Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

 Công binh hải quân - những người tôn nền Tổ quốc thêm cao: Kỳ vĩ những cuộc mở luồng ở Trường Sa


Sau khi khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở các đảo chìm, một nhiệm vụ khác lại được đặt ra là làm sao để có luồng ra vào đảo an toàn và tránh trú bão dông. Nhiệm vụ ấy tiếp tục đặt lên vai những người lính công binh hải quân E83.


Mở kênh ở đảo Nam Yết

Những năm trước sự kiện 14-3-1988, Bộ Tư lệnh hải quân đã cử công binh hải quân ra Trường Sa cải tạo các luồng ra vào ở các đảo nổi. Sau sự kiện này, việc cải tạo luồng, mở luồng để tạo thành con mương, con kênh nhỏ, các âu tàu thuyền ở các đảo chìm cần kíp đặt ra.


Năm 1977, trung tá Đỗ Tiến Dũng mang quân hàm trung úy, chính trị viên đại đội 8 - E83. Ông được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy việc mở luồng ở đảo Nam Yết. Mùa hè năm ấy ông cùng hai trung đội ra Trường Sa thực hiện nhiệm vụ. Trước đó ông là một trong những người lính công binh hải quân đầu tiên ra Trường Sa xây dựng hầm công sự, chiến đấu.


Những khó khăn vất vả, trở ngại của người lính ở Trường Sa ngày ấy vẫn là thiếu nước ngọt, rau xanh. Trang bị khí tài, vật liệu cho công binh còn thô sơ, thiếu thốn. Nhưng bằng ý chí vượt khó, bền bỉ, những người lính E83 đã mở thành công một con kênh dài hơn 700m cho xuồng ra vào an toàn.


Sau gần 50 năm kể lại chuyện mở luồng ở Nam Yết, trung tá Dũng nhớ đến từng chi tiết. Ông còn nhớ cả tên, quê quán của những đồng đội mình năm xưa. Đó hai trung đội trưởng Lê Hồng Chưởng, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa và Hoàng Văn Sửu, quê Yên Sơn, Tuyên Quang đã cùng ông mở luồng.


Trung tá Dũng kể trước khi phá luồng, lính công binh dọn nền san hô nhấp nhô, lởm chởm đá ngầm của đoạn luồng cần mở cho bằng phẳng như sân nhà. Sau đó dùng bộc phá xếp thành hàng dài theo chiều con luồng cần mở và cứ 5m lại tăng cường thêm kíp nổ. Khi nổ phải chọn thời điểm nước thủy triều cao nhất để tạo thêm áp lực, sức công phá.


Nhưng sau hai lần ấn nút, bộc phá không nổ. Vậy là ông cùng các đồng đội lại phải tháo dỡ bộc phá, xem lại từng kíp nổ, dây nổ. Đến lần thứ ba, bộc phá nổ tạo nên cột nước khổng lồ.


Một con mương trên nền san hô ở biển Trường Sa tạo thành sau cú nổ, dài hơn 700m, rộng 4m và sâu từ 1,5m trở lên.


"Khối lượng bộc phá dùng để mở luồng Nam Yết ước khoảng 8 tấn. Ngày nổ bộc phá mở luồng ở Nam Yết còn có cả phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Bùi Ủy ra chứng kiến mở luồng an toàn. Có luồng ra vào đảo ai cũng vui mừng vì từ nay không còn sợ xuồng hư hỏng khi va phải đá ngầm", trung tá Dũng xúc động nhớ lại.


Kỳ công đột phá mở luồng đảo Đá Lớn

Từ giữa năm 1988, Quân chủng Hải quân đã quyết định giao cho E83 cải tạo, mở luồng cũng như các cải tạo lòng hồ ở một số đảo chìm, trong đó có Đá Lớn. Việc có âu tàu ở Trường Sa rất quan trọng vì giúp neo đậu, tránh trú khi mưa bão, sóng gió. Quan trọng hơn cả là tàu chiến hải quân có thể trực ngay tại Trường Sa để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.


Ở đảo Đá Lớn có một hồ trong đảo, dài khoảng 10km, rộng khoảng 1,5km và sâu 11m. Vây kín là thềm san hô rộng 750m. Khi thủy triều xuống, thềm san hô này cách mặt nước chỉ nửa mét. Qua khỏi thềm san hô này là vực biển sâu hoắm.


Nhiệm vụ đặt ra cho người lính công binh là phải mở luồng, đào được con kênh dài xuyên qua thềm san hô để nối lòng hồ với biển. Chỉ thị yêu cầu con kênh này dài 750m, rộng 40-50m và sâu 5m.


Năm 1989, đại tá Trần Đình Dần - lúc đó là thiếu tá, trung đoàn phó, tham mưu trưởng E83 - cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ và hai tàu chở vật liệu, thuốc nổ ra Đá Lớn đào kênh. Đến giữa năm 1989, con kênh đã mở một đoạn dài hơn 200m.


Đến năm 1990, Anh hùng lực lượng vũ trang - thiếu tướng Hoàng Kiền lúc đó là thiếu tá, phó tham mưu trưởng E83 - được giao chỉ huy nhiệm vụ tiếp tục mở kênh ở Đá Lớn. Tháng 3-1990, 70 cán bộ, chiến sĩ E83 cùng thuốc nổ lên tàu ra Trường Sa.


Kể về những ngày mở kênh ở Đá Lớn cách đây 35 năm, tướng Hoàng Kiền đúc rút "phải có đột phá mới hoàn thành được nhiệm vụ khó khăn". Và thực tế đã ghi nhận những đột phá của ông ngày đó đã tạo nên một cuộc mở luồng kỳ vĩ và hoàn thành đúng thời điểm cần có luồng, có âu tàu nhất.


Đó là tướng Hoàng Kiền quyết định đưa quân lên đảo dựng nhà bạt tạm ở gần công trường để thi công thay vì ở trên tàu, cứ phải lên xuống, di chuyển mỗi ngày, mất thời gian.


Giải pháp đột phá của tướng Kiền có người phản đối vì sợ mất an toàn cho bộ đội. Nhưng ông vẫn hạ lệnh đưa quân lên đảo và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Tiến độ đào kênh nhanh hơn hẳn.


Nhưng rạng sáng 5-4-1989 một cơn dông lớn kèm theo sấm sét ầm ầm kéo đến thổi quét lật tung nhà bạt. Mọi người nháo nhác. Ông Kiền hô lớn yêu cầu nắm chắc vào dây neo. Sau gần một giờ dông tan, điểm lại quân số đủ 70 người, tướng Kiền mừng rỡ như chính người thân của mình thoát chết.


Sau sự cố, tướng Kiền họp đơn vị để ra quyết định ở lại đảo hay lên tàu. "Anh em thật dũng cảm và hết mình vì nhiệm vụ. Tất cả đều đồng ý tiếp tục ở lại đảo đào kênh", tướng Kiền kể. Sau đó ông cho quân vác đá san hô đắp thành đê cao, bao quanh che chắn lán trại.


Một vấn đề khác đặt ra là mỗi lần điểm hỏa phát nổ phá luồng, bộ đội lại phải sơ tán lên tàu, mất thời gian. Thiếu tá Kiền quyết định dựng một công sự bằng gỗ, xung quanh chèn đá. Công sự cách tâm nổ của khối thuốc nổ 40 tấn chỉ chừng 300m. Mục đích của ông để quan sát vụ nổ để có quyết định tiếp theo.


Sau chừng vài giây nổ, sóng biển tràn vào công sự, tiếp theo là sóng xung kích đi qua, người ông và ba đồng đội đen ngòm bùn đen.


Từ đây ông cho làm công sự trên đảo để bộ đội nấp vào trong mỗi khi nổ phá luồng mà vẫn an toàn. Lý do nước tràn vào công sự của ông là do lỗ quan sát có hướng nhìn về điểm nổ.


10h ngày 1-5-1990, tướng Kiền quyết định đặt khối thuốc nổ lớn nhất lên đến 110 tấn để xử lý dứt điểm kênh Đá Lớn. Tổng cộng công binh đã dùng 1.600 tấn thuốc nổ. Trước khi điểm hỏa, ông yêu cầu mọi người sơ tán cách tâm nổ 10km và trong vòng bán kính 5km không ai được xuống nước. Bộ đội trấn giữ đảo trong các "nhà cao chân" cũng sơ tán ra ngoài.


Tướng Kiền phát lệnh điểm hỏa. "Cú nổ tạo ra một cột khói bụi, hơi nước bốc cao từ sáng đến chiều chưa tan. Nước từ trong lòng hồ chảy ra biển như thác đến tối mới hết. Các nhà C1 trên đảo rung lắc mạnh như động đất nhưng vẫn an toàn, bể nước ngầm vẫn an toàn", tướng Kiền nhớ lại.


Những quyết định đột phá, sự bền bỉ, kỳ công, quyết tâm trong thi công kênh ở đảo Đá Lớn đã cho công trình hoàn thành đúng thời điểm. Đó là đêm 3-5-1990, một cơn bão lớn ập đến Trường Sa. Và lúc này hai con tàu chở vật liệu, khí tài cũng kịp vào lòng hồ Đá Lớn trú ẩn an toàn qua con kênh.

********************

Gần 50 năm đã trôi qua, những người lính công binh hải quân còn nhớ mãi câu nói của tư lệnh Giáp Văn Cương: "Đảo như sân nhà các cậu, đảo là cửa ngõ của Tổ quốc".

----------

Thoát nạn dông lốc ở đảo Đá Đông


Trước và trong sự kiện 14-3-1988, ông Trần Văn Phước (sinh 1967, quê Đô Lương, Nghệ An) là một trong những công binh hải quân có mặt ở Trường Sa để dựng "nhà cao chân". Sau sự kiện này, ông tiếp tục ở đảo nhận nhiệm vụ mới khảo sát vị trí để dựng nhà ở đảo Đá Đông C.


Ông kể sáng hôm ấy, thiếu tá Trần Đình Dần cùng sáu người lính trong đó có ông đi xuồng cao su từ Đá Đông A sang Đá Đông C để khảo sát vị trí dựng "nhà cao chân".


"Lúc xuất phát trời yên biển lặng. Nhưng đi được chừng 4 cây số, chúng tôi gặp dông lốc. Thả neo mấy lần đều đứt dây neo", ông Phước nhớ lại. Nhưng mọi người đã bình tĩnh cùng nhau chống chọi dông gió, giữ yên không cho xuồng lật.


Lúc này ở Đá Đông A thấy không xuồng khảo sát về nên điện cho cấp trên báo nạn. Quân chủng Hải quân lập tức cử tàu đi tìm kiếm. Sau gần một ngày trôi dạt, đến chập tối cùng ngày xuồng của ông Dần, ông Phước về đến đảo Đá Đông A trong niềm vui sướng bất ngờ của mọi người.


ĐÔNG HÀ

PN.Theo: TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét