Cách mạng xã hội
chủ nghĩa là một phạm trù cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, là con đường
cách mạng, khoa học để thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đồng
nghĩa với phạm trù cách mạng xã hội chủ nghĩa, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác
- Lênin còn sử dụng một số thuật ngữ khác có thể thay thế nó như cách mạng vô sản,
cách mạng cộng sản chủ nghĩa,… Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu cách mạng
xã hội chủ nghĩa theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng.
Theo
nghĩa hẹp, cách mạng xã hội chủ
nghĩa là một cao trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân
lao động mà lực lượng tiền phong là giai cấp vô sản thông qua sự lãnh đạo của
chính đảng nhằm lật đổ giai cấp tư sản, giành chính quyền và thiết lập nhà nước
chuyên chính vô sản. Cách mạng xã hội chủ
nghĩa theo nghĩa hẹp thường gắn với giai đoạn đấu tranh giành chính quyền của
giai cấp công nhân, lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản và kết thúc khi
giai cấp công nhân cùng với nhân dân lao động giành được chính quyền, thiết lập
nhà nước chuyên chính vô sản. Cũng
như những cuộc cách mạng xã hội khác, vấn đề chính quyền nhà nước là vấn đề cơ
bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Chính quyền nhà nước nhất định
là vấn đề chủ yếu nhất của mọi cuộc cách mạng. Giai cấp nào giữ chính quyền? Điều
đó quyết định tất cả”[1]. Ngoài ra, những nội dung cách mạng
trên các lĩnh vực cụ thể như chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở từng giai
đoạn tiếp theo kể từ khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, tiến hành
cải tạo xã hội cũ, từng bước xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa cũng được quan
niệm đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa theo nghĩa hẹp.
Theo nghĩa rộng, cách mạng xã hội chủ nghĩa là quá trình cải biến
cách mạng toàn diện, triệt để, lâu dài do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua
chính đảng của mình nhằm lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, từng bước cải
tạo xã hội tư bản chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa
cộng sản. Như vậy, theo nghĩa rộng, để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng chuyển biến
chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa lên chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, giai cấp
công nhân phải lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động giành chính quyền, thiết lập
chuyên chính vô sản, từng bước cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới trên tất
cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Quá trình này chỉ kết thúc
khi giai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân lao động tạo lập được đầy đủ cơ sở vật
chất kỹ thuật, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội phát triển trên những cơ sở của
chính nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét