Trong quá
trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cuộc đấu tranh phòng,
chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Đảng luôn diễn
ra trong bối cảnh phức tạp, khó khăn. Trong từng thời điểm cụ thể, các thế lực
thù địch triệt để lợi dụng những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới nảy sinh
để tăng cường, quyết liệt chống phá ta bằng hàng loạt các luận điệu, thủ đoạn
mới, tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi Đảng và Nhà
nước ta chủ động đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và xã
hội, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách để bóp méo, bịa đặt với mục đích cản
trở sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, phá hoại Đảng và chế độ, làm tan rã mối quan hệ mật thiết
giữa Đảng với nhân dân.
Hiện nay,
môi trường mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã, đang và sẽ
tập trung chủ yếu là sử dụng internet, không gian mạng, chủ yếu là mạng xã hội
để chống phá cách mạng nước ta. Thông qua việc thiết lập các website, blog để
tổ chức truyền tải thông tin xấu, độc nhằm: 1) Phá hoại tư tưởng, đời sống văn
hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân; 2) Gây nhiễu loạn thông tin, làm phức
tạp về chính trị xã hội; 3) Làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà
nước và chính quyền các cấp. Chiêu bài chính chúng tập trung hướng vào là lợi
dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác
thông tin từ những vụ việc tiêu cực xảy ra trong đời sống để xuyên tạc, thổi
phồng; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả
lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài liệu chứng minh” để, xuyên tạc vai trò lãnh
đạo, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bịa đặt về bí mật
theo kiểu hé lộ những “thâm cung bí sử” trong Đảng… Qua đó, tác động “dương
Đông kích Tây” làm gia tăng các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ và kích động xã hội nảy sinh quan điểm tùy tiện, phản biện vô nguyên
tắc, phản đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi
từ bỏ Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin; thúc đẩy lối sống thực dụng, thẩm thấu tư
tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân (nhất là
thế hệ trẻ) làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, băng hoại đạo đức xã hội...
Trước yêu
cầu nhiệm vụ mới, công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa chính là
nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải được triển
khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đấu tranh phải kiên quyết, linh
hoạt, chủ động, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính. Từ
đó, chú trọng một số vấn đề cụ thể là:
Một là, cấp ủy, lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành
phải không ngừng nâng cao nhận thức trong cuộc đấu tranh này; phải xác định rõ,
quá trình tổ chức đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” không phải thực
hiện theo kiểu mệnh lệnh, cơ học, bắt ép cộng đồng phải nhận thức, suy nghĩ và
hành động trên một khuôn mẫu chủ quan, duy ý chí, mà là quá trình định hướng
tiếp nhận thông tin một cách khách quan, có chọn lọc theo tâm lý, nguyện vọng,
nhu cầu, lợi ích thụ hưởng thông tin của nhân dân. Trên cơ sở ấy mới có thể quy
tụ được lòng người, thống nhất cộng đồng trên cả hai bình diện nhận thức và
hành động nhằm loại bỏ cái xấu, thúc đẩy phát triển cái tốt, cái đẹp, tạo sự
lan tỏa trong xã hội. Cơ sở quan trọng nhất để tạo nên tư tưởng xã hội tốt
chính là người dân được tiếp nhận thông tin nhanh nhất, phản ánh chân thực,
khách quan nhất. Từ đó, thống nhất nhận thức làm cơ sở cho thống nhất ý chí và
hành động.
Việc định
hướng thông tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân phải được thực hiện thống
nhất giữa mục tiêu đặt ra của hệ thống chính trị, của nhà lãnh đạo, quản lý các
cấp với nhu cầu cần cung cấp thông tin chính thống của quần chúng nhân dân. Để
bảo đảm được tính thống nhất này, liên quan đến các sự kiện chính trị, các vụ
việc phức tạp, nhạy cảm nảy sinh trong đời sống xã hội, các cơ quan chức năng
từ Trung ương đến địa phương theo phân cấp quản lý cần cung cấp thông tin kịp
thời để định hướng xử lý, đề xuất phương án chỉ đạo và thực hiện một cách chủ động
và khoa học. Cơ chế thực hiện công tác thông tin về những vấn đề phức tạp, nhạy
cảm cần được xây dựng thành văn bản, quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền
hạn của tập thể, cá nhân.
Hai là, trước những sự kiện chính trị, nhất là các vụ
việc phức tạp, nhạy cảm tác động đến tư tưởng của đông đảo cán bộ, đảng viên và
nhân dân, các cơ quan thông tin, truyền thông cần khai thác thông tin từ cơ
quan chức năng chịu trách nhiệm cung cấp, để thông tin, bình luận trung thực,
khách quan, thu hút độc giả vào tầm ảnh hưởng của mình, góp phần định hướng,
tạo sự thống nhất trong nhận thức, thái độ và phương pháp giải quyết vấn đề. Về
bản chất, đó mới chính là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan thông tin,
truyền thông trước Đảng và Nhà nước, trước công chúng và lịch sử. Thực tiễn đã
chứng minh, trước những vấn đề bức xúc về tư tưởng, dù độ phức tạp của sự việc
đến đâu, nếu thực hiện công tác thông tin kịp thời, đúng đắn, làm tốt định
hướng thông tin, thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc trong
xã hội sẽ được giải tỏa, nhất là không còn cơ hội để các thế lực thù địch, phản
động lợi dụng xuyên tạc, bịa đặt chống phá.
Ba là, nâng cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị,
trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người
làm báo. Mọi trách nhiệm trên các phương diện này chỉ có thể được thực hiện khi
báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, mang hơi thở chân thực của cuộc sống.
Qua đó, thu hút được đông đảo người đọc, người nghe, người xem quan tâm. Bốn
là, xây dựng cơ chế, hình thức và nội dung phát ngôn của cơ quan chịu trách
nhiệm trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Nhân dân có nhu cầu được cung
cấp thông tin về quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết những vấn
đề như vậy. Sự lên tiếng chính thức, kịp thời của cơ quan có trách nhiệm cũng
thể hiện rõ trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và
chính quyền các cấp, các ngành trước mỗi vấn đề, sự kiện nảy sinh; đồng thời,
nếu được thực hiện tốt sẽ là một biện pháp hiệu quả để định hướng dư luận, củng
cố niềm tin, tạo sức đề kháng thúc đẩy phát triển và tiến bộ xã hội.
Công tác
thông tin cần nhận diện, phát hiện và dự báo sớm một số vấn đề có thể gây bức
xúc về tư tưởng và phải luôn đi trước, đi cùng trong quá trình giải quyết vụ
việc. Cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác định hướng thông tin tuyên
truyền các cấp cần được tham gia ngay từ khâu hoạch định chính sách, dự án đến
quá trình triển khai thực hiện. Phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy,
chính quyền, lãnh đạo ban tuyên giáo các cấp kịp thời bám sát thực tiễn, bảo
đảm tính chính xác, có chiều sâu trí tuệ, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng
của nhân dân thì mới hạn chế tối đa những tác động của thông tin xấu, độc trên
internet hiện nay.
Năm là, khắc phục sự yếu kém trong quản lý những nội dung
thông tin trên mạng internet phản ánh phiến diện, suy diễn liên quan đến
các vụ việc phức tạp, những bài viết thiếu tính chính xác, sai lệch bản chất về
những vấn đề văn hóa, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Tăng cường nâng
cao chất lượng công tác kiểm soát, định hướng trong việc đưa thông tin chạy
theo thị hiếu tầm thường, giật gân, câu khách của một số báo điện tử.
Cần nắm vững
quyền chủ động trong công tác định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trên không
gian mạng, cụ thể là: 1) Chủ động thiết kế xây dựng chủ đề để dẫn dắt dư luận;
việc lựa chọn chủ đề cần tăng tính tương tác, tạo sự gần gũi, sử dụng nhiều
ngôn ngữ và hình thức được cư dân mạng ưa thích, thông tin một cách sinh động,
cụ thể, gắn với cuộc sống, cần “phân loại” công chúng trên cộng đồng mạng để
xác định, lựa chọn cách thức, phương pháp dẫn dắt chuẩn xác theo kiểu “mỗi cái
chìa chỉ mở được một cái ổ khóa”. 2) Nắm vững quy luật truyền tải thông tin.
Internet có quy luật riêng, chỉ khi nắm chắc quy luật, nghiên cứu chắc tâm lý
của cư dân mạng, thích ứng với các kỹ thuật mới, ứng dụng mới trong vận dụng
quy luật truyền tải trên mạng, thì công tác định hướng tư tưởng, dư luận trên
mạng mới có kết quả. Việc truyền tải thông tin tuyên truyền dẫn dắt dư luận
trên mạng không chỉ cần coi trọng nguồn gốc thông tin, mà còn phải coi trọng
việc dẫn dắt và bảo vệ quá trình truyền tải, lưu thông thông tin. 3) Sự thống
nhất thông tin trong truyền thông không phải là sự chắp nối đơn giản, mà là sự
sắp xếp thống nhất trong hệ thống, giữa thông tin phản ánh trên báo chí, truyền
hình và thông tin trên báo chí điện tử, trang tin điện tử... tạo thành chuỗi
dòng chảy thông tin tích cực, lan tỏa nhanh trong cộng đồng, góp phần định
hướng nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ./.
T3.