Chủ nghĩa tư bản ra đời mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển
xã hội loài người. Nhờ sự ra đời, phát triển của đại công nghiệp cơ khí, sự
phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, chủ nghĩa tư bản đã có bước phát
triển nhanh chóng: “Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy
một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng
sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại”[1].
Khi lực lượng
sản xuất càng phát triển và mang tính xã hội hoá cao thì quan hệ sản xuất tư
bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư
liệu sản xuất ngày càng trở lên lạc hậu, cản trở, kìm hãm sự phát triển của nó
bấy nhiêu. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra, trong xã hội đầy đối kháng giai cấp
đó, con người ngày càng chinh phục tự nhiên, cải tạo tự nhiên bao nhiêu thì
tình trạng người áp bức, bóc lột người càng được mở rộng bấy nhiêu. Sự phát
triển của kinh tế - kỹ thuật đi liền với sự suy đồi về đạo đức; sự giàu có,
thừa thãi của một số ít người đẩy số đông người vào cảnh cùng khổ. Điều đó làm
cho mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội hoá với quan hệ sản
xuất tư bản chủ nghĩa phát triển ngày càng gay gắt. Mâu thuẫn kinh tế cơ bản đó
của chủ nghĩa tư bản được thể hiện trên lĩnh vực xã hội là mâu thuẫn giữa giai
cấp công nhân với giai cấp tư sản. Tính chất, mức độ gay gắt của mâu thuẫn
chính trị - xã hội tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ gay gắt của mâu thuẫn kinh tế
cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Chính sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản
xuất đòi hỏi khách quan phải xoá bỏ quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu
tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thiết lập quan hệ sản xuất mới
dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, phù hợp với tính chất xã hội hoá
của lực lượng sản xuất.
Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp cơ khí, giai cấp công nhân
phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Cuộc đấu tranh giữa giai cấp
công nhân và giai cấp tư sản ngày càng quyết liệt hơn. Phong trào đấu tranh của
giai cấp công nhân phát triển nhanh chóng, chuyển từ tự phát sang tự giác nhằm
thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, chính chủ nghĩa
tư bản đã tạo ra tiền đề kinh tế và xã hội để thay thế hình thái kinh tế - xã
hội tư bản chủ nghĩa bằng hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ
rõ: “Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì
ngày nay quay lại đập vào chính ngay giai cấp tư sản. Nhưng giai cấp tư sản
không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng
vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”[2].
Thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa về chính
trị là điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cộng
sản chủ nghĩa. Khi những nhân tố khách quan trong sự vận động lịch sử của chủ
nghĩa tư bản đã chín muồi và sự nỗ lực chủ quan của giai cấp công nhân và chính
Đảng của nó, đồng thời phải có sự hoạt động cách mạng tự giác của quảng đại
quần chúng nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân để đủ sức
tiến hành một cuộc cách mạng xã hội, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản,
giành lấy chính quyền, từng bước cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới. Hình
thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa chỉ được hình thành thông qua cách
mạng vô sản để thực hiện sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội tư bản
chủ nghĩa sang hình thái kinh tế - xã hội mới cao hơn. Vì vậy, hình thái kinh
tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa ra đời là một tất yếu lịch sử xã hội loài người.
Tuy nhiên, sự ra đời của nó ở mỗi dân tộc không những bị chi phối bởi các quy
luật, điều kiện chung ấy mà còn chịu sự quy định của những điều kiện lịch sử -
cụ thể về tự nhiên, kinh tế, chính trị, truyền thống văn hoá, dân tộc, điều
kiện quốc tế… Điều đó làm cho sự ra đời và phát triển của hình thái kinh tế -
xã hội cộng sản chủ nghĩa mang tính phong phú, đa dạng. Mỗi dân tộc đều có nét
độc đáo riêng trong lịch sử phát triển của mình. Đó là nét đặc thù về thời gian
và không gian cụ thể, về mô hình và bước đi để đến được chủ nghĩa cộng sản.
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 603.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 605.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét