Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: ĐẨY MẠNH ĐỐI NGOẠI QUỐC PHÒNG LÊN TẦM CAO MỚI!

    Với sự tham gia của 66 đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia, tham gia trưng bày, giới thiệu các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí... Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (tổ chức từ ngày 19 đến 22/12, tại Hà Nội) là sự kiện đặc biệt trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)!

Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bài phát biểu quan trọng tại lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia ưa chuộng hòa bình, trọng nghĩa, trọng tình, trọng lẽ phải trong các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Là quốc gia đã trải qua nhiều đau thương, hi sinh, mất mát do chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của tình hữu nghị, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế. Lần đầu là vào năm 2022, với sự tham gia của 175 công ty công nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng của 31 quốc gia và đã có 25.000 khách tham quan chuyên ngành, 300 đoàn đại biểu trong nước, 52 đoàn đại biểu quốc tế đến dự trong 2 ngày mở cửa; triển lãm có sự tham gia của 66 đoàn đại biểu quốc tế và hơn 240 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 38 quốc gia.

Chính vì thế, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam, cả lần 1 và lần 2 này, đều có ý nghĩa rất đặc biệt trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc phòng của Việt Nam, thể hiện sinh động quan điểm của Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Trong thực tế Cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, quốc phòng an ninh và đối ngoại luôn là vấn đề có tầm quan trọng chiến lược. Sự kết hợp của hai vấn đề này là tất yếu khách quan và cũng là yêu cầu cấp thiết đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. 

Ở các kỳ đại hội gần đây nhất, Đảng ta cũng thể hiện rất rõ quan điểm này. Cụ thể, ở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (tổ chức từ ngày 20 đến 28/1/2016) với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, văn kiện đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại”, đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định, để bảo vệ và phát huy những thành quả đạt được, chúng ta cần phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó, đối ngoại quốc phòng được coi là kế sách “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình, đồng thời “nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế”.

Về định hướng hội nhập quốc tế, trong Nghị quyết số 22-NQ/TW ban hành ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương về quốc phòng, an ninh với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống”, “Chủ động và tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh mà nước ta là thành viên, trước hết là các cơ chế trong khuôn khổ ASEAN và do ASEAN làm chủ đạo”. 

Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2013, “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, trong đó nhấn mạnh, hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là định hướng, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình. Thực hiện hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng cả song phương và đa phương đi vào chiều sâu, ổn định, vững chắc.

Những định hướng và mục tiêu như thế cũng đều được khẳng định rõ qua các văn bản quan trọng gần đây, như Nghị quyết số 34-CT/TW (ngày 9/1/2023) của Bộ Chính trị, “về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”; Kết luận số 53-KL/TW (ngày 28/4/2023) của Bộ Chính trị “về Chiến lược hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 44-NQ/TW (ngày 24/11/2023) của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, “về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. 

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ của đối ngoại quốc phòng là: đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác, tạo thế đan xen lợi ích và tăng độ tin cậy. 
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xuất bản năm 2022, cũng nhấn mạnh: “Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”.

Đây là những định hướng cơ bản, tạo nền tảng vững chắc góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng lên tầm cao mới, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Trong thực tiễn, kiên trì với định hướng hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối ngoại quốc phòng với hơn 100 quốc gia. Việt Nam cũng đã đặt 33 cơ quan Tùy viên quốc phòng thường trú tại các nước và tại trụ sở Liên hợp quốc. Cùng với đó, tại Việt Nam cũng đã có 52 nước đặt cơ quan Tùy viên quốc phòng hoặc Tùy viên quân sự. 516 lượt cán bộ, nhân viên đã được Việt Nam cử tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc, các phái bộ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi... Đây là những điểm sáng trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia chủ động, tích cực tham gia ngay từ đầu đối với các cơ chế quốc phòng, quân sự, đặc biệt trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Các đề xuất, sáng kiến hợp tác của Việt Nam tại các hội nghị này luôn được các nước đánh giá cao và đã chứng minh được hiệu quả khi triển khai trên thực tế. Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong hợp tác quốc phòng, quân sự ASEAN.

Tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh chính là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện chiến lược “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” trong thời kỳ mới mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Khóa XIII đã xác định: Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là sự nghiệp của toàn dân, trong đó lực lượng Quân đội, Công an là nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. 

“Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” chính là nói đến nhận thức về những nguy cơ đối với vận mệnh dân tộc, trong đó có cả những nguy cơ từ bên trong và bên ngoài. Từ nhận thức sẽ đi đến chiến lược và hành động cụ thể. Ông cha ta vốn có rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc đối ngoại, mềm dẻo trong bang giao để tránh chiến tranh cho đất nước. 

Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024 và quyết nghị những chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025, do Quân ủy Trung ương tổ chức ngày 16/12, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương lưu ý phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo đúng tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh việc tăng cường lòng tin chiến lược với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống; nâng cao tự lực, tự chủ, tự cường góp phần nâng tầm vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét