cùng, lãng phí không chỉ là sự hủy hoại tài sản, thời gian, nhân lực của xã hội từ các hoạt động công quyền (xây dựng, điều hành, thực thi chính sách) đến tài nguyên, cơ hội..., mà nó còn gặm nhấm, làm mất lòng tin của Nhân dân, hủy hoại uy tín của thể chế.
“Nhìn vào các vụ đại án đã xử, vụ nào cũng thấy phần thất thoát, lãng phí này nhưng rất khó lượng hóa và phán xử vì các điều luật chưa khép kín và hoàn thiện. Đây cũng là một nguyên cớ, là môi trường cho tệ tham nhũng nảy nòi và phát triển” – TS Nhị Lê phân tích.
Đảng, Nhà nước ta luôn rất quan tâm đến công tác phòng, chống lãng phí
Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt chiều dài lịch sử lãnh đạo đất nước của Đảng ta, nhất là từ khi đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí.
Theo đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp và quy định của pháp luật, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng các nguồn lực của đất nước được nâng lên. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội qua các nhiệm kỳ…
Tuy nhiên, bên cạnh việc ghi nhận nhiều kết quả đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Đồng quan điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phần trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận: “lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai… còn lớn”.
Khi ý Đảng đã hợp với lòng dân
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.
Thật trùng hợp với ý Đảng, trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây tại Hội trường Diên Hồng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân tin tưởng sâu sắc vào sự đoàn kết thống nhất, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng cho biết thêm, cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước đánh giá khách quan nguyên nhân chính, chủ yếu của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để có giải pháp căn cơ phòng, chống hiệu quả hơn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề này, TS Nhị Lê – nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định: “Khi ý Đảng đã hợp với lòng dân như vậy thì mọi khó khăn, thách thức, trở ngại sẽ đều được khơi thông, tạo đà cho sự phát triển. Niềm tin của Nhân dân tự bao đời nay luôn đặt đúng chỗ. Có được niềm tin, sự ủng hộ của Nhân dân, chắc chắn công cuộc phòng, chống lãng phí của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ bước vào một tầm mức mới; chắc chắn sẽ thành công và đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sứ mệnh đưa đất nước ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét