Năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, vì họ là người quán triệt, tổ chức thực hiện, tiến hành kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn. Do vậy, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, Đảng phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng”, “vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Vai trò của công tác cán bộ đối với năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2); “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(3),... Với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền, được nhân dân giao phó trọng trách lãnh đạo, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, yêu cầu đặt ra đối với Đảng là xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để đảm nhận nhiệm vụ được giao.
Nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”(4).
Để thực hiện được mục tiêu này, Đại hội XIII của Đảng xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, đặc biệt là: “Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...”(5); “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ”(6); qua đó, khẳng định việc đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ và hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ là nhiệm vụ hệ trọng, được Đảng tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua.
Công tác cán bộ luôn là khâu then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong những năm qua, công tác cán bộ của Đảng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 17-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong tình hình mới” cũng chỉ ra hạn chế trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; trong đó, nhấn mạnh năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để đội ngũ cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực hạn chế, phẩm chất, uy tín thấp, vi phạm kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Theo Ban Nội chính Trung ương, “trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Cũng trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng”(7). Cách xử lý kiên quyết, nghiêm khắc đó góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ.
Công tác cán bộ là công việc, nhiệm vụ quan trọng trong việc tổ chức và thực thi quyền lực của Đảng. Vi phạm của một số cán bộ, đảng viên đã gây ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh của Đảng, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế kiểm soát quyền lực đối với công tác cán bộ chưa hiệu quả. Đây là lĩnh vực khó và dù Đảng ta đã có nhiều văn bản quy định về vấn đề này, nhưng chưa phát huy hết hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng chạy chức, chạy quyền, sự tha hóa, biến chất trong công tác cán bộ.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, năng lực hoạch định, năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, cương lĩnh; năng lực lãnh đạo các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội..., Đảng phải lựa chọn, xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Muốn vậy, Đảng phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, vì đây là vấn đề then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong bối cảnh hiện nay.
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Một là, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.
Công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu; đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Điều này sẽ tạo được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, mà trước hết là trong tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Đoàn kết chính là sức mạnh của Đảng, là vũ khí sắc bén nhất của Đảng ta; trong Đảng có sự đoàn kết thì xã hội sẽ có sự đồng thuận, uy tín của Đảng, của hệ thống chính trị ngày càng được nâng cao, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng ngày càng vững chắc. Xử lý nghiêm mâu thuẫn, bất đồng trong nội bộ cấp ủy; nếu không sẽ dẫn đến sự chia rẽ nội bộ, kéo bè kéo cánh, “lợi ích nhóm”. Nghiêm túc, quyết liệt chống chủ nghĩa cá nhân, với các biểu hiện, như vấn đề “lợi ích” trong công tác cán bộ, “lợi ích” từ các dự án đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng và vấn đề cơ cấu, quy hoạch nhân sự của đại hội đảng bộ các cấp.
Hai là, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo, bồi dưỡng về chính trị với rèn luyện, thử thách đội ngũ cán bộ trong các hoạt động, các phong trào thực tiễn.
Cấp ủy, lãnh đạo các cấp cần thường xuyên chăm lo thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, thông qua các hình thức, như học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về các nghị quyết của Đảng; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, được đi học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng về chính trị thì khâu rèn luyện, thử thách cho đội ngũ cán bộ trong các hoạt động, các phong trào thực tiễn cũng rất cần được quan tâm sâu sát, tạo sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “học đi đôi với hành”, giữa lý luận với thực tiễn. Cấp ủy cơ sở cần tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để phát triển, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ ưu tú “vừa hồng”, “vừa chuyên” cho Đảng; chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả. Mạnh dạn giao cho cán bộ thực hiện công việc khó, đòi hỏi sự nhiệt tình, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ba là, xây dựng cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ.
Hiện nay, tình trạng tư duy “cục bộ địa phương” trong công tác cán bộ còn diễn ra, chưa được ngăn chặn triệt để. Nguyên nhân là do chưa xây dựng được cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong tất cả các khâu của công tác cán bộ; đặc biệt, hiện nay khâu đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất, khó khăn nhất. Trên thực tế, đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển dễ rơi vào hình thức, cảm tính, thậm chí ở một số nơi còn liên quan đến “nhóm lợi ích”, dẫn đến tình trạng bổ nhiệm cán bộ thì đúng quy trình, nhưng người được bổ nhiệm không “đúng người, đúng việc”.
Khi đánh giá, lựa chọn cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền phải chú trọng tới đạo đức của người cán bộ; bởi vì, có đạo đức cách mạng sẽ làm cho họ thể hiện được tinh thần trách nhiệm với công việc được giao, luôn ý thức giữ mình trước cám dỗ; đồng thời, họ phải giữ gìn hình ảnh người đảng viên, xác lập các mối quan hệ công việc và xã hội một cách chuẩn mực, trong sáng. Tạo môi trường, cơ chế để đội ngũ cán bộ được thể hiện năng lực của mình một cách bình đẳng, thông qua công việc, bằng sản phẩm cụ thể. Khi đánh giá cán bộ, cần đánh giá cả một quá trình và đánh giá cả chiều hướng phát triển, thì mới có thể sát, đúng với năng lực và phẩm chất, đạo đức của một người cán bộ. Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu, cần khách quan, minh bạch trong lựa chọn và sử dụng cán bộ; đồng thời, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền trong công tác cán bộ phải tự kiểm soát lẫn nhau, phải tiên phong, gương mẫu, thực hiện đúng theo Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Bốn là, kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm trong công tác cán bộ của cấp ủy các cấp.
Đảng ta khẳng định, không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo. Vì vậy, để công tác cán bộ được thực hiện đúng với chủ trương, quy định, kết luận của Đảng, cấp ủy phải thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ. Kiểm tra, giám sát không chỉ thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm, mà cần kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình từ khi có dự thảo chủ trương, quy định, quy trình thực hiện về công tác cán bộ thì mới hiệu quả. Cấp ủy cấp trên trực tiếp và ủy ban kiểm tra cấp trên phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao thì công tác kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng mới bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Nếu không kiểm tra, giám sát thì sẽ khó khắc phục được tình trạng hình thức, né tránh, bao che, tồn tại “vùng cấm” trong công tác kiểm tra, giám sát.
Để ngăn ngừa, hạn chế, ngăn chặn hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; trước hết, bản thân cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu, phải có nhận thức, trách nhiệm đúng về vai trò của cán bộ và công tác cán bộ; đồng thời, phải luôn xử lý hài hòa mâu thuẫn, bất đồng trong tập thể lãnh đạo, kết hợp thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp; phát huy vai trò làm chủ, giám sát của nhân dân, tăng cường vai trò phản ánh dư luận xã hội của báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là trong công tác cán bộ của Đảng.
Năm là, xử lý nghiêm hành vi chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tình trạng chạy chức, chạy quyền, tiêu cực hiện nay vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi triệt để; mặc dù Quy định số
205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực
trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” và hiện nay là Quy
định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023, của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát
quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”
chỉ ra rất rõ hành vi chạy chức, chạy quyền, lợi dụng, lạm dụng chức vụ,
quyền hạn và các hành vi tiêu cực khác; nhưng việc thực hiện quy định
này trong thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra
cấp thiết hiện nay là làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Nếu
phát hiện vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thì phải
xử lý đúng quy định để răn đe, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy
quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không
thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm
trên cương vị được giao trong công tác cán bộ; qua đó, giữ được kỷ luật
của Đảng, đẩy lùi vi phạm, xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất
và năng lực để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược”(8); tuy nhiên, đây là công việc không thể chỉ làm một lần là xong, mà phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục, làm đi làm lại nhiều lần, đòi hỏi quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt. Vì vậy, tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng, chống hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hành vi chạy chức, chạy quyền là một trong những giải pháp để lựa chọn được đội ngũ cán bộ xứng đáng, có năng lực xây dựng đường lối, cương lĩnh, nghị quyết và cụ thể hóa một cách hiệu quả thông qua hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn mới.
Sáu là, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm vì lợi ích chung trong công tác cán bộ.
Bên cạnh thực thi cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong công tác cán bộ thì việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ vì sự nghiệp chung của Đảng và của dân tộc có vai trò quan trọng. Vì vậy, trong công tác cán bộ, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để tập thể cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, nhằm lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc vì lợi ích chung. Trong lịch sử cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lựa chọn, bố trí cán bộ là người thực sự có năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức tốt, không ngừng nỗ lực phấn đấu, học hỏi, trưởng thành dần trong công việc, nhưng bằng cấp không cao, hoặc chưa có bằng cấp. Đặc biệt là, cán bộ do Bác Hồ lựa chọn đã thể hiện được tài năng của mình để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Bảy là, thực hiện kiểm soát tốt việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ.
Thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30-10-2020, của Chính phủ, “Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”, trong những năm vừa qua, việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập đã được thực hiện nghiêm túc, góp phần không nhỏ vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, quá trình kê khai, xác minh tài sản, thu nhập vẫn còn không ít bất cập; theo báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Về thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong kỳ đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản, thu nhập bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định...; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm(9).
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập, cần lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, thực hiện kiểm soát thu nhập theo Luật Thuế thu nhập cá nhân và quy định kê khai tài sản, thu nhập. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ cần được kiểm soát chặt chẽ, đúng mức; các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức có cơ chế giải trình, kiểm tra, xác minh để bảo đảm việc kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành một cách công khai, minh bạch, trung thực. Ngoài việc kiểm soát thu nhập thông qua thuế thì cần thực hiện nghiêm túc việc giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm, gắn với việc xác minh tính hợp pháp của tài sản, thu nhập tăng thêm, trường hợp không chứng minh được sẽ bị thu hồi.
Thứ hai, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, nhiều cơ quan, tổ chức, bao gồm Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Để bảo đảm sự thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo thẩm quyền, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền của Đảng với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ ba, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng thì trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập thuộc về Thanh tra Chính phủ. Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cũng có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý của mình. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để có sự quản lý thống nhất đối với cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét