Đại dịch COVID-19 ảnh
hưởng sâu sắc đến nhiều mặt hoạt động của con người, đến kinh tế - xã hội của đất
nước. Trong điều kiện đó, các cấp công đoàn đã có sự chủ động, sáng tạo trong
thực hiện công tác tuyên truyền, đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã
hội; góp phần ổn định tâm trạng, tư tưởng làm việc cho người lao động. Những kết
quả đó gia tăng cơ sở thực tiễn cho yêu cầu nâng cao chất lượng công tác tuyên
truyền của tổ chức Công đoàn Việt Nam thông qua mạng xã hội trong giai đoạn hiện
nay.
TRUYỀN THÔNG QUA MẠNG
XÃ HỘI TRONG ĐẠI DỊCH: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI GIỮA ĐOÀN VIÊN VƠI CÔNG ĐOÀN..
Trong diễn biến phức
tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19, nhất là đợt dịch bùng phát 6 tháng đầu
năm 2021 đã ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân lao động; trong đó, có những tác
động lớn đến khả năng, cách thức tiếp nhận thông tin, truyền thông. Nhiều công
nhân sống trong khu phong tỏa và cách ly y tế; không ít công nhân làm việc 3 tại
chỗ theo sự sắp xếp của doanh nghiệp,… khiến cho việc nắm bắt tư tưởng và tổ chức
tuyên truyền, vận động của công đoàn khó khăn. Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ
phát triển với tốc độ nhanh chóng khiến thói quen tiếp nhận thông tin của công
nhân thay đổi liên tục. Trong bối cảnh đó, truyền thông qua mạng xã hội, vốn
đang có sự phát triển mạnh mẽ trong công nhân, công đoàn, càng thể hiện rõ vai
trò của mình trong kết nối giữa công nhân và công đoàn.
Theo Liên đoàn Lao động
tỉnh Trà Vinh thì có trường hợp người lao động quê Trà Vinh mắc kẹt trong khu
phong tỏa gửi tin nhắn lên trên fanpage Công đoàn tỉnh Trà Vinh, nội dung “Chị
em là công nhân nghỉ không lương. Thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa theo Chỉ thị
16, em cũng đã hết tiền. Em mong LĐLĐ xem xét hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm”. Sau
tin nhắn, LĐLĐ tỉnh Trà Vinh đã liên hệ, đề nghị LĐLĐ TP. Thủ Đức giúp đỡ. Kết
quả, không chỉ công nhân mà cả dãy trọ đều được hỗ trợ, mỗi người 10kg gạo, 1
thùng mì, gia vị và rau củ. Công nhân gửi lời cảm ơn sâu sắc đến công đoàn.
Trong thời gian vừa
qua, thông tin xấu độc cũng xuất hiện càng nhiều, nhất là các thông tin về công
nhân là F0 được phát hiện qua công tác khám sàng lọc; các trường hợp F1 chưa được
cách ly và các tử vong… Những thông tin đó khiến công nhân hoang mang, lo lắng,
dẫn đến một số hành động có thể gây hậu quả không lường, như vi phạm pháp luật,
lây lan dịch bệnh... Đồng thời tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng chống
phá, kích động công nhân. Cùng với báo chí chính thống thì truyền thông mạng xã
hội trở thành công cụ hữu hiệu trong hướng lái, chỉ dẫn về ứng xử với thông tin
sai lệch, tin giả nêu trên.
Xuất hiện đầu tiên ở
Hải Dương, công nhân Công ty TNHH Poyun Việt Nam có hành vi trèo tường ra khỏi
khu vực công ty sau khi thực hiện lệnh phong tỏa. Tương tự tại Bình Dương, công
nhân Công ty TNHH Ampacs International thuộc KCN Bàu Bàng; tại Tây Ninh là công
nhân công ty TNHH Billion thuộc KKT Tây Ninh xảy ra cảnh công nhân xô cổng chạy
ra ngoài khi công ty đang phối hợp cơ quan y tế test nhanh COVID-19 cho công
nhân và nghi có ca F0.
Các cấp công đoàn đã
chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để nhanh chóng ổn định tâm lý,
tư tưởng làm việc cho công nhân. Cùng với đó là công khai thông tin về chính
sách hỗ trợ khi công nhân phải cách ly y tế và việc doanh nghiệp thực hiện các
biện pháp đảm bảo an toàn cho công nhân.
Trong dịch bệnh, việc
thực hiện phong tỏa và cách ly xã hội trong một khoảng thời gian nhất định đã,
đang tác động không nhỏ đến đời sống người dân, trong đó có công nhân. Không có
thu nhập trang trải tiền điện, tiền nước, tiền thuê nhà trọ, tiền sinh hoạt hằng
ngày; thiếu lương thực, thực phẩm, ... là vấn đề đã và đang xảy đến với công
nhân. Các cấp công đoàn đã chủ động lắng nghe, thực hiện đồng bộ các giải pháp
từ xác minh, cung cấp địa chỉ tiếp nhận, giải quyết phản ánh của công nhân đến
thông tin về hoạt động, chính sách hỗ trợ của công đoàn.
Bài học kinh nghiệm
từ Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và hiện nay là các tỉnh, thành phố khu vực
phía Nam cho thấy, các cấp công đoàn đang thực hiện có hiệu quả giải pháp truyền
thông từ trong ra ngoài để phù hợp các điều kiện cho phép của tổ chức công đoàn
và với công tác phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, đã sử dụng sức mạnh nội bộ
là cán bộ, đoàn viên công đoàn vừa là nguồn tin, vừa là kênh thông tin, vừa
tham gia quá trình phân phối tin tức.
LAN TỎA HÌNH ẢNH
CÔNG ĐOÀN SÁT CÁNH BÊN NGƯỜI LAO ĐỘNG
Các cấp công đoàn đã
và đang tích cực nhân rộng những người tốt việc tốt, mô hình tốt, hoạt động tốt
trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Những
hành động ấn tượng của cán bộ công đoàn xông pha vào các khu phong tỏa để tiếp
tế lương thực, thực phẩm, thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với
đoàn viên, người lao động… liên tục được kể lại thông qua câu chuyện hình ảnh của
chính họ, của những người đồng hành với họ và những người được thụ hưởng lợi
ích từ những việc làm của họ.
Đó là, các cán bộ
công đoàn khu công nghiệp Long An với thông điệp “Sẽ ổn thôi”, “cố lên bạn ơi”…
được viết lên 800 quả trứng gà trong 1 đêm để sáng hôm sau đưa đến khu cách ly
cho công nhân; đó là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh làm “bếp
trưởng” chương trình “Bếp ăn yêu thương” phục vụ bữa ăn dinh dưỡng cho công
nhân, lao động khu phong tỏa; đó là 2.095 lượt cán bộ, đoàn viên công đoàn TP.
Hồ Chí Minh đi chợ giúp người lao động hay những “đêm trắng” của cán bộ công
đoàn Bình Dương để chuẩn bị những phần quà hỗ trợ đoàn viên, người lao động
trong khu phong tỏa...
Chính điều này đã
giúp công nhân lao động và dư luận xã hội hiểu đúng, thông cảm, chia sẻ, cộng đồng
trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, giúp công
nhân yên tâm ở nơi phong tỏa, chia sẻ vật chất, tinh thần với nhau và tin tưởng
vào công tác phòng chống COVID – 19 của Đảng, Nhà nước.
Các cán bộ công đoàn
đã chủ động tiếp cận, giao tiếp với công nhân lao động qua các kênh truyền
thông xã hội. Ở mỗi trang, nhóm mạng xã hội, phổ biến là facebook, công nhân phản
ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất hỗ trợ đều được cán bộ công đoàn tiếp nhận,
xác minh để giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ
để thực hiện nhiệm vụ kết nối, chủ động cung cấp thông tin, kịp thời xử lý các
vấn đề khó khăn của công nhân, lao động.
Tại Bắc Giang, công
đoàn cơ sở sử dụng tài khoản facebook để cập nhật thông tin của người lao động,
hoạt động hỗ trợ của công đoàn và doanh nghiệp; phân công mỗi tổ trưởng, tổ phó
công đoàn là một đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin của đoàn viên. Tại
Đồng Nai, Liên đoàn Lao động tỉnh công khai địa chỉ tiếp nhận thông tin phản
ánh, đề nghị hỗ trợ của người lao động bị khó khăn do COVID - 19. Tại TP. Hồ
Chí Minh, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 phản ánh qua cổng
thông tin 1022… Cán bộ công đoàn cập nhật thường xuyên chia sẻ thông tin về thời
gian, địa điểm, cách thức cấp phát cho công nhân lên các trang mạng xã hội ở địa
phương.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ
TRUYỀN THÔNG QUA MẠNG XÃ HỘI
Rõ ràng, trong tình
hình hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội
để tuyên truyền hiệu quả, coi mạng xã hội là một kênh/công cụ tuyên truyền quan
trọng. Bối cảnh truyền thông trong đại dịch COVID-19 càng khẳng định vị trí,
vai trò của truyền thông qua mạng xã hội; nhất là trong những tình huống mà các
phương thức truyền thông khác gặp những trở ngại khách quan do tình hình, tác động
của các yếu tố cản trờ, nhiễu,…
Một trong những nhiệm
vụ quan trọng nhất trong công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn Việt Nam
được xác định là: Chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động Công đoàn, chú trọng
công tác định hướng thông tin trên Internet và mạng xã hội. Việc sử dụng mạng
xã hội để truyền thông cần bảo đảm các yêu cầu: Thể hiện rõ nguyên tắc tính đảng,
tính giai cấp, tính khoa học; kiên quyết đứng trên lập trường của giai cấp công
nhân và nhân dân lao động; Xây dựng được đội ngũ trung kiên, lực lượng nòng cốt
để lan tỏa truyền thông; Phát huy năng lực, vai trò của các tổ chức, cá nhân có
nhiệm vụ tuyên truyền; Vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác tuyên truyền, vừa tận
dụng và phát huy tối đa các ưu điểm của truyền thông mạng xã hội giai đoạn hiện
nay; Phát huy tính chiến đấu và năng lực phản biện, chống các quan điểm sai
trái, thù địch; Bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và người
sử dụng lao động.
Trên cơ sở đó, để
truyền thông qua mạng xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả trong đại dịch
COVID-19, theo chúng tôi, các cấp công đoàn cần một số lưu ý:
Một là, về thiết kế
thông điệp, nội dung truyền thông
Sự lây lan của dịch
bệnh rất nhanh, mạnh, trên diện rộng, yêu cầu cấp thiết là người lao động cần
phải nhanh chóng được trang bị nhận thức đầy đủ về dịch bệnh. Công đoàn chủ động
xây dựng thông điệp và tài liệu truyền thông, trong đó sử dụng ngôn ngữ đơn giản,
phù hợp với trình độ của đa số đoàn viên, người lao động; kích cỡ đủ lớn để ảnh
và chữ có thể dễ nhìn thấy từ xa...
Nội dung truyền
thông vừa phục vụ lợi ích chung cho tất cả người lao động, vừa phù hợp với từng
đối tượng người lao động. Trong đó, chú trọng phổ biến, hướng dẫn các biện pháp
mà người sử dụng lao động cần thực hiện để bảo vệ an toàn cho người lao động và
doanh nghiệp; cũng như người lao động cần thực hiện để bảo vệ bản thân mình
trong dịch bệnh COVID-19.
Hai là, về phương thức
truyền thông
Tổ chức tốt thông
tin, tuyên truyền sẽ góp phần tạo đồng thuận xã hội, niềm tin của người lao động
vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; khơi dậy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước... Do
đó, truyền thông cần đa dạng, sinh động, vừa đảm bảo kỷ luật thông tin, vừa
không gây kích động trong đội ngũ công nhân nhưng đủ để đảm bảo họ không chủ
quan, chấp hành tốt với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các cấp công
đoàn cần chuẩn bị tốt các kịch bản truyền thông, từ ứng xử với thông tin sai lệch,
tin giả; lan tỏa thông tin tích cực về công đoàn đồng hành, sát cánh với đoàn
viên, người lao động; giới thiệu và nhân rộng gương cán bộ công đoàn chống dịch…
Cần xây dựng được lực
lượng truyền thông trên mạng xã hội là những nòng cốt là cán bộ công đoàn, những
người có uy tín trong công nhân...
Về lâu dài, có thể
hướng tới việc lập các trang web hoặc các trang mạng xã hội của công đoàn để
cung cấp, trao đổi thông tin, liên tục cập nhật mới về chính sách,…. Định kỳ
đăng tải các bài viết, hình ảnh đảm bảo độ chính xác, tin cậy để từng bước tạo
thói quen tiếp cận thông tin tử công đoàn. Tăng cường tương tác, trả lời, giải
đáp thắc mắc, phản ánh của đoàn viên, người lao động; hỗ trợ đoàn viên, người
lao động khó khăn qua đó tạo niềm tin của người lao động vào tổ chức công
đoàn./.