Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

Đừng “phức tạp hóa” việc đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái

 



          Ngày nay, với trang bị phương tiện ngày càng hiện đại, cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội làm cho cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP và người lao động trong quân đội dễ dàng tiếp cận các thông tin ở nhiều chiều khác nhau. Tuy nhiên, việc đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” ở đơn vị cơ sở chưa phát huy được hiệu quả, có nơi hiểu chưa đúng, mà coi đó là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, các bộ phận chuyên trách, từ đó làm giảm hiệu lực đấu tranh. Thực tế có thể thấy lực lượng đông nhưng không mạnh, có kiến thức, trình độ nhưng chưa khai thác sử dụng phù hợp, hiệu quả các trang bị cũng như những kỹ năng để “gia nhập” môi trường mạng.

          Đấu tranh bằng những hành động đơn giản

Diễn biến hòa bình là chiến lược cơ bản của các thế lực thù địch nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự. Những năm 50 của thế kỷ XX, những tư tưởng về “diễn biến hòa bình” đã ra đời nhằm “ngăn chặn” sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Đến cuối thập niên 80, khi các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng, nội bộ phát sinh nhiều mâu thuẫn, các thế lực thù địch nhận thấy “thời cơ” đã đến và lúc này, “diễn biến hòa bình” được đẩy mạnh thực hiện, phát triển, chính thức trở thành chiến lược quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay, chúng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình, để xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội, chống phá độc lập dân tộc của các nước phát triển theo hướng tiến bộ. Chiến lược “diễn biến hòa bình” đã có những bước điều chỉnh cơ bản phù hợp với những thay đổi của tình hình, chủ yếu thông qua “ngoại giao thân thiện”, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại...

Trong bối cảnh quốc tế và các khu vực diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, để thực hiện mưu đồ của mình, các thế lực thù địch tiếp tục điều chỉnh chiến lược “diễn biến hòa bình” dưới một bộ mặt mới, ngày càng bộc lộ rõ sự tinh vi, xảo quyệt và vô cùng thâm độc. Để thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình ở Việt Nam, chúng chọn lĩnh vực chính trị làm khâu đột phá. Thủ đoạn của chúng là xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; lôi kéo “những người bất đồng chính kiến” tạo dựng “ngọn cờ đối lập”. Chúng xuyên tạc, phê phán nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, kêu gọi thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, lấy “dân chủ”, “nhân quyền” làm chiêu bài để công kích thể chế chính trị của Việt Nam; chuẩn bị các yếu tố, điều kiện để khởi phát “cách mạng màu”, gây rối loạn chính trị trong nước, tạo cớ can thiệp từ bên ngoài. Chúng đặc biệt tập trung vào chống phá quân đội và công an. Đối với quân đội, chúng tiếp tục tập trung phá hoại về chính trị tư tưởng, tung ra luận điều đòi “phi chính trị hoá” quân đội, quân đội chỉ phục tùng Nhà nước, khuyếch đại luận điểm “Quân đội quốc gia”, chia rẽ quân đội với nhân dân.

Quan niệm về chống “Diễn biến hòa bình” đã có từ lâu, đến nay các cơ quan chức năng vẫn định hướng ở nhiều vấn đề vĩ mô. Điều đó rất đúng, nhưng hiện nay các thế lực thù địch đã có những điều chỉnh và bước đi cụ thể hơn, trực tiếp vào đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân thông qua những thông tin, luận điệu xuyên tạc, rất ngắn gọn, không đao to, búa lớn. Mặc dù, các cơ quan báo chí, truyền thông đấu tranh rất quyết liệt, nhưng hiệu ứng, hiệu quả đến với cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP và người lao động trong quân đội có lúc, có nơi chưa nhiều. Qua quá trình khảo sát tôi nhận thấy, thực tế ở các đơn vị cơ sở cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP và người lao động thuộc Binh đoàn 15 coi việc đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” với các thế lực thù địch là việc làm rất khó khăn, cần phải có nhiều thời gian, công sức đầu tư nghiên cứu. Chính suy nghĩ, tư duy đó, cho nên có lúc đơn vị còn chưa quan tâm, coi trọng vấn đề này, mà nghĩ rằng đó là việc của chuyên gia, các nhà nghiên cứu.

Hồi giữa tháng 6-2021, lần đầu tiên Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vượt qua các đối thủ để bước vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Điều lạ là nhẽ ra phải vui mừng, phấn khởi nhưng một số tờ báo, trang mạng nước ngoài lại thể hiện thái độ hằn học, khó chịu. Vài bài viết đã cố tình xuyên tạc sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội bóng, thậm chí công kích những phát biểu của các cầu thủ trước truyền thông. Chúng cho rằng “vận mệnh của dân tộc đang đặt dưới đôi chân của cầu thủ”, “nhờ bóng đá để ru ngủ người dân”...! Ngay thời điểm đó, Báo Quân đội nhân dân đã có bài viết: “Kẻ cơ hội thì không từ thủ đoạn”, phản bác lại các quan điểm sai trái. Nội dung lập luận ngắn gọn: Bóng đá từ lâu đã được coi là môn “thể thao vua”. Những trận cầu giúp người hâm mộ có cơ hội được giao lưu, trao đổi thông tin, hình thành sự gắn kết bất kể xuất thân, nghề nghiệp, quốc tịch. Mỗi đội tuyển bóng đá quốc gia đều mang màu cờ, sắc áo của dân tộc mình và Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do vậy, với những thành tích đội tuyển đạt được, việc lãnh đạo đất nước chúc mừng, khen thưởng là hết sức bình thường, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, các pha bóng kịch tính hay tình huống va chạm trên sân cỏ cũng là chuyện thường xuyên diễn ra ở mọi trận đấu bóng đá. Như vậy, các đối tượng thù địch, bất mãn lại tìm cách soi mói đến cả thể thao, lợi dụng tạo cớ suy diễn, xuyên tạc, quy chụp trong mọi việc nhằm thực hiện âm mưu xuyên suốt là chống phá cách mạng Việt Nam. Rõ ràng, những kẻ khi đã mang tâm địa cơ hội thì thường không từ bất kỳ một thủ đoạn nào.

Với những từ ngữ diễn đạt hết sức đơn giản, đã cho thấy bộ mặt của những kẻ chống đối. Với cách lập luận này, thì bất kỳ ai cũng có thể hiểu được và nhiều cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP và người lao động có thể làm tốt được vấn đề này. Song thực tế lại rất khó tìm được những bài viết mang tính phản bác, đấu tranh với các hiện tượng trên. Phần nhiều cán bộ, chiến sĩ chỉ chú tâm khai thác, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ những thông tin, ít có chính kiến vào các vấn đề.

Theo báo cáo sơ kết “Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, của một số đơn vị, tôi nhận thấy đều có những điểm chung đó là: Hầu hết các trang mạng, tài khoản cá nhân chỉ chia sẻ tin, bài, hình ảnh dẫn nguồn từ các bài viết từ trên báo, mà chưa có các bài viết sâu sắc đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch, cơ hội; các bình luận còn mang tính chung chung, thiếu sắc bén, thiếu tính định hướng dư luận xã hội. Hay một điểm hạn chế nữa là công tác đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” nói chung và trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá nói riêng còn đơn giản, chưa có chiều sâu; trong định hướng tư tưởng cho bộ đội trước những vụ việc nhạy cảm, những thông tin sai sự thật có nội dung còn chậm. Một số cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP và người lao động trong quân đội đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh hoạt động của đơn vị lên mạng xã hội không đúng quy định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên, song nguyên nhân cơ bản là do một số cấp ủy, chỉ huy, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đơn vị; còn có cá nhân chưa tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ công tác, nhất là kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin và ứng dụng các phần mềm vào nhiệm vụ đấu tranh.

Thẳng thừng phê phán những biểu hiện, quan điểm sai trái

Như chúng ta đã biết, sự tồn vong của một chế độ phụ thuộc rất lớn vào niềm tin, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, trong quân đội thì đó là đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Với nhiệm vụ đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” không chỉ là việc của một tổ chức mà phải nhận thức rõ đó là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, thành viên trong đơn vị. Cùng với đó, tham gia nghiên cứu các nội dung thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách khoa học, chia sẻ, bình luận, văn minh, lịch sử, tránh thô tục, kệch cỡm. Chỉ bằng thao tác nhỏ trên điện thoại, trên máy tính cá nhân thẳng thắn tham gia bình luận, đấu tranh trực diện, phê phán những hành động sai trái, thông tin không đúng, chúng ta đã thực hiện một việc nên làm”.

Mỗi cá nhân, tập thể phải nhận thức rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” là trách nhiệm của mọi cấp, ngành, lực lượng, của cả hệ thống chính trị, trong đó, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói chung và cán bộ, chiến sĩ tại cơ sở nói riêng là lực lượng quan trọng. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở cần quán triệt, có nhận thức đúng, đủ về chức trách, nhiệm vụ của mình; đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập chính trị, nghiên cứu lý luận theo các chương trình cơ bản quy định cho các đối tượng. Không phải ngẫu nhiên mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất đề cao việc học tập “Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”, bởi nghị quyết này đã đề cập rất rõ những biểu hiện về chủ nghĩa cá nhân, sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ để đối phương lợi dụng chống phá.

Như vậy, cần phải có tư duy mới, nhìn nhận vấn đề đấu tranh ở đây một cách đơn giản, từ những sự việc, vụ việc cụ thể, thẳng thắn với những việc làm, biểu hiện, quan điểm sai trái. Trung tá Trung tá Nguyễn Quốc Vương - Chủ nhiệm Chính trị, Công ty 74 nêu cách làm: “Nếu ở đơn vị có cán bộ, quản lý, chỉ huy, quan liêu, thiếu sâu sát; xử lý các sai phạm của cấp dưới không cương quyết, thiếu khách quan; thờ ơ trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của cấp dưới thì cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP và người lao động trong đơn vị phải mạnh dạn phê bình, đấu tranh với những biểu hiện đó”. Bên cạnh đó, khi tổ chức sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ ngại va chạm, đóng góp ý kiến cho cán bộ cấp trên vì sợ bị để ý, thậm chí “trù dập”, thì người chỉ huy phải hội ý, trao đổi trước trong cấp ủy, chỉ huy, những cá nhân có mặt hạn chế thì người chủ trì sinh hoạt nêu vấn đề, khơi gợi cho mọi người đóng góp ý kiến, có như vậy mọi cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP và người lao động trong quân đội mới mạnh dạn bày tỏ chính kiến.

Phải nhìn nhận đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” không chỉ là viết bài đăng báo chí, đấu tranh trên không gian mạng xã hội, mà phải đấu tranh ngay chính trong nội bộ, phải lấy cái đẹp dẹp xấu, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, tránh các tác động tiêu cực. Như Nghị quyết số 847 cũng đề cập: Trong thực tiễn rất cần việc đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì, người đứng đầu các cấp để lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ, CN&VCQP và người lao động ở cơ quan, đơn vị theo tinh thần “Gian khó có chỉ huy, gian nguy có lãnh đạo”, “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Có như vậy, cơ quan, đơn vị thực sự mới có được bầu không khí dân chủ, đoàn kết, kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý, chỉ huy và đặc biệt là vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được ví như “Mệnh lệnh không lời” đối với bộ đội, có sức lan tỏa, có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ cả trong chiến tranh và trong thời bình. Thực tế hiện nay, ở cơ quan, đơn vị nào phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, nêu gương của đội ngũ đảng viên, cán bộ chủ trì, người đứng đầu thì đơn vị đó có sự ổn định, phát triển và ngược lại. Song song với đó là những thông tin xấu độc sẽ bị lấn át bởi bầu không khí dân chủ, phát triển của đơn vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét