LUẬN
ĐIỆU “NHAI LẠI” CỦA SONG CHI
Thời gian qua, một số đối tượng nhân danh là “nhà
dân chủ”, “nhà hoạt động môi trường”, có các hoạt động chống phá Đảng, Nhà
nước, chế độ, vi phạm pháp luật Nhà nước và bị xét xử với những bản án thích
đáng, những bản án đó vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện
tính nhân văn, nhân đạo của chế độ ta. Các đối tượng vi phạm pháp luật đã cúi
đầu nhận tội và đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ với các bản án đó. Tuy
nhiên, có một số kẻ “kêu thuê, khóc mướn” vẫn ra sức xuyên tạc bản chất của sự
việc, cổ xúy cho các hoạt động sai trái, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế
độ. Trong bài viết “Lãng phí tài nguyên con người – hậu quả không thua gì nạn
tham nhũng”, với cái nhìn định kiến, Song Chi đã xuyên tạc việc Việt Nam phạt
tù các đối tượng có hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, vi phạm pháp luật
của Nhà nước là “lãng phí tài nguyên con người”, “chế độ độc tài cộng sản đã
bóp nghẹt tài năng con người”… Đây là những luận điệu xuyên tạc bản chất của
chế độ ta và tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Thứ nhất, tài nguyên con người là nguồn
lực đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước.
Trong các nhân tố tạo nên sự vững mạnh và phát
triển của đất nước thì nhân tố con người có vị trí, vai trò đặc biệt quan
trọng, có ý nghĩa quyết định nhất. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng con
người phát triển toàn diện cả về trí lực và thể lực, thể chất và tâm hồn Đồng
thời, không ngừng phát huy nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất
lượng cao. Tuy nhiên, đó phải là những người có đạo đức, có tinh thần yêu Tổ
quốc, yêu thương đồng bào, luôn đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc lên trên hết,
trước hết; không được vì lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích của người
khác, của tập thể, quốc gia – dân tộc. Đối với những kẻ được đào tạo cơ bản,
được học hành, nhưng không sử dụng kiến thức của mình để phục vụ đất nước, phục
vụ nhân dân, mà còn lợi dụng kẻ hở của pháp luật để trục lợi bất chính, cá biệt
có trường hợp còn cấu kết với các cá nhân, tổ chức phản động ở nước ngoài để
chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì không thể gọi đó là
nguồn lực để phát triển đất nước được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: có tài mà
không có đức chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại
cho xã hội nữa. Nên, khi cho rằng, việc phạt tù Trần Huỳnh Duy Thức vì tội hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Hoàng Thị Minh Hồng về tội trốn thuế… là
“lãng phí tài nguyên con người” chỉ là chiêu trò đánh tráo khái niệm của Song
Chi, hòng cổ xúy cho những hành động phi pháp để chống phá Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, phần lớn người Việt Nam ở nước ngoài
luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, tích cực đóng góp
cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là,
người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của
cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp
tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước và đã có nhiều chủ trương, chính sách,
chương trình, đề án nhằm phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để
xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng tăng cường sức
mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ
kiều bào ta ở nước ngoài có địa vị pháp lý, được bảo vệ trong quá trình làm ăn
sinh sống ở nước ngoài cũng như tại Việt Nam.
Hiện nay, có khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước
ngoài đang sinh sống, lao động, học tập ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong
đó hơn 80% là các nước phát triển. Mặc dù sống xa Tổ quốc song, đông đảo đồng
bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn
truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê
hương, có nhiều đóng góp về vật chất, tinh thần cho sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Có khoảng 385 dự án của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại Việt
Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và có vốn góp vào hàng nghìn doanh
nghiệp Việt Nam, góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh
tế – xã hội. Hằng năm, có khoảng 300 – 500 lượt chuyên gia, trí thức, nhà khoa
học người Việt Nam ở nước ngoài về nước và tham gia tích cực hoạt động khoa học
– công nghệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thực tế trong các vấn đề xây dựng
Đảng, hệ thống chính trị và phát triển đất nước.
Thực tiễn sinh động đó cho thấy, với chính sách
đúng đắn về hòa hợp dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi
dậy khát vọng vươn lên, tích cực đóng góp sức lực, trí tuệ, vật chất của người
Việt Nam ở cả trong nước và ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất
nước, đa số người Việt Nam đều hướng về Tổ quốc, có nhiều đóng góp để xây dựng
đất nước ngày càng giàu mạnh, đó là chính sách rộng mở, đúng đắn nhằm phát huy
mọi nguồn lực của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài chứ không phải “bóp
nghẹt tài năng” hay “Nhà nước Việt Nam để thất thoát đi nguồn lực vô cùng quý
giá – nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài” như sự xuyên tạc của Song Chi.
Thiết nghĩ ở bất cứ quốc gia nào thì con người
vẫn là nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển đất
nước, nhưng đó phải là những người có trình độ chuyên môn, tay nghề, có đạo
đức, lương tâm nghề nghiệp, yêu nước, chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật.
Chứ những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, vi phạm pháp luật, dù có tài đến
đâu cũng không thể gọi là nguồn lực cho phát triển đất nước. Nên, chỉ có kẻ mất
trí thì mới gọi việc phạt tù những kẻ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ là
“lãng phí tài nguyên con người”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét