Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Tính tất yếu ra đời của Đảng Cộng sản

 


Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là khách quan, song để biến khả năng khách quan đó thành hiện thực phải thông qua nhân tố chủ quan, trong đó, việc tổ chức ra một chính Đảng mác xít chân chính, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân là nhân tố quyết định nhất.

Nền sản xuất đại công nghiệp ngày càng phát triển hiện đại, thì năng lực lao động trí tuệ và trình độ mọi mặt của giai cấp công nhân càng được nâng cao. Trong xu thế phát triển khách quan ấy đã quy định giai cấp công nhân là lực lượng xã hội có đủ khả năng để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, đại biểu cho xu hướng phát triển của lịch sử vượt qua giới hạn của chủ nghĩa tư bản để tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Với tư cách là chủ thể của sứ mệnh lịch sử, giai cấp công nhân cần phải đạt tới trình độ giác ngộ cao về chính trị. Phẩm chất này được thể hiện trước hết ở trình độ giác ngộ về giai cấp. Giai cấp công nhân phải hiểu biết ở tầm lý luận về “mình là gì và cần phải làm gì với lịch sử” được tập trung trong nhận thức về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Sự phát triển của phong trào công nhân phụ thuộc vào sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong phong trào công nhân. Nó sẽ đạt tới trình độ tự giác chỉ khi phong trào công nhân thực sự là một phong trào chính trị có mục tiêu đấu tranh thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, việc giai cấp công nhân tổ chức được một chính đảng của mình là dấu hiệu đã trở thành giai cấp tự giác và trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thực hiện sứ mệnh lịch sử. Về mặt thực tiễn, những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên. Về mặt lý luận, họ hơn bộ phận còn lại của giai cấp vô sản ở chỗ là họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản[1].

Quá trình ra đời của Đảng Cộng sản là quá trình thâm nhập chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân, làm cho một bộ phận công nhân tiên tiến nắm được lý luận, giác ngộ sứ mệnh lịch sử của giai cấp, dẫn tới sự hình thành chính Đảng cách mạng - lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu, đội tiên phong của giai cấp công nhân. C.Mác đã nhấn mạnh: “Trong cuộc đấu tranh của mình chống lại quyền lực liên hợp của giai cấp hữu sản, giai cấp vô sản chỉ khi nào tự tổ chức được thành một chính đảng độc lập để đối lập với tất cả mọi chính đảng cũ do các giai cấp hữu sản lập ra, thì mới có thể hành động với tư cách giai cấp được”[2]. V. Lênin cũng đã chỉ ra rằng, Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Đó là quy luật chung, phổ biến cho sự ra đời Đảng Cộng sản của giai cấp công nhân trên thế giới. Tuy nhiên, con đường kết hợp này lại phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của từng nước. Theo V.Lênin, trong tất cả các nước, đã có thời kỳ phong trào công nhân và chủ nghĩa xã hội tồn tại biệt lập với nhau, mỗi bên đi theo con đường riêng biệt của mình và trong tất cả nước, sự biệt lập ấy đã làm yếu cả chủ nghĩa xã hội lẫn phong trào công nhân. Trong tất cả nước, chỉ có sự kết hợp chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân đem lại cơ sở vững vàng cho cả hai bên. Nhưng ở mỗi nước, sự kết hợp chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân đã được diễn ra với tính chất lịch sử, theo con đường riêng biệt, phụ thuộc vào những điều kiện địa phương và thời gian. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, ở Việt Nam “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”[3].



[1] C.Mác và Ph.Ăng ghen, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 614-615.

[2] C.Mác và Ph.Ăng ghen, Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 1995, tr. 203.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2011, tr. 406.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét