Ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì, ai cũng phải có trách nhiệm – trách nhiệm với tổ chức, với công việc và với chính mình. Nếu không thì chúng ta sẽ không thể trưởng thành, tiến bộ theo đúng tư cách là một con người. Đối với cán bộ, đảng viên, trách nhiệm không dừng lại ở bổn phận “việc phải làm” mà nó còn là một giá trị thuộc về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, phẩm giá văn hóa... Sinh thời Bác Hồ đã khẳng định: “là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công” và Người cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm”.
Tuy nhiên, nói về hai chữ “trách nhiệm” thì dễ, nhưng thực hiện
đến nơi, đến chốn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thì lại đòi hỏi mỗi người
luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình, từ đó
thường xuyên nêu cao ý thức, bổn phận, nghĩa vụ trong rèn luyện, công tác, gắn
bó hết mình với công việc, tận tụy với nhiệm vụ được phân công, góp công, góp
sức cùng tập thể trong cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi công việc được giao.
Phải làm thế nào cho công việc ngày càng trôi chảy, hiệu quả, góp công nhiều
hơn vì tập thể. Để khi tập thể vững mạnh thì bản thân mình cũng trưởng thành,
tiến bộ.
Vậy để có tinh thần trách nhiệm tốt, mỗi cán bộ, đảng viên cần
phải làm gì? Đó là, phải tự mình chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện
nhiệm vụ, làm việc có chương trình, kế hoạch, khoa học và đạt kết quả cao nhất;
phải có tính tự trọng cao để làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách
quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, vì danh dự của cá nhân; phải biết
tự xử với chính bản thân mình trong mọi việc, khi mắc phải thiếu sót, khuyết
điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà
mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên, không tranh
công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác; phải tự giác tự phê bình, phê bình
và không được tự ái để không ngừng tiến bộ; phải có sự tự tin trong thực hiện
chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao.
Một trong những tiêu chí cơ bản để nhận định, đánh giá cán bộ,
đảng viên có hoàn thành chức trách, nhiệm vụ hay không, đó là tinh thần trách
nhiệm. Từ nhiều năm nay, khi lựa chọn nhân sự vào vị trí lãnh đạo các cấp, Đảng
ta luôn nhấn mạnh đến tiêu chí “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” của
người cán bộ. “Dám chịu trách nhiệm” không chỉ thể hiện tinh thần gan dạ, dũng
cảm, tính khí khảng khái, cương trực của người cán bộ, mà còn nói lên ý thức
dám đối mặt với khó khăn, chấp nhận sự rủi ro khi dấn thân vào việc khó, giải
quyết vấn đề khó, chưa có tiền lệ, song cũng khơi thông được mạch nguồn sáng
tạo, cổ vũ cho những hướng đi mới, cách làm mới mang lại hiệu ứng, hiệu quả khả
quan trong tương lai. “Dám chịu trách nhiệm” hiểu theo nghĩa này chính là
khuyến khích những nhân tố mới để góp phần làm chuyển biến, thay đổi tình hình
theo chiều hướng tích cực.
Trong tình hình hiện nay, để tránh nguy cơ sa ngã, mỗi cán bộ,
đảng viên cần phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong tu dưỡng, rèn luyện, nâng
cao đạo đức cách mạng, nhất là cán bộ có chức có quyền luôn bị những cám dỗ,
bủa vây quanh mình nên bất cứ một sự lơ là, dễ dãi, sơ hở nào cũng có thể bị
“sập bẫy” trước “cái bả” tiền tài, danh vọng, tửu sắc… đầy mê hoặc, quyến rũ.
Tự nghiêm khắc với chính mình cũng là một trong những cách tốt nhất để đội ngũ
cán bộ, đảng viên tự phòng ngừa, giảm thiểu được những biểu hiện suy thoái về
phẩm chất, đạo đức, lối sống./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét