Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa

 


Cách mạng xã hội chủ nghĩa diễn ra là tất yếu khách quan do những mâu thuẫn về kinh tế, chính trị, xã hội trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa quy định, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn về kinh tế và xã hội. Về kinh tế, đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất phát triển có tính chất xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Đây là mâu thuẫn khách quan hình thành ngay từ khi ra đời phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, được tích tụ trở thành mâu thuẫn cơ bản, biểu hiện ngày càng gay gắt và tạo ra tiền đề phủ định chế độ tư bản chủ nghĩa: “Tư liệu sản xuất và sản xuất, về thực chất, đã biến thành có tính chất xã hội; nhưng chúng vẫn phải lệ thuộc vào một hình thức chiếm hữu lấy sản xuất riêng rẽ của người sản xuất cá thể làm tiền đề... Cái mâu thuẫn ấy, cái mâu thuẫn đã mang lại tính chất tư bản chủ nghĩa cho phương thức sản xuất mới, đã chứa đựng sẵn những mầm mống của mọi xung đột hiện nay[1]. Sự phù hợp thực sự với tính chất xã hội hóa ngày càng ở trình độ cao của lực lượng sản xuất chỉ có thể là sự thay thế quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa thông qua cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa. Cái vỏ đó vỡ tung ra. Giờ tận số của chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ đi tước đoạt bị tước đoạt”[2].

Về xã hội, đó là mâu thuẫn đối kháng không thể điều hòa giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Đây chính là biểu hiện về mặt xã hội của mâu thuẫn về kinh tế trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa: “Mâu thuẫn giữa sự sản xuất xã hội và sự chiếm hữu tư bản chủ nghĩa biểu hiện thành sự đối kháng giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản[3]. Dưới chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản về cơ bản không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho giai cấp tư sản và bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư. Sự đối lập về lợi ích cơ bản giữa hai cấp này không thể dung hòa và giải quyết triệt để trong khuôn khổ chật hẹp của chủ nghĩa tư bản, mà chỉ có thể giải quyết thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Giai cấp vô sản đoạt quyền lực xã hội và nhờ quyền lực ấy, biến những tư liệu sản xuất xã hội đã thoát khỏi tay giai cấp tư sản, thành sở hữu của toàn xã hội. Bằng hành vi ấy, giai cấp vô sản làm cho những tư liệu sản xuất thoát khỏi tính chất là tư bản trước kia của chúng, làm cho tính chất xã hội của tư liệu sản xuất được hoàn toàn tự do phát triển[4].



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 311.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 1059.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 312.

[4] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 333.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét