Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: CÂY DI SẢN TRƯỜNG SA - MÀU XANH CHỦ QUYỀN THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC!

Mỗi lần đến với Trường Sa thân yêu đều để lại trong tôi những ấn tượng, kỷ niệm sâu sắc. Từ sức sống mãnh liệt trên đảo, tiếng trẻ em ê a học bài, những vườn rau xanh mơn mởn đến lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên biển…
Ra đảo lần này tôi được chỉ huy tàu cho biết một tin thú vị: “Hiện nay trên các đảo ở Trường Sa có 4 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản, gồm: Cây Phong ba trên đảo Song Tử Tây, cây Bàng vuông trên đảo Nam Yết, hai cây Mù u trên đảo Sơn Ca và đảo Sinh Tồn. Các cây di sản không chỉ góp phần làm xanh, sạch, đẹp cảnh quan, môi trường trên đảo mà còn có giá trị lịch sử, văn hóa, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt ở Trường Sa, là chứng tích lịch sử đặc biệt khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Hành trình ra Trường Sa lần này của đoàn công tác gồm 11 đảo điểm đảo. Điểm đến đầu tiên theo dự kiến là đảo Song Tử Tây, nơi mà chỉ huy tàu giới thiệu là một trong những đảo nên thơ với sắc hương của nhiều loại cây xanh và hoa tạo nên sức sống tươi đẹp và thanh bình. Trên đảo có quần thể cây Phong ba xanh mát, nhất là cây Phong ba cổ thụ sinh trưởng tự nhiên có độ tuổi khoảng 300 năm. Nhưng tiếc thay, sóng lớn, tàu không thể cập cảng.

Nghe thông báo như thế chúng tôi tiếc hùi hụi nên khi mọi người lên buồng lái đề nghị chỉ huy cho tàu chạy quanh đảo để ngắm toàn cảnh đảo và cây Phong ba di sản thì các anh đồng ý ngay. Đồng chí lái tàu cố gắng điều khiển tàu vào gần đảo nhất có thể để mọi người thấy rõ hơn cây Phong ba di sản. Từ xa, cây “an tọa” phía sau Sở chỉ huy của đảo, thân có 5 cành, thân cây to khoảng 2 người ôm, che bóng mát cả khu đất rộng. Chỉ huy bộ phận lái xuồng ra đón tàu để nhận hàng, Trung tá Nguyễn Đức Độ, Chỉ huy trưởng kiêm Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây lên tàu tay bắt mặt mừng với mọi người từ đất liền ra. Khi chúng tôi hỏi về cây Phong ba di sản, anh giới thiệu: “Phong ba là loài cây có sức sống mãnh liệt, dù khí hậu hanh khô, nước biển mặn, thiên nhiên tàn phá nhưng phong ba và nhiều loại cây vẫn vươn dài trong nắng gió Trường Sa. Cây Phong ba di sản cao 25 mét, chu vi thân cây 3,8 mét, tán rộng 35 mét, phát triển tươi tốt, chịu nắng gió, nước mặn. Quân dân trên đảo đã đúc biển “cây di sản” và xây khuôn viên xung quanh cây để chăm sóc, bảo tồn”.

Anh Độ kể lại những điều đặc biệt về cây Phong ba mà anh được các thế hệ đi trước truyền lại rằng, lịch sử cây di sản này gắn liền với chiều dài lịch sử của các đảo ở huyện Trường Sa. Vào thế kỷ thứ XVII, khi triều đình nhà Nguyễn cho ngư dân ra khảo sát, quản lý, khai thác hải sản thì nhiều cây đã phát triển xanh tốt như: cây Phong ba, cây Bàng vuông, cây Mù u… Vì vậy, sự có mặt của cây Phong ba ở đảo Song Tử Tây không phải do những ngư dân tự tay trồng, mà nó mọc tự nhiên ở triền đảo. Biết đây là loài cây có sức sống mãnh liệt, sống bền vững trong nước biển mặn, những ngư dân lúc đó đã chăm sóc và có ý định bảo tồn. Trước khi trở về đất liền sau những chuyến biển dài ngày, những ngư dân cũ lại bàn giao cho các ngư dân mới về sự có mặt của cây phong ba trên đảo Song Tử Tây. Nghĩ đây như là chứng tích chủ quyền nên tất cả ngư dân đều có ý thức chăm sóc, bảo vệ và coi đó là cây đặc trưng của ở doi cát vàng giữa biển.

Chia tay Trung tá Nguyễn Đức Độ, trong chúng tôi vẫn chưa hết tiếc nuối, chỉ mong đến thật nhanh các đảo Nam Yết, Sinh Tồn mà thỏa nỗi ước ao, bởi được thấy cây di sản ở đất liền đã là may mắn lắm rồi, được chiêm ngưỡng cây di sản ở Trường Sa mới nghe thôi đã thấy thiêng liêng làm sao.

Tàu cập cầu cảng đảo Nam Yết, chúng tôi đã thấy một thảm thực vật xanh bao phủ với nhiều loại cây lâu năm như: Phong ba, Bàng vuông, Mù u, đặc biệt là dừa. Người ta đặt cho Nam Yết cái tên “Đảo dừa” quả không sai nhưng tâm trí tôi đang bị lấn át bởi cái tên “Cây Bàng vuông di sản”. Rảo nhanh bước chân, tôi đến bên cột mốc chủ quyền nơi cán bộ, chiến sĩ đang dựng sân khấu để đêm giao lưu văn nghệ với đoàn công tác. Cạnh đó, một tốp chiến sĩ đang nghỉ tay dưới tán một cây to lớn, cổ thụ gồm 7 nhánh to mọc lên từ gốc cổ thụ có gắn biển “Bàng vuông - Cây di sản”.

Đang chỉ huy bộ đôi dựng sân khấu, Trung tá Nguyễn Văn Thọ, Đảo trưởng, quê ở Nghệ An cho biết: “Đây là cây Bàng vuông cổ thụ sinh trưởng tự nhiên có độ tuổi khoảng 300 năm, cây cao khoảng 15m, tán rộng khoảng 30m xanh tốt quanh năm. Thân cây có 7 nhánh tuyệt đẹp, tỏa bóng mát trong khuôn viên vui chơi, thể thao của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, là một trong những biểu tượng độc đáo có sức sống mãnh liệt trên đảo”. Trung tá Nguyễn Văn Kỷ, Chính trị viên đảo Nam Yết, quê ở Bắc Giang chỉ lên giữa tán cây, nơi có duy nhất một chùm hoa nhỏ xinh, tiếp lời: “Giống như hoa Quỳnh ở đất liền, hoa Bàng vuông có điểm đặc biệt là chỉ nở vào ban đêm, lúc giao thời giữa ngày cũ và ngày mới, có hương thơm thanh khiết tựa hoa lộc vừng. Là hoa của cây di sản, sống lâu năm nên hoa của cây Bàng vuông này lại càng đặc biệt. 3-4 năm nay cây mới lại nở hoa, mà lần nào ra hoa cũng chỉ với một chùm duy nhất. Không phải ai cũng được thấy hoa của “cụ” cây này đâu, các bạn là may mắn lắm đấy. Đêm nay giao lưu văn nghệ xong, mình đi thưởng ngoạn hoa Bàng vuông di sản nở nhé. Rất lung linh huyền ảo đấy”.

Tâm sự với tôi, chiến sĩ Nguyễn Văn Bình, quê ở Hưng Yên chia sẻ: “Từ khi ra đảo công tác, em chưa khi nào thấy “cụ” Bàng vuông nở hoa. Không chỉ là nơi nghỉ chân lý tưởng cho mọi người sau khi tham quan đảo những ngày nắng nóng mà cây còn tỏa bóng mát để chúng em diễu duyệt đội ngũ chào cờ hàng tuần, nghỉ giải lao, đọc báo, chơi thể thao… “Cụ” bàng này cùng với hệ thống cây xanh trên đảo như những người bạn thân thương, gần gũi, gắn bó với các sinh hoạt hàng ngày của chúng em. Vì vậy ai cũng có ý thức chăm sóc, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường thơ mộng như những công viên xanh mát giữa nắng gió Trường Sa”.

Trong câu chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chúng tôi được biết, tương truyền, trước đây thân cây Bàng vuông này cũng chỉ có 1 nhánh giống như những cây được trồng xung quanh đảo, nhưng trải qua nhiều năm do khí hậu khắc nghiệt nên thân cây bị mục, gãy nhưng chỉ sau một thời gian, từ thân cây mục ấy mọc lên các nhánh rồi lớn dần và tươi tốt. Chính điều này là lý do cây trở thành một trong những biểu tượng cho sức sống mãnh liệt nơi đầu sóng ngọn gió này.

Đúng lời hẹn, sau đêm giao lưu văn nghệ sôi nổi, thắm tình quân dân, hơn 22 giờ, Trung tá Nguyễn Văn Kỷ và Trung tá Nguyễn Văn Thọ mỗi người một đèn pin dẫn chúng tôi đến dưới gốc Bàng vuông di sản. Trung tá Thọ nháy mắt với tôi: “Phải dùng loại đèn pin siêu sáng, siêu xa này mới thấy hết vẻ đẹp của “Hoa quỳnh biển - Nữ hoàng hoa Trường Sa”. Khi anh Thọ chiếu đèn lên tán cây trong màn đêm tĩnh mịch, từng cánh hoa trắng muốt tinh khôi và nhụy hoa tím ngắt vươn ra khỏi đài hoa, đầu nhụy hoa vàng ươm rung rinh trong gió biển, tạo thành một chùm hoa lửa đỏ rực nhưng lại dịu dàng, kiêu sa, cuốn hút đến lạ kỳ. Anh Kỷ thì thầm với tôi: “Sau một đêm khoe sắc, đến sáng thì hoa tàn. Thời khắc giao ngày mà ngồi chờ hoa nở thì tuyệt đỉnh, tao nhã chẳng kém gì người Tràng An xưa ngắm hoa Quỳnh nở. Mấy năm rồi “cụ” Bàng vuông mới nở hoa, có thể đây là một “điềm” vui, báo hiệu một năm mới thắng lợi với quân dân trên đảo”.

Tiếp tục chuyến hải trình, chúng tôi có mặt trên đảo Sinh Tồn khi con nắng đã đứng bóng. Đúng như cái tên của đảo, mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên dường như đều phải “cúi mình” trước ý chí, khối óc và bàn tay của quân dân trên đảo. Cái nắng mùa hanh khô khiến ai cũng khó chịu, tuy nhiên khi tham dự lễ chào cờ do cán bộ, chiến sĩ trên đảo tổ chức đón đoàn chúng tôi cảm thấy dịu mát hẳn dưới tán cây Mù u cổ thụ ngay phía trước Sở chỉ huy đảo. Theo Trung tá Vũ Thế Long, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn thì cây Mù u này đã được trồng hơn 100 năm, cao bằng tầng 3 Sở chỉ huy tức khoảng 15m, có 3 nhánh, chu vi gốc cây hơn 3m. Nhờ được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận nên dù nhiều lần hứng chịu bão biển nhưng cây vẫn phát triển xanh tốt, đơm hoa, kết trái quanh năm. Cũng như các cây cổ thụ khác trên đảo, dưới gốc cây Mù u này là nơi nghỉ ngơi lý tưởng của bộ đội và điểm vui chơi, nô đùa yêu thích của trẻ em trên đảo.

Thêm một điều đáng tiếc nữa là trong tổng số 21 đảo, điểm đảo với 33 điểm đóng quân thì hải trình công tác lần này, đoàn chúng tôi chỉ đến 11 đảo, điểm đảo, không có đảo Sơn Ca. Các đảo, điểm đảo khác do các tàu khác đảm nhiệm. Nhưng may mắn thay, trước khi là Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn thì Trung tá Vũ Thế Long đã từng công tác trên đảo Sơn Ca. Khi tôi hỏi về cây Mù u trên đảo Sơn Ca, anh Long kể rành mạch về cây di sản mà anh và đồng đội từng dành nhiều tâm huyết chăm sóc: “Thực vật ở đảo Sơn Ca khá phong phú, đa dạng về chủng loại như Bàng vuông, Phong ba, Phi lao nhưng đặc biệt nhất vẫn là cây Mù u có độ tuổi khoảng 300 năm, cây cao hơn 15m, tán rộng, lá nhiều, xanh thẫm, hình rẻ quạt, hoa chùm màu trắng... Chỉ huy đảo đã xây dựng khuôn viên gồm hòn non bộ, sinh vật cảnh dưới gốc cây di sản tạo cảnh quan đẹp, thoáng mát để phục vụ sinh hoạt cho quân dân trên đảo.

Được biết hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đã được công nhận 19 cây di sản, trong đó có 4 cây di sản tại các đảo trên quần đảo Trường Sa. Việc công nhận 4 Cây Di sản Việt Nam trên quần đảo Trường Sa càng tôn thêm giá trị lịch sử chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ý thức được giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân sinh sống trên các đảo, điểm đảo luôn quý trọng và ra sức giữ gìn, chăm sóc phát triển cây di sản nói riêng, quần thể cây xanh nói chung, góp phần bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống trên các đảo, cũng là đóng góp công sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc./.

Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét