Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

 

Đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện phản văn hóa trong Quân đội hiện nay

Ngày 02/11/2021200

Văn hóa trong Quân đội là sự hòa quyện các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam với những đặc trưng văn hóa của hoạt động quân sự. Để đạt mục tiêu “phi chính trị hóa” Quân đội, các thế lực thù địch gia tăng hoạt động chống phá Quân đội với các thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Do vậy, chủ động đấu tranh ngăn ngừa mọi biểu hiện phản văn hóa để Quân đội luôn là môi trường mẫu mực, điển hình về văn hóa và là trung tâm giáo dục, rèn luyện bộ đội về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.

Nhận diện những biểu hiện phản văn hóa trong Quân đội

Để nhận diện được các biểu hiện phản văn hóa, đòi hỏi mỗi người phải nâng cao nhận thức tới tầm lý trí, hòa nhập vào tư duy khoa học đạt tới sự trưởng thành của ý thức. Các biểu hiện phản văn hóa xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống, dưới rất nhiều diện mạo khác nhau, thường thể hiện ở những biểu hiện về lối sống, cách ứng xử về tính cá nhân, ích kỷ, vụ lợi xảy ra trong xã hội. Biểu trưng đầu tiên của các hiện tượng phản văn hóa là nó đứng về phía cái sai, nhân danh cái sai, ủng hộ, cổ vũ cho cái sai, ra sức trấn áp, hù dọa cái đúng. Phản văn hóa thường xuất hiện từ cái sai, cái phản khoa học, chống lại công lý và chân lý.

Ở các đơn vị quân đội, bên cạnh hệ giá trị văn hóa phản ánh sâu sắc các chuẩn giá trị chân, thiện, mỹ cũng tồn tại các biểu hiện phản văn hóa. Đặc biệt, trước những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường trong xu thế hội nhập và sự phát triển của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, các biểu hiện phản giá trị văn hóa đang hằng ngày, hàng giờ tác động, thẩm lậu vào trong môi trường văn hóa quân sự. Nổi lên là những biểu hiện tiêu cực, như: bệnh thành tích, không trung thực, thiếu khách quan, minh bạch; một bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, chế độ quy định của đơn vị. Các chuẩn mực văn hóa ứng xử giữa cấp trên và cấp dưới, tình đồng chí, đồng đội có biểu hiện nhạt phai vẫn xảy ra, thiếu đi sự chuẩn mực trong mối quan hệ qua lại giữa quân nhân và tập thể quân nhân; xen vào đó là những quan hệ do lợi ích vật chất chi phối, v.v. Những giá trị phản văn hóa đó tác động không chỉ làm cho một số cán bộ, chiến sĩ, nhạt phai mục tiêu, lý tưởng, xa rời đạo đức cách mạng, mà còn làm suy giảm uy tín, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

Cảnh giác, đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện phản văn hóa ở các đơn vị trong Quân đội hiện nay

Quân đội với vai trò là trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ cả về lý tưởng, phẩm chất, năng lực, lối sống, thì không thể để cho sự tồn tại của những biểu hiện phản văn hóa len lỏi trong môi trường hoạt động quân sự. Hiện nay, bên cạnh những tiêu cực bên ngoài xã hội tác động đến tâm lý, tình cảm của bộ đội, thì các thế lực thù địch ra sức lợi dụng không gian mạng, dùng mọi thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm hiểm nhằm thẩm thấu những nội dung văn hóa xấu độc vào trong môi trường quân đội, hòng làm cho cán bộ, chiến sĩ chạy theo ham muốn tầm thường, từ đó nhạt phai lý tưởng, xa rời mục tiêu chiến đấu, v.v. Bởi vậy, nhận diện, nêu cao cảnh giác và đấu tranh ngăn ngừa các biểu hiện phản văn hóa ở các đơn vị hiện nay cần được tiến hành chủ động, tích cực, kiên quyết với những giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục, bồi đắp giá trị văn hóa làm chuyển biến từ nhận thức tới hành động cho cán bộ, chiến sĩ. Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”1, các đơn vị cần tập trung giáo dục lòng tự hào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bồi đắp phẩm chất nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa, người quân nhân cách mạng. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; coi trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống và kỹ năng sống; giáo dục pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị, nhất là nội dung về xây dựng nền nếp chính quy; gắn giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng với hoạt động huấn luyện, rèn luyện bộ đội. Cùng với giáo dục, bồi đắp các chân giá trị văn hóa, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đấu tranh phê phán những biểu hiện lệch chuẩn giá trị, những thói hư, tật xấu. Tổ chức tốt phong trào Thi đua Quyết thắng, thực hiện hiệu quả là Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) và Chỉ thị số 87-CT/QUTW, ngày 08/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội”. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa sự phản văn hóa, thực hiện phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “cái đẹp” dẹp “cái xấu”. Thời gian qua, Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị Quân đội” đã góp phần quán triệt, hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người mới xã hội chủ nghĩa trong toàn bộ đời sống của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, bồi đắp, củng cố, phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Tuy nhiên, vẫn còn “Một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị và cơ quan chức năng chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ vai trò, ý nghĩa, tính toàn diện và mục tiêu của Cuộc vận động”2. Trước yêu cầu mới, để Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị Quân đội” đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, cần tập trung xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú; hướng mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ tới những chuẩn mực giá trị văn hóa trong môi trường văn hóa quân sự. Xây dựng các quan hệ văn hóa văn minh, lành mạnh; trong đó, coi trọng các giá trị đạo đức, làm nền tảng vững chắc cho thực hành đạo đức, thực hành văn hóa chính trị của cán bộ, chiến sĩ, mà cốt lõi nhất là quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng chí đồng đội. Tích cực xây dựng thiết chế, cảnh quan văn hóa hài hòa, thân thiện, hiện đại tạo nên cả diện mạo cũng như chiều sâu của đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng với nhu cầu sáng tạo, tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của bộ đội.    

Ba là, phát huy vai trò nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên. Giá trị văn hóa nhân cách ở mỗi cá nhân được hình thành, phát triển tuân theo quy luật về sự tích hợp và lan tỏa văn hóa. Nêu gương về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có tác dụng lan tỏa rất lớn trong giáo dục, định hướng giá trị văn hóa nhân cách của cán bộ, chiến sĩ. Nhận rõ vai trò của nêu gương trong lãnh đạo, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”3. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm Quy định số 101-QÐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08i-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Nội dung là toàn diện, song trọng tâm là: đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc là chuẩn mực quan trọng. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, đảng viên, mà trước hết là cán bộ chủ trì, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải không ngừng học tập và thực hành đạo đức cách mạng, “đi trước”, làm gương cho quần chúng về đạo đức, tri thức, phong cách và tinh thần trách nhiệm cao cả đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa nhân cách đến bộ đội.

Bốn là, nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của hệ thống chỉ huy, tăng cường kiểm tra xử lý các biểu hiện vi phạm. Đây là giải pháp nhằm ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ bên ngoài, kịp thời phát hiện, xử lý các biểu hiện phản văn hóa nảy sinh trong đơn vị. Nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của hệ thống chỉ huy các cấp cần được tiến hành một cách đồng bộ: từ việc đổi mới, hoàn thiện các quy chế, quy định đến vận hành hệ thống chỉ huy, quản lý hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cần làm tốt từ công tác tuyển sinh đầu vào, tuyển quân hằng năm; kiên quyết không để các đối tượng không đủ tiêu chuẩn “lọt” vào cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở tiêu chí chung, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa và xây dựng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức về văn hóa công vụ riêng cho ngành mình trong xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa văn hóa, đạo đức với pháp luật cho mọi quân nhân. Thực hiện tốt các quy chế, quy định trong giáo dục chính trị, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và các chế độ quy định của đơn vị, nhất là quy định về tham gia mạng xã hội của quân nhân: không truy cập trang tin xấu độc, không bình luận tán đồng, ủng hộ quan điểm, luận điệu tiêu cực, sai trái trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, v.v. Coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội, duy trì thực hiện tốt các khâu, các bước: nắm, quản lý, dự báo, định hướng và xử lý tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ chính trị nội bộ, tổ chiến sĩ bảo vệ ở đơn vị; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, nhất là vi phạm đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ ” đã có nền tảng ngay từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nét đẹp văn hóa đó được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội hãy góp sức mình để nét đẹp truyền thống đó ngày càng được bồi đắp, trở thành giá trị vĩnh hằng. Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, không để “con sâu làm rầu nồi canh”; nêu cao cảnh giác nhận diện và đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng với mọi biểu hiện phản văn hóa, không để văn hóa xấu độc thâm nhập vào đơn vị. Việc này, cần sự vào cuộc của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và mọi cán bộ, chiến sĩ để lưu giữ và nhân lên giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, góp phần “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét