Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

 GHI SÂU LỜI BÁC DẠY: “HỌC MÃI ĐỂ TIẾN BỘ MÃI”

Là người cha thân yêu của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mọi mặt của Quân đội, trong đó có vấn đề học tập. Người thường xuyên chỉ ra ý nghĩa to lớn của việc học tập trong Quân đội. Tháng 4-1948, trong Thư gửi Quân sự Tập san, Người viết: “Muốn trở nên người quân nhân mới, xứng đáng với cái vinh hạnh đứng trong quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì mỗi chiến sĩ, từ trên đến dưới, các cấp bậc đều phải nghiên cứu, học tập, luôn luôn cầu tiến bộ”. Người phân tích rất sâu sắc trong Thư cho “Quân nhân học báo” (4-1949): Quân nhân phải biết võ và văn mới là quân nhân hoàn toàn, một quân đội văn hay, võ giỏi, là một quân đội vô địch mà muốn được như vậy thì phải thi đua học tập. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh việc học tập không bao giờ cùng, muốn tiến bộ mãi thì phải học tập mãi và càng tiến bộ thì càng phải học tập thêm. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở Quân đội phải học tập thường xuyên, toàn diện, bộ đội đã biết đọc, biết viết, phải gắng sức học thêm, học cao hơn nữa; bộ đội phải học làm tính, học chính trị, học lịch sử, học khoa học thường thức… Tháng 5- 1957, tại Lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của các tổng cục, Người nói: “Kỹ thuật hiện đại càng ngày càng tiến, không gắng học tập thì sẽ lạc hậu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nhiều biện pháp thiết thực để việc học tập của Quân đội đạt chất lượng tốt. Đó là: Các cấp trên khéo cổ động, các chính trị viên khéo tổ chức và các binh sĩ đều hăng hái học hành. Người yêu cầu: Mỗi cơ quan, bộ đội, đoàn thể phải tiến hành tổ chức một ủy ban học tập, do cán bộ cao cấp lãnh đạo và do các cấp cử đại biểu tham gia. Ngay từ tháng 5 - 1948, Hồ Chí Minh gửi thư căn dặn Trường Trần Quốc Tuấn, nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Trường Đại học Trần Quốc Tuấn), nhắc nhở phải gắn học tập với Phong trào Thi đua yêu nước, Thi đua Quyết thắng: “Trong lúc này có phong trào Thi đua yêu nước của toàn dân. Vậy nên ở trường cũng phải có cuộc thi đua yêu nước. Giáo viên thi đua tìm cách dạy cho dễ hiểu, cho chóng tiến bộ. Học sinh thì thi đua học cho chóng, cho nhiều, cho tốt”. Đồng thời, Người căn dặn bộ đội phải là một người tuyên truyền, bộ đội cần phải ra sức giúp đồng bào trong công việc bình dân học vụ, cũng như trong những công việc khác.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong học tập mà bộ đội cần phòng tránh, sửa chữa khắc phục. Người nhắc nhở trong học tập bộ đội không được tự kiêu, tự mãn, giấu dốt, không được xao nhãng việc học tập quân sự. Ngày 15-9-1948, Hồ Chí Minh viết trong Thư gửi các tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích Nam Bộ: “Song công tác chính trị, sự trao đổi kinh nghiệm, sự học hỏi trong bộ đội còn chưa đủ. Địa phương chủ nghĩa, anh hùng cá nhân, bản vị chủ nghĩa, hãy còn tồn tại ở một vài nơi, và một vai cấp chỉ huy. Đó là những khuyết điểm phải sửa chữa”. 

Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có chỉ đạo đúng đắn, trực tiếp việc học tập trong Quân đội và được Quân đội ta thực hiện rất hiệu quả. Điển hình là việc Quân đội cùng đồng bào cả nước diệt giặc dốt ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời cũng như trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Giữa bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức quan tâm sát sao đến việc Quân đội tham gia tiêu diệt giặc dốt. Người chỉ ra dốt nát cũng là kẻ địch và yêu cầu bộ đội phải đánh thắng giặc dốt nát. Người biểu dương, khen ngợi những đơn vị Quân đội chiến thắng giặc, chỉ ra những cách làm hiệu quả trong nhiệm vụ quan trọng này. Ngày 24-2-1948, trong Thư gửi toàn thể bộ đội Khu II và Khu III, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương: “Tất cả binh sĩ trong các bộ đội ở Khu II và Khu III đều biết đọc và biết chữ quốc ngữ. Thế là tốt lắm. Đó là một thắng lợi to cho Quân đội ta, cho Chính phủ ta, cho dân tộc ta”. Người đánh giá cao ý nghĩa to lớn của việc bộ đội đánh thắng giặc dốt “là tiêu diệt được một lực lượng hậu thuẫn của thực dân”. 

80 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không ngừng học tập rèn luyện, thực hiện đúng 10 Lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có lời thề thứ 4: “Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, triệt để chấp hành điều lệnh, điều lệ, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và tác phong chính quy, xây dựng Quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu”. Trong những năm vừa qua, Quân đội đã không ngừng nâng cao chất lượng học tập về mọi mặt, gắn học tập với Phong trào Thi đua quyết thắng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tích cực đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trách nhiệm, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng ta là phải tiếp tục học tập rèn luyện để góp phần thiết thực vào việc thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024): “Chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn quân, nhất là việc đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống tốt đẹp của Đảng, của dân tộc, Quân đội và đơn vị; góp phần xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhận rõ đối tác, đối tượng, các âm mưu, thủ đoạn chống phá; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; gương mẫu đi đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”./.

CÔNG MINH

Đ21/HạtLửa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét