Qua từng thời kỳ của sự nghiệp cách mạng, từng giai đoạn
lịch sử và nhiệm vụ của quân đội, các nhà trường trong toàn quân đã tích cực
đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây
dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản
lý giáo dục ở các nhà trường trong từng thời kỳ luôn phát huy tốt vai trò,
trách nhiệm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng
then chốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện - đào tạo và nghiên cứu khoa
học.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và
tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các nhà trường quân
đội đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp cận các phương pháp giáo dục -
đào tạo tiên tiến, khoa học, hiện đại; không ngừng đổi mới quy trình,
chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo
với những cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng trong nước, quốc tế; tích cực
nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giáo trình, bổ sung những vấn đề mới của khoa
học quân sự hiện đại và thực tiễn tại các đơn vị vào giảng dạy, đào tạo, xây
dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Hệ thống nhà trường quân đội được kiện toàn cả
về chức năng, nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục - đào tạo được
cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa; năng lực đào tạo của các trường
quân đội ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn cán bộ,
đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới.
Trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đất nước
ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện phát triển kinh tế - xã
hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động sâu rộng đến sự phát triển khoa học
công nghệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội. Tình
hình trên đã đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng
viên, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục - đào tạo và xây
dựng, phát triển các nhà trường trong quân đội. Do đó, để hoàn thành tốt mọi
nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, các học viện, nhà trường quân đội cần
tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển theo định hướng “Xây dựng hệ
thống nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Bởi vậy, để góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện - đào
tạo ở các nhà trường quân đội trong bối cảnh quốc gia chuyển đổi số, hướng tới
xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” cần tập trung thực hiện tốt một số giải
pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo,
chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của
toàn quân đối với việc đổi mới huấn luyện - đào tạo, xây dựng nhà trường quân
đội thông minh, hướng tới xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”.
Hai là, tập trung hoàn thiện quy hoạch xây dựng các nhà
trường quân đội theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ 4”.
Ba là, tích cực đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo
theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiếp cận, ứng dụng hiệu quả thành tựu cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bốn là, thường xuyên coi trọng xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất
lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường quân đội.
Năm là, tận dụng các nguồn lực, tăng cường đầu tư hiện đại hóa cơ
sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển nhà
trường quân đội trong tình hình mới.
Sáu là, tập trung xây dựng
nền tảng số trong các nhà trường quân đội theo mô hình “Nhà trường thông minh,
tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Bảy là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu
cầu chuyển đổi số lĩnh vực huấn luyện - đào tạo, xây dựng hệ thống nhà trường
thông minh.
Tám là, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển
và chuyển giao công nghệ tạo động lực chuyển đổi số lĩnh vực đào tạo
nhanh, bền vững.
Tóm lại, xây dựng hệ thống nhà trường thông minh trong quân
đội, hướng tới xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” là xu hướng tất yếu. Đó là
quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện phương thức hoạt động dựa trên nền tảng
kỹ thuật, công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện -
đào tạo của quân đội thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong
bối cảnh hiện nay. Để quá trình xây dựng hệ thống các nhà trường thông minh
thành công, các cấp, các cơ quan chức năng, các nhà trường trong toàn quân cần
thực hiện đồng bộ các giải pháp trên; trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, các nhà trường trong toàn quân, tạo sự chuyển
biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, học
viên và nhân viên; kiến tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông
suốt, an toàn. Đồng thời, tập trung nguồn lực cả trong và ngoài quân đội để
thực hiện tốt quá trình chuyển đổi, góp phần thực hiện thắng lợi mô hình nhà
trường thông minh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét