Sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Lâm Phương Thanh; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, tổ chức chính trị xã hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện nông dân toàn quốc.

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức thực hiện. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Đây là hoạt động thường niên được khởi đầu từ năm 2019 và đến năm 2024 là hội nghị đối thoại lần thứ năm được diễn ra.

Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, có 300 đại biểu tham dự. Tại điểm cầu ở trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; đại diện các nông dân tiêu biểu với khoảng 4.000 đại biểu. 

Với chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới", Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước bước vào năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra để đưa đất nước ta bắt đầu bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên. Đây là Diễn đàn để đồng chí Thủ tướng, các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Qua 5 lần tổ chức Hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát huy vai trò chủ thể của người nông dân đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung giải quyết, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực; được đông đảo bà con nông dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân cũng đã được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, bài bản; trở thành hoạt động đầy ý nghĩa, tạo cầu nối quan trọng giữa chính quyền với cán bộ, hội viên nông dân.

“Hội nghị đối thoại được tổ chức hôm nay càng ý nghĩa hơn trong khi năm qua đầy khó khăn, biến động của tình hình thế giới, thiên tai nặng nề trong nước nhưng dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp vượt xa so với mục tiêu. Lần đầu tiên xuất khẩu vượt 62 tỷ đô la Mỹ”- đồng chí Lương Quốc Đoàn chia sẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, cuộc đối thoại chủ yếu nhằm tri ân nông dân, hợp tác xã, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhất là lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.

Theo Thủ tướng, hiện chúng ta đang rà soát việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những mục tiêu đã làm tốt thì làm tốt hơn nữa và nâng cao chất lượng, hiệu quả. Những mục tiêu chưa làm tốt, khó hoàn thành thì cần nỗ lực hơn, có giải pháp phù hợp. Việc đối thoại, trao đổi cũng góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phục vụ kiến tạo phát triển, tăng cường lắng nghe để hoạch định, thực thi chính sách, thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn và thuận lợi, phát huy truyền thống tốt đẹp, hiệu quả tích cực trong năm qua.

Thủ tướng nêu rõ, cả nước đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh, gọn, mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng với khí thế mới để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh, văn minh, hùng cường, thịnh vượng. Trong năm 2025, cả nước cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, mạnh mẽ, tự tin hơn để bước vào kỷ nguyên mới; nắm chắc, bám sát tình hình tình hình thế giới và khu vực, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tình hình tốt không quá lạc quan, tình hình xấu cũng không quá bi quan.

Năm 2025 phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, Ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nông dân cũng phải tăng tốc bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra nhằm tạo đà, lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tri ân, tương tác, chia sẻ, tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025. Trong đó, chia sẻ về ấn tượng, cảm xúc về thành quả của năm 2024; những trăn trở, băn khoăn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân; hiến kế, góp ý với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý để cùng nhau xây dựng đất nước, phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…

Hơn 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 được tổ chức với nhiều nét mới. Để tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngoài các kênh truyền thống như: Chuyên mục "Lắng nghe nông dân", qua báo cáo của các tỉnh, thành Hội… thì trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua để lắng nghe ý kiến trực tiếp của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước. Kết quả, đã có khoảng hơn 2.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong số hơn 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy tổ chức liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay mà như Trung ương đã đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước phải hình thành được gần 200.000 hợp tác xã, tổ hợp tác với 10 triệu thành viên tham gia.

Thứ hai, Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trong đó đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thứ ba, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác, từ đó hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng có hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ năm, Nhà nước cần ban hành các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thứ sáu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai nhanh, hiệu quả các mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11/5/2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội NDVN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì và giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt trực tiếp tổ chức thực hiện. Hội nghị lần thứ nhất tổ chức ngày 9/4/2018 tại tỉnh Hải Dương. Chủ đề: "Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới".

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ hai được tổ chức tại TP. Cần Thơ vào ngày 10/12/2019 với chủ đề: "Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản". Hội nghị có 700 đại biểu tham dự, trong đó có 400 nông dân. Gần 1.500 câu hỏi được gửi tới Thủ tướng. Sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 942/VPCP-QHĐP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ gửi các bộ, ngành chức năng, các địa phương khẩn trương triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ ba được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày 28/9/2020 với chủ đề: "Cùng nỗ lực vượt thách thức, giữ vững đà tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ tư được tổ chức tại TP.Sơn La (tỉnh Sơn La) với chủ đề: Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Sau Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 4817/VPCP-QHĐP gửi các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân sau Hội nghị.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ năm được tổ chức tại Văn phòng Chính phủ (Hà Nội) ngày 30/12/2023 với chủ đề: "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".