Trong nhiều năm qua, mặc dù Việt Nam đã
có những thành tựu to lớn trong đảm bảo nhân quyền và quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của người dân song bất chấp sự thật này, nhiều tổ chức quốc tế không
có thiện chí với Việt Nam đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ. Những cáo buộc
này không chỉ gây tổn hại đến uy tín mà còn làm sai lệch nhận thức của cộng
đồng quốc tế về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.
Những cáo buộc sai trái, vu cáo Việt
Nam
Lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá,
hạ thấp uy tín của một quốc gia, thậm chí dẫn đến xung đột sắc tộc, nội chiến
và chia rẽ đất nước là hoạt động không mới nhưng luôn được coi là lá bài lợi
hại. Đối với Việt Nam hiện nay, mặc dù tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã đạt được
những thành tựu quan trọng nhưng các thế lực thù địch, phản động thường xuyên
sử dụng tôn giáo hòng thực hiện các mưu đồ chính trị để chống phá Đảng, Nhà
nước.
Họ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền
để xuyên tạc, bóp méo cho rằng Việt Nam "đàn áp tôn giáo"; lợi dụng
các vấn đề chính trị-xã hội phức tạp trong nước để kích động ly khai, biểu
tình; lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của một bộ phận dân chúng để thành
lập các "đạo lạ", các tổ chức núp dưới danh nghĩa tôn giáo nhưng mang
màu sắc chính trị, truyền đạo trái phép. Tìm cách lồng ghép những tư tưởng phản
động, xuyên tạc bản chất chế độ chính trị, chống đối chủ trương, đường lối,
chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm tạo ra mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính
quyền, gieo nên định kiến, ác cảm của đồng bào tôn giáo đối với chính quyền. Từ
đó kích động gây rối, làm mất ổn định chính trị-xã hội, gây mất đoàn kết
lương-giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...
Để thực hiện âm mưu này, một số tổ chức
quốc tế không có thiện chí với Việt Nam đã triệt để lợi dụng vấn đề tôn giáo,
can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Có thể kể đến Ủy ban Tự do tôn
giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), ngày 12/12/2024 vừa qua đã “bày tỏ quan ngại
trước sự gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với các nhóm tôn giáo độc
lập - bao gồm nhóm Phật giáo Khmer Krom, Tin lành người Thượng, Cao Đài Chơn
truyền và nhiều tín đồ khác”. Đồng thời, ủy ban này đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa
Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần quan tâm đặc biệt (CPC).
Trước đó, ngày 1/5/2024, USCIRF cũng đã
công bố cái gọi là “Báo cáo tự do tôn giáo năm 2024” với những thông tin phiến
diện, sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Mới đây, trong bài viết có
tiêu đề “Nhiều tổ chức nhân quyền phản đối Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng
Nhân quyền Liên hợp quốc” đăng tải trên trang tin RFA Tiếng Việt, dù đưa ra một
tiêu đề vô cùng kêu nhưng nội dung bài viết lại không hề có số liệu hay minh
chứng cụ thể nào, đối với tổ chức quốc tế cũng chỉ là phỏng vấn một người được
cho là thành viên của tổ chức Liên minh Thế giới vì Sự tham gia của Công dân
(CIVICUS) nhưng cũng chỉ nêu ra những quan ngại chung chung…
Hay Tổ chức phi chính phủ International
Christian Concern (ICC - trụ sở tại Hoa Kỳ) ngày 7/8/2024 đã đưa ra những cáo
buộc vô căn cứ về tình trạng đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền tại Việt
Nam, đặc biệt là cáo buộc về việc giam giữ “tù nhân Công giáo”. Hay Hội nghị
Thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế (IRF-hội nghị thường niên của các tổ chức xã
hội dân sự) tổ chức ngày 30-31/1/2024 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, hàng chục
cá nhân tự xưng là “nhà hoạt động vì tự do tôn giáo cho Việt Nam” đã tranh thủ
tiếp cận, vận động hành lang đối với các nhà lập pháp, hành pháp và các tổ chức
quốc tế hòng gây sức ép đến chính quyền Việt Nam.
Được biết, người khởi xướng Hội nghị
Thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế IRF không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo
mà là Chris Seiple - thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách đối
ngoại. Dù có khẩu hiệu về bảo đảm quyền tự do tôn giáo nhưng Hội nghị trên đã
làm dấy lên những hoài nghi về mưu đồ chính trị phía sau mục đích làm công cụ
chính trị nhắm vào các quốc gia bị Mỹ và các nước phương Tây đang bao vây, cấm
vận, phong tỏa hoặc gây áp lực chính trị, tức là mục tiêu “quốc tế hóa”, “chính
trị hóa” vấn đề tôn giáo.
Như vậy, các thế lực thù địch, phản
động trong mọi hoàn cảnh, điều kiện vẫn luôn tìm cách lợi dụng “ngòi nổ” tín
ngưỡng, tôn giáo để kích động mâu thuẫn giữa các tôn giáo với nhau, giữa người
theo đạo và người không theo đạo, giữa các tôn giáo với chính quyền các cấp, từ
đó gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến tới can thiệp vào công việc
nội bộ, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, gây tổn hại đến công cuộc đổi mới
ở Việt Nam hiện nay.
Những thành tựu, kết quả sinh động
Việt Nam là đất nước có truyền thống
văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Cùng với quá trình đổi
mới đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có nhiều chuyển biến
mới: Sự gia tăng số lượng chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; nhiều hoạt
động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra với quy mô lớn hơn trước thu hút đông đảo tín
đồ và người dân tham dự; các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực
hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống, gắn bó, đồng hành
cùng dân tộc,… Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang đáp ứng nhu cầu
tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng nhân dân và có những đóng góp tích
cực đối với đời sống xã hội.
Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính
phủ, hiện có hơn 27 triệu người Việt Nam đang sinh hoạt trong 38 tổ chức, cấp
đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành trực thuộc 16
tôn giáo. So với năm 2022, số lượng người Việt Nam theo tôn giáo đã tăng gần
56.000 người, chức sắc tăng 814 người, cơ sở thờ tự tăng 142 địa điểm. Tính đến
tháng 5/2024, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức
thuộc 16 tôn giáo, với trên 27 triệu đồng bào theo đạo (chiếm trên 27% dân số
cả nước), trong đó, có trên 54.000 chức sắc, 135.500 chức việc; trên 29.600 cơ
sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 54.000 cơ sở tín ngưỡng. Đồng thời, đáp ứng
nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân, cũng trong năm 2023, Nhà xuất bản Tôn
giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in; trong đó
có nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, Pháp,
tiếng dân tộc.
Đặc biệt, năm 2023, có hơn 300 lượt
chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các
khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt
Nam hoạt động tôn giáo… Đối với người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại
Việt Nam cũng được Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh hoạt tôn
giáo cùng với tín đồ Việt Nam hoặc tập trung thành nhóm tại địa điểm hợp pháp
để sinh hoạt tôn giáo. Các tín đồ nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam đều
được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, các chức sắc, nhà tu hành người
nước ngoài đang hàng ngày giảng đạo tại các địa điểm tôn giáo hợp pháp. Với gần
70 cơ sở sinh hoạt tôn giáo tập trung và các tín đồ thuộc nhiều quốc tịch khác
nhau, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam chính là một thành tố
quan trọng, góp phần làm phong phú thêm hoạt động đối ngoại tôn giáo ở Việt
Nam.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp
quyền, các tổ chức tôn giáo tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Quốc hội
khóa XV, có 5 vị chức sắc trúng cử đại biểu; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín
đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà
tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức
việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ
2021 - 2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham
gia các hội, đoàn thể khác. Kể từ khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cả
nước có hơn 6.500 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 16.783 người được
bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc.
Có thể nói, chưa bao giờ các tôn giáo
có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, quan hệ quốc tế ngày càng mở
rộng, chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông, cơ sở thờ tự ngày càng khang
trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai
theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo tăng cường
giao lưu, học tập, trao đổi các đoàn với các tổ chức tôn giáo trên thế giới.
Nhiều năm qua, các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các cuộc vận động, các
phong trào thi đua yêu nước, góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng quê
hương, góp phần đáng kể vào công tác bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương;
cùng Ðảng, Nhà nước chăm lo cho người có công, quan tâm người nghèo, người yếu
thế trong xã hội "để không ai bị bỏ lại phía sau".
Những ngày này, không khí đón mừng
Thiên Chúa Giáng sinh đang diễn ra rộn ràng tại các nhà thờ xứ đạo, họ đạo và
khu dân cư tại nhiều địa phương trên cả nước. Bên những hang đá được bố trí
xung quanh nhà thờ xứ, bà con quây quần bên nhau, hoàn tất các công đoạn cuối
cùng cho đêm lễ đón mừng Giáng sinh. Một không khí vui tươi, phấn khởi đang lan
tỏa trong bà con giáo dân, cũng là không khí chung của toàn xã hội. Tại Thủ đô
Hà Nội, Nhà thờ Lớn đã trang hoàng lung linh, lộng lẫy chào đón Giáng sinh
2024. Trong vài năm gần đây, cây thông Noel ở Nhà thờ Lớn được đánh giá là cây
thông lớn nhất của Thủ đô Hà Nội.
Cũng như mọi năm, nhà thờ đá Phát Diệm,
thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình luôn là một trong những địa
điểm thu hút đông người dân đến vui chơi nhân dịp Giáng sinh. Các con đường từ
trung tâm thị trấn Phát Diệm dẫn về khu vực nhà thờ đá Phát Diệm trang hoàng
lung linh, rực rỡ hơn ngày thường. Trên khắp các tuyến đường, ngõ phố, trước
mỗi nhà dân… đâu đâu cũng tràn ngập ánh đèn, cờ, ngôi sao, cây thông Noel...
khiến không khí đón mừng lễ Noel - lễ lớn trong năm của những người theo đạo Công
giáo thực sự tưng bừng, rộn ràng.
Có thể thấy, ở Việt Nam lễ Giáng sinh
đã vượt ra khỏi giáo đường của đạo Công giáo. Lễ Noel dần dần trở thành một
sinh hoạt cộng đồng. Trong đêm Giáng sinh, người theo đạo vẫn thực hành những
nghi thức, nghi lễ truyền thống của đạo Công giáo còn người ngoại đạo tập trung
đi xem lễ. Cũng trong đêm Noel, trẻ con háo hức chờ đợi để được Ông già Noel
tặng quà; nhiều gia đình rủ nhau mở tiệc liên hoan, bạn bè tổ chức gặp mặt uống
cà phê, ca hát, các bà, các chị cùng nhau đi mua sắm (hầu hết các siêu thị,
trung tâm thương mại thường mở các đợt khuyến mãi trong dịp Giáng sinh). Cũng
trong dịp lễ Giáng sinh, các cô gái, chàng trai không bỏ lỡ thời cơ thể hiện
tình cảm, hẹn hò, tìm những quà tặng độc đáo dành cho người mình yêu…
Như vậy, với những thành tựu đã đạt
được của Việt Nam trong đảm bảo tự do, tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có thực
tiễn sinh động trong dịp Giáng sinh đã góp phần tạo nên một bức tranh toàn cảnh
đa sắc màu trong nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Thực tiễn đó là minh chứng
khách quan, rõ ràng phản bác các luận điệu sai trái mà các thế lực xấu đang rêu
rao, xuyên tạc.
Liêm Chính - Bình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét