Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới không phải được hình thành chỉ ngày một ngày hai, mà phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp từng ngày, từng giờ, được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành căn tính, thói quen tự nhiên trong cuộc sống. Có như vậy, những chuẩn mực giá trị tốt đẹp mới trường tồn; mãi là biểu tượng cho ý chí và tinh thần của con người Việt Nam thời đại mới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến vấn đề xây dựng và phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới của thời đại. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước cũng ta đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển hệ giá trị con người Việt Nam.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định mô hình của con người Việt Nam trong giai đoạn mới với năm đức tính: Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội; thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Hội nghị Trung ương 9, khóa XI (năm 2014) trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII tiếp tục xác định mục tiêu hoàn thiện các chuẩn mực giá trị con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Tuy chưa sắp xếp thành hệ giá trị chuẩn, nhưng Hội nghị Trung ương 9, khóa XI đã xác định những giá trị chuẩn mực con người Việt Nam mà chúng ta hướng tới đó là: Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ môi trường; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn, có thế giới quan khoa học, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ.
Đại hội XII của Đảng đã xác định phải “đúc kết và xây dựng… hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” với các vấn đề cốt lõi: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Những phẩm chất đó là sự kế thừa giá trị truyền thống con người Việt Nam và bước đầu bổ sung, định hình và phát triển một số giá trị chuẩn mực theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Đại hội XIII của Đảng đề ra các quan điểm, chủ trương mới về phát huy sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội khẳng định: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực”, “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội… đề cao ý thức trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”. “Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”… Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng cũng yêu cầu “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”.
Chia sẻ những giải pháp để xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới, GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng: Cần phải triển khai một cách đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, có những việc cần quan tâm là tiếp tục làm tốt hơn và kiên trì hơn, liên tục, thường xuyên hơn như công tác tuyên truyền để giúp cho nhân dân, giúp cho cán bộ, đảng viên có thể nhận thức được đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt, sự cần thiết của vấn đề xây dựng và thực hiện hệ giá trị này.
Đồng quan điểm với GS.TS Phùng Hữu Phú, GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, người đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và con người Việt Nam cho rằng: Muốn biến những chủ trương, chính sách trên giấy thành những hoạt động cụ thể, đi vào cuộc sống, trước tiên chúng ta cần phải đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội. Tuyên truyền phải đúng cách, hiệu quả và bằng nhiều hình thức và phải căn cơ, dài hạn và liên tục. Khi Đảng và Nhà nước đã quyết tâm, chúng ta cần phải biến thành những cuộc vận động lớn như là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hay Cuộc vận động “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... liên tục và trường kỳ.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nâng cao vai trò của các thiết chế xã hội, đặc biệt là gia đình, nhà trường và cộng đồng. Nhà trường phải tăng cường giáo dục hệ giá trị, đưa các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam lồng ghép vào các bài giảng và các môn học. Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn tuyên truyền, giáo dục nhưng bây giờ chúng ta phải đẩy lên thành chiến lược của một quốc gia và được lồng ghép trong các môn học như là giáo dục công dân, văn học, lịch sử, địa lý.
Trong gia đình, ông bà, bố mẹ là những người đầu tiên định hướng những giá trị để hình thành nhân cách cho mỗi con trẻ; vì vậy, hơn ai hết ông bà, bố mẹ phải là những tấm gương sáng để con cháu noi theo. Trong tập thể, cộng đồng, cơ quan, đơn vị… nơi mỗi người gắn bó, lao động, học tập phải phát huy vai trò của người đứng đầu. Quan tâm xây dựng các thiết chế và môi trường văn hóa ở những nơi này để nuôi dưỡng, bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp cho mỗi cá nhân.
Đặc biệt, chúng ta cần phát huy vai trò của văn học nghệ thuật. Bởi văn học, nghệ thuật có một sứ mệnh vô cùng cao cả, đó là chức năng giáo hóa, cảm hóa nhân tâm con người rất tốt. Một bộ phim hay, một vở kịch hấp dẫn, một bài hát hay, có sức lay động lòng người, nó có thể chinh phục và xây dựng những giá trị tốt hơn hàng ngàn lời kêu gọi, hô hào suông. Vì vậy, việc phát huy vai trò của các văn nghệ sĩ cũng như các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng là một trong những việc làm vô cùng quan trọng để lan tỏa và đưa hệ giá chuẩn mực con người Việt Nam trở thành những điều hết sức tự nhiên trong cuộc sống...
Với hơn 37 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách định hướng cho quá trình xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Để tiếp tục xây dựng, phát triển giá trị chuẩn mực con người Việt Nam theo quan điểm của Đảng, trước hết cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò, sự cần thiết phải xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay. Coi đây là nhiệm vụ phải được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân để huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam; gắn mục tiêu xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét