Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

XÂY DỰNG “THẾ TRẬN LÒNG DÂN” TRONG CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ TỔ QUỐC THỜI KỲ MỚI

 

Xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” là một giá trị độc đáo, đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, một vấn đề lý luận và thực tiễn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc được Đảng ta nhận thức và phát triển trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng; trong các Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc theo sự phát triển của tình hình và trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn nhiều năm qua.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong khởi nghĩa và đấu tranh cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm và chăm lo yếu tố “yên dân”, “lòng dân”. Đó là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta, nhờ đó mà sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh đuổi các đế quốc lớn, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

“Thế trận lòng dân” chính là biến sức mạnh chính trị-tinh thần thành sức mạnh vật chất; làm nền tảng cho sức mạnh tổng hợp của cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến thắng mọi kẻ thù. “Thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc chính là việc quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nâng cao ý chí chiến đấu quyết chiến, quyết thắng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, tinh thần lạc quan cách mạng và sáng tạo làm cơ sở vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững mạnh. “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, không thể hiện ra bằng hình hài cụ thể như thế trận quân sự, quốc phòng, an ninh mà được thể hiện bằng sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc theo từng cấp độ khác nhau; vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng cụ thể.

Do vậy, để xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân cần phải tiến hành đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, cần làm cho cả hệ thống chính trị và toàn dân nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, nội dung của “thế trận lòng dân” và mối quan hệ của “thế trận lòng dân” với thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hai là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân làm cơ sở và điều kiện cốt yếu để xây dựng “thế trận lòng dân”.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo đảm cho Nhân dân có cuộc sống ngày càng no ấm, đủ đầy, hạnh phúc; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tốt an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh.

Bốn là, cần “định lượng” rõ ràng những nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” trong từng lĩnh vực hoạt động của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình mới.

Năm là, không ngừng xây dựng và tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sáu là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng kết hợp với bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh toàn dân.

Bảy là, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống, làm thất bại Chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ngăn chặn, loại trừ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và các hành động cản trở việc xây dựng, phát huy vai trò của “thế trận lòng dân” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét