Cuốn sách “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Đảng đối với sự nghiệp phát triển, chấn hưng văn hóa, coi đây là động lực của chủ nghĩa xã hội, mà còn là minh chứng hùng hồn đập tan mọi luận điệu xuyên tạc.
Nhằm công kích, xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, đường lối xây dựng, phát triển văn hóa, văn nghệ của Đảng, các thế lực thù địch, phản động ra sức lợi dụng internet, các phương tiện truyền thông để chống phá; cho rằng Đảng ta không quan tâm đến phát triển văn hóa, phát triển con người, có chăng cũng chỉ là hình thức, mị dân. Đồng thời, tăng cường truyền bá các sản phẩm văn hóa ngoại lai, phản nhân văn, phi văn hóa; núp dưới chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do sáng tác”, “quyền thông tin” để kích động các quyền “tự do”, “dân chủ” trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ; xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, nói xấu, vu cáo chế độ, v.v. Mục tiêu thực chất của họ không hề thay đổi, vẫn là nhằm phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa, văn nghệ; tiêm nhiễm làm xói mòn, lệch chuẩn văn hóa truyền thống, các giá trị đạo đức, nhân ái, nhân văn tốt đẹp của dân tộc; kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, thực hiện mưu đồ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hình thành ý thức chống đối về chính trị, tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh đó, cuốn sách “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục khẳng định tính nhất quán trong lãnh đạo xây dựng nền văn hóa mới của Đảng; đồng thời, là luận cứ đanh thép, sắc bén đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, được thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định văn hóa là hồn cốt, sinh khí, sức mạnh của dân tộc; văn hóa còn thì dân tộc còn. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi đây vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Thực tiễn cũng như nội dung Cuốn sách đã thể hiện rõ, Đảng ta luôn quan tâm và ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng nhằm định hướng kịp thời con đường phát triển của nền văn hóa dân tộc trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nổi bật là Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị (khóa VI) về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”; Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”1. Cuốn sách tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta: luôn đặc biệt coi trọng, đề cao vai trò của văn hóa đối với sự tồn vong của dân tộc Việt Nam; coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, sức mạnh nội sinh của dân tộc; là nền tảng của sự phát triển đất nước. “Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”2. Đây là những minh chứng không thể chối cãi, bác bỏ luận điệu cho rằng Đảng ta không chăm lo phát triển văn hóa, không quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân dân.
Thứ hai, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Đây là một trong những nội dung cốt lõi của Cuốn sách; trong đó, khẳng định quan điểm nhăt quán của Đảng ta là luôn xác định con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; coi phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; là tiêu chí của phát triển bền vững, của tiến bộ, văn minh. Trong xây dựng và phát triển văn hóa, Đảng ta luôn coi trọng kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Những mục tiêu ấy cũng là nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân Việt Nam. Vì vậy, không thể xuyên tạc rằng Đảng, Nhà nước ta không quan tâm đến sự phát triển văn hóa, phát triển con người; đồng thời, khẳng định mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động du nhập, truyền bá những sản phẩm phi văn hóa, phản văn hóa, lối sống lai căng,… đều đi ngược lại quan điểm xây dựng nền văn hóa mới của Đảng ta và nguyện vọng của nhân dân ta.
Thứ ba, nhấn mạnh phải lấy xây dựng con người làm trung tâm. Cuốn sách nêu rõ: xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc. Kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Thực tiễn cho thấy, những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với nội dung cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhu cầu văn hóa tinh thần bền bỉ, là nét đẹp của giá trị và lối sống văn hóa của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; trong đó, xây dựng văn hóa trong Đảng làm nòng cốt để xây dựng, chấn hưng văn hóa dân tộc, đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chú trọng đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, những hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống. Trên thực tế, nhiều tấm gương sáng trong phong trào Thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã lan tỏa vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung. Kết quả ấy đã góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của các thế lực thù địch.
Thứ tư, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm của Đảng ta trong công tác lãnh đạo xây dựng nền văn hóa. Trong Cuốn sách, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn nêu rõ: việc phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn không ít khó khăn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, hiệu quả chưa cao, v.v. Như vậy, việc thẳng thắn nhận khuyết điểm để từ đó tìm biện pháp khắc phục là thể hiện tinh thần chiến đấu kiên quyết, tính chất cách mạng triệt để của Đảng và sự tâm huyết của người đứng đầu Đảng ta đối với việc chấn hưng văn hóa đất nước. Tự nó đã làm cho những thủ đoạn khoét sâu vào hạn chế, thiếu sót trong xây dựng nền văn hóa để xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng ta trở nên lạc lõng và nực cười.
Thứ năm, tiếp tục đưa ra những chỉ dẫn quý về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Để đạt được điều đó, Cuốn sách chỉ rõ, cần tập trung trước hết vào xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Đây là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tổ chức thực hiện của nhân dân trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Cuốn sách “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán về đường lối xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam thời kỳ mới, với niềm tin: “… nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”3. Đồng thời, là luận cứ đanh thép bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc đường lối xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam của Đảng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét