Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

VIỆT NAM VỮNG BƯỚC TRÊN CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

 

Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản tuyên ngôn vẫn còn nguyên giá trị đặc biệt thể hiện ý trí, khát vọng vươn lên, khát vọng hạnh phúc trong suốt chiều dài lịch sử và đang được phát huy tốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng nước “Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ngày nay trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các thế lực thù địch không trừ thủ đoạn nào, lợi dụng triệt để mạng internet, các trang mạng xã hội để chống phá nước ta trên nhiều mặt trận, làm ảnh hưởng đến kinh tế, hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng lập hàng trăm blog, nhiều trang mạng xã hội để phát tán thông tin không đúng sự thật, chống phá trên nhiều mặt trận, lợi dụng vấn đề “dân chủ nhân quyền”, “tôn giáo”, lợi dụng một số thiếu sót để phủ định sạch trơn những thành tự mà đất nước ta đã làm được, đáng chú ý một số tổ chức phản động như “Việt Tân”, “ Việt nam cộng hoà”, “Dân luận”, “Pháp luân công”, chúng thường xuyên đăng tải các thông tin không đúng sự thật, hoặc lợi dụng các vấn đề nóng của xã hội để thổi phồng gây hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên lịch sử đã chứng minh bằng sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Nhà nước, đất nước ta đang vươn mình từ một nước đói nghèo, lạc hậu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình khá, từ năm 2019 đến nay trên thế giới xảy ra nhiều bất ổn về kinh tế chính trị, thiên tai bão lụt, điển hình như dịch covid-19, cuộc chiến Nga – Ucraina, lạm phát toàn cầu, Việt Nam là một trong số ít các nước khống chế dịch covid nhanh nhất, tỷ lệ tiêm vắcxin vào top cao nhất thế giới, năm 2022 lạm phát tăng vọt song kinh tế Việt Nam đến quý 2 tăng trưởng 7% GDP đây là minh chứng mạnh mẽ về con đường lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, năm 2021 Việt Nam lọt top 10 quốc gia đáng sống cho người nước ngoài, như vậy khẳng định không chỉ người Việt Nam cảm thấy hạnh phúc mà người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng yêu mảnh đất con người nơi đây.

Tuy đã đạt được một số thành tựu to lớn, song trong điều kiện toàn cầu hoá, hội nhập trên trường quốc tế cần phát huy sức mạnh bên trong và bên ngoài, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, muốn làm được điều đó cần sự quyết liệt từ trung ương đến địa phương, cần tuyên truyền sâu rộng để người dân trong và ngoài nước hiểu rõ chủ trương đường lối chính sách của Đảng ta, từ đó nhận được sự đồng tình giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhân dân cũng cần tỉnh táo trước những chiêu trò của lực lượng phản động tránh cổ xuý cho các hành động sai trái của các thế lực thù địch.

“Thấy các chú bộ đội đến đây là chúng tôi biết mình đã được cứu rồi”

Đó là lời một người dân ở điểm dân cư Huổi Ké chia sẻ sau nhiều chục giờ đồng hồ bị cô lập, chịu đói khát, mưa rét do cơn lũ quét kinh hoàng qua xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Tất cả các tuyến đường vào điểm dân đều bị sạt lở, nhà cửa của người dân đã bị hư hại gần như chẳng còn gì, gia súc, vật nuôi cũng bị lũ cuốn trôi, người dân không có nước sạch để dùng và lương thực thì gần như cạn kiệt. Lực lượng các cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an và dân quân đã đi bộ, lội bùn đất hàng chục ki-lô-mét qua những đoạn đường bị sạt lở và vùi lấp để vừa mở đường, vừa khám, chữa bệnh, làm công tác vệ sinh phòng dịch và “cõng” lương thực, nước uống hỗ trợ bà con vùng lũ... Công tác cứu hộ, giúp đỡ người dân Mường Pồn đã được triển khai ngay sau khi nhận được tin lũ chỉ 1 giờ đồng hồ, nhiều ngày trôi qua, bất kể ngày, đêm, mưa gió, nguy hiểm, những người chiến sĩ vẫn miệt mà thực hiện nhiệm vụ với một quyết tâm: “Vì nhân dân quên mình” “Vinh quang Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng” - Chiến dịch truyền thông số trên đa nền tảng của Đài truyền hình Việt Nam hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.


Bác bỏ luận điệu phủ nhận công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những ý kiến của thế lực thù địch, cơ hội chính trị cho rằng, chỉ có kinh tế thị trường (KTTT) tư bản chủ nghĩa (TBCN) mới bảo đảm công bằng xã hội, còn với chủ nghĩa xã hội (CNXH) chỉ có sự “bình quân, cào bằng” và “bất công xã hội”. Từ đó, họ ra sức phủ nhận nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Đây là luận điệu xuyên tạc sai trái cần đấu tranh bác bỏ. Nhận rõ bản chất “công bằng xã hội” trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, công bằng xã hội xét đến cùng lệ thuộc vào quan hệ sở hữu. Hay nói cách khác, công bằng trong quan hệ sở hữu là nền tảng của công bằng xã hội. Các nhà kinh điển mác-xít đã bóc trần bản chất của cái gọi là công bằng xã hội trong phương thức sản xuất TBCN. Thực chất, đó là thứ công bằng chỉ dành cho số ít người nắm trong tay quyền chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất trong xã hội tư bản. Xã hội TBCN dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nghĩa là nó chứa đựng và xác lập địa vị thống trị của quan hệ bất bình đẳng về sở hữu tư liệu sản xuất, đương nhiên dẫn đến bất bình đẳng trong phân phối các nguồn lực “đầu vào” và thành quả “đầu ra” của quá trình phát triển. Nó không thể tiến tới sự bảo đảm cho công bằng xã hội đúng nghĩa. Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) cũng như tiến trình giải quyết các cuộc khủng hoảng dưới chế độ TBCN cho thấy, phát triển KTTT TBCN luôn gắn liền với quản lý, điều hành, thậm chí sự can thiệp thô bạo của nhà nước tư sản vào các quá trình kinh tế, để bảo đảm cho thực hiện các mục tiêu tối thượng là thỏa mãn lợi ích của nhà tư bản và lợi ích của giai cấp tư sản. Trong những thập niên đầu thế kỷ 21, CNTB đã có những điều chỉnh, thích nghi thông qua thực hiện một số thay đổi trong chế độ sở hữu, tổ chức quản lý sản xuất và phân phối thông qua các quỹ phúc lợi xã hội. Từ đó đã xuất hiện quá trình hữu sản hóa giai cấp lao động làm thuê, xuất hiện một số hình thức tổ chức quản lý và phân phối mới. Sự điều chỉnh, thích nghi đó đã làm xuất hiện những vấn đề mới về phương diện lý luận cũng như thực tiễn mà Chủ nghĩa Mác-Lênin do những điều kiện lịch sử nên chưa thể đề cập tới một cách đầy đủ và toàn diện. Từ đó đã làm cho một số người lầm tưởng rằng CNTB không còn bóc lột, đã thay đổi bản chất; rằng CNTB sẽ tự động phát triển lên CNXH. Tuy nhiên, giới hạn của sự biến đổi thích nghi của CNTB không thể vượt qua chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Trước sức ép từ đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã buộc nhà tư bản phải chuyển hóa tư bản tư nhân thành tư bản tập thể, hình thành những công ty cổ phần. Đây là cách thức nhằm huy động vốn, tạo nên sự tích tụ, tập trung tư bản, giúp nhà tư bản giành lợi thế trong cạnh tranh. Nó cho phép một số người lao động có tiền nhàn rỗi có thể đầu tư vào sản xuất thông qua cổ phần, cổ phiếu và thu lợi tức, cổ tức. Nhưng điều đó không thể thủ tiêu lợi nhuận mà nhà tư bản thu được qua bóc lột giá trị thặng dư. Bởi trên thực tế, giai cấp công nhân, những người lao động chỉ chiếm giữ một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ lượng cổ phần, cổ phiếu. Do vậy, những điều chỉnh và thích nghi không làm thay đổi bản chất bóc lột, bất công của CNTB. Bản chất của các nền chính trị TBCN theo công thức “dân chủ tự do” phương Tây, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra, là nền dân chủ bảo vệ địa vị, lợi ích cho thiểu số giai cấp tư sản. Ở đó, “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới 3/4 nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội... Sự rêu rao bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”(1). Xét đến cùng, những bất công trong xã hội tư bản ngày càng gia tăng chính là hệ quả xấu từ sự phát triển của phương thức sản xuất và chế độ chính trị TBCN. Công bằng xã hội ở Việt Nam là “không để ai bị bỏ lại phía sau” Trung thành và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng ta đã có sự phát triển lý luận về mô hình phát triển KTTT định hướng XHCN để hướng tới mục tiêu của CNXH, trong đó có bảo đảm công bằng xã hội. Đảng ta khẳng định, thực hiện công bằng xã hội không chỉ dừng lại ở mục tiêu hướng đến mà còn trở thành động lực, tức là thành tố nội tại của phát triển kinh tế, để mỗi bước phát triển kinh tế là một bước thực hiện công bằng xã hội. Đó là nét đặc sắc, ưu việt của chế độ kinh tế mà nước ta đang xây dựng. Sở dĩ phải định hướng XHCN trong nền KTTT, bởi KTTT chỉ góp phần thực hiện công bằng xã hội trong giới hạn của các quy luật thị trường, thực hiện phân chia lợi nhuận dựa trên lao động, hiệu quả kinh tế và mức góp vốn. Theo đó, người đóng góp nhiều thì hưởng nhiều, đóng góp ít thì hưởng ít. Tự thân KTTT không thể giải quyết triệt để những vấn đề bất công bằng xã hội. Để khắc phục những “thất bại” của thị trường trong việc thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội, “bàn tay vô hình” của KTTT tất yếu phải gắn với “bàn tay hữu hình” của nhà nước. Hay nói cách khác, ở Việt Nam, KTTT định hướng XHCN là tất yếu để có thể phát huy mặt ưu điểm, khắc phục được mặt hạn chế của KTTT trong thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Để thực hiện tốt công bằng xã hội, Đảng ta chỉ rõ điều kiện căn bản là phải bảo đảm công bằng trong phân phối. Theo đó, thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Như vậy là vừa thực hiện phân phối theo quy luật KTTT, vừa thực hiện phân phối theo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội nhằm bảo đảm công bằng xã hội. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn (KTTT) chính là nhằm mục đích tôn trọng quy luật kinh tế khách quan, giải phóng sức sản xuất, khơi mở, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo và năng lực chủ quan của mỗi con người. Đồng thời và cùng với đó, thực hiện phân phối thông qua các nguồn lực khác và thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (định hướng XHCN) nhằm bảo đảm mức bình đẳng có thể cho những nhóm người dễ bị tổn thương và yếu thế trong xã hội. Cách thức phân phối theo các nguồn lực khác thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội khắc phục được những điểm yếu cốt tử của KTTT, nắn KTTT phục vụ các mục tiêu của CNXH. Đó cũng là phương thức để vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ, vừa “giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân”(2) bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phòng ngừa xu hướng tự phát chệch quỹ đạo phát triển kinh tế. Có như vậy mới bảo đảm được tính thực tiễn và bền vững của chính sách phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế và công bằng xã hội mới được thực hiện đúng nghĩa. Hiện nay, Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia điển hình về giảm nghèo đa chiều bền vững, đầu tư hiệu quả cho phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, việc làm, xây dựng môi trường sinh thái, cải thiện an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội, không những làm cho kinh tế phát triển mà còn bảo đảm thực hiện tốt công bằng xã hội. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra. Trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn; 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo từ gần 60% vào năm 1986 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2022; tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người tăng từ 86USD năm 1986 lên 4.110USD năm 2022. Người dân tiếp cận ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, như về nhà ở, đến năm 2020, Nhà nước đã hỗ trợ chỗ ở cho 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 năm phòng, chống dịch Covid-19 (2020-2022), Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương đã hỗ trợ với số tiền hơn 120.000 tỷ đồng và trên 200.000 tấn gạo hỗ trợ cho hơn 68 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn. Hiện có trên 1,2 triệu người có công và thân nhân đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình trên địa bàn. Liên hợp quốc cũng đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu thiên niên kỷ. Những thành tựu đạt được đã khẳng định bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Đảng, Nhà nước ta nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời là người trực tiếp được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế-xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Để bảo đảm công bằng xã hội trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Tập trung hoàn thiện quan hệ phân phối, khuyến khích làm giàu chính đáng, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội đúng đắn, tạo động lực mạnh mẽ phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của con người. Bảo đảm tính thực tiễn và tính ổn định, tính bền vững, phù hợp của chính sách xã hội, tạo địa bàn và nguồn lực thuận lợi cho kinh tế phát triển. Tựu trung lại, nhận thức về công bằng xã hội trong nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay cần có quan điểm khách quan, cái nhìn lịch sử, cụ thể trong đánh giá, không mắc vào cái nhìn phiến diện, méo mó, lệch lạc và các mưu đồ chính trị của các nhà “dân chủ”, “nhân quyền”, những người "mượn" cớ đấu tranh cho công bằng, tiến bộ xã hội nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Chỉ có trên quan điểm như vậy mới có thể so sánh, đánh giá thành tựu, khẳng định tính ưu việt trong phát triển, tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội ở nước ta hiện nay. ----------- (1) Nguyễn Phú Trọng, "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21. (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, "Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII", Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.148. Trung tá, TS ĐỖ THANH HẢI (Khoa Triết học Mác-Lênin, Học viện Chính trị)

GÓC NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT: ANH SHIPPER TÌM CÁCH TRẢ LẠI 385 TRIỆU ĐỒNG CHUYỂN KHOẢN NHẦM CHO KHÁCH

 Mới đây câu chuyện của chị Hải Miên chia sẻ đã mang đến năng lượng tích cực trên cộng đồng. Chuyện là trưa 7/5, anh shipper giao hàng đến nhưng chị Hải Miên không có ở công ty nên nhờ bảo vệ nhận giúp và xin số tài khoản shipper để chuyển khoản thanh toán 385.000 đồng. Trong lúc bận rộn, chị đã bấm chuyển nhầm tới 385 triệu đồng mà không hề hay biết. Loay hoay xong công việc, chị Hải Miên mở điện thoại thấy 8 cuộc gọi nhỡ kèm tin nhắn từ shipper: “Chị lát gọi lại cho em gấp nha”. Chưa kịp bấm gọi, shipper đã tiếp tục gọi cho chị thông báo chị vừa chuyển nhầm 385 triệu thay vì 385.000 đồng như giá trị đơn hàng. Chị Hải Miên hoảng hồn, đầu dây bên kia là giọng một nam thanh niên, chị chưa kịp nói gì thì shipper đã đề nghị chị gửi số tài khoản để anh chuyển trả lại. Quá bất ngờ, chị Miên nói anh hãy chuyển lại 380 triệu thôi, còn 5 triệu chị gửi anh cà phê nhưng chàng shipper từ chối. Chia sẻ với phóng viên, anh Ân - anh shipper tốt bụng trong câu chuyện trên trên cũng thừa nhận, anh đứng ngồi không yên khi thấy tài khoản ngân hàng có tới 9 chữ số. Vậy nên dù đang bận giao hàng anh vẫn tìm đủ cách để chuyển khoản lại cho chị Miên. Anh nói, nếu để qua đêm sợ chị Miên không ngủ được. Phải đến khi chuyển trả hết tiền cho vị khách của hãng, anh Ân mới nhẹ nhõm, thấy vui trong lòng và hết run. Đến hiện tại chị Hải Miên vẫn còn xúc động. “Cái shipper trả lại cho tôi không chỉ là tiền mà còn là niềm tin vào sự trung thực, tốt đẹp của con người vốn rất thường bị mang tiếng oan trong thời đại lòng tham và cái xấu lên ngôi này”, chị Miên bộc bạch. Báo Thanh Niên

Những tấm lòng son

 Chiến sĩ cảnh sát băng qua lũ đưa nhiều học sinh mắc kẹt đến nơi an toàn Rạng sáng 29-6, trên địa bàn huyện Lâm Bình xảy ra mưa lớn gây ngập 38 ngôi nhà, cuốn trôi 9 con trâu, nhiều diện tích hoa màu và tài sản của người dân. Tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Lâm Bình và Trường THPT Lâm Bình bị ngập sâu do ở vị trí thấp, nằm sát bờ suối. Một lượng lớn bùn, đất, đá theo nước lũ tràn vào các lớp học. Nhiều cơ sở vật chất, bàn ghế, tài liệu, đồ dùng học tập, sinh hoạt của giáo viên, học sinh nhà trường bị ngập sâu trong nước lũ. Đặc biệt, trong khu ký túc xá của trường có hơn 100 em học sinh đang ở khu nội trú bị cô lập, tinh thần hoang mang, hoảng loạn, nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe nếu không được ứng cứu kịp thời do nước lũ đang tiếp tục dâng cao. Khoảng 3h sáng, binh nhì Quan Ngọc Hoàng (đang công tác tại Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Tuyên Quang) trong thời gian được nghỉ phép về thăm gia đình nhận được tin báo Trường THPT Lâm Bình có nhiều học sinh bị mắc kẹt chưa được đưa đến nơi an toàn. Ngay lập tức, chiến sĩ Quan Ngọc Hoàng đã không ngại trời mưa to, đêm tối, đường sạt lở hết sức nguy hiểm, khẩn trương đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn. Trên đường đi, chiến sĩ Hoàng phải nhiều lần bơi qua dòng lũ xiết để tiếp cận hiện trường thực hiện công tác cứu nạn. Bằng kinh nghiệm, kiến thức, nghiệp vụ đã được huấn luyện chuyên nghiệp, chiến sĩ Hoàng đã nhanh chóng trấn an tinh thần các em học sinh, hướng dẫn và đưa toàn bộ các em học sinh đến các vị trí an toàn. Sau đó binh nhì Quan Ngọc Hoàng còn tích cực phối hợp với lực lượng tại chỗ triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ di dời tài sản, trang thiết bị; tiến hành dọn dẹp bùn, đất, quét dọn, vệ sinh, thu gom rác thải trong khuôn viên nhà trường. Sắp xếp lại đồ dùng, trang thiết bị, dụng cụ học tập để giáo viên và học sinh nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục việc dạy và học. Đến nay công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn huyện Lâm Bình vẫn đang được khẩn trương tiến hành./.

Nhức nhối xâm phạm bản quyền trên không gian mạng.

 Vi phạm bản quyền tại Việt Nam trên môi trường số từ nhiều năm nay vẫn diễn ra phổ biến, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc nhưng dường như vấn nạn này vẫn chưa được đẩy lùi một cách hiệu quả.

Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng" đã đánh giá thực trạng đáng báo động của việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện nay.  (Ảnh:CM)

 

Vi phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến

Tại Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng" do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức đã khẳng định: sự phát triển như vũ bão của Internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ số đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, các đơn vị xuất bản có thể truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn. Nhưng chính sự phát triển này của công nghệ trong khi mà các yếu tố quan trọng khác như năng lực quản lý nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế khiến tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn định, bền vững của nhiều nền xuất bản, trong đó có các quốc gia ASEAN.

Theo Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã có thể gọi là “quốc nạn”. Nó giống như một thứ vi rút, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng. Với một quốc gia mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên từ năm này qua năm khác với quy mô ngày càng lớn, các nhà đầu tư hiển nhiên sẽ dè dặt khi hợp tác. Dẹp hay không dẹp được tệ nạn này, nó sẽ cho thấy năng lực quản lý và quyết tâm của nhà nước trong việc làm trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh của đất nước.

Theo số liệu nghiên cứu năm 2022 của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa - nghệ thuật: văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan như hiện nay.

Năm 2023, Thanh tra Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, bảo đảm thuê bao/người sử dụng dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam không truy cập được vào 2.763 wesbite, 3.611 link có nội dung vi phạm; xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, gửi hàng nghìn khuyến cáo tới doanh nghiệp khai thác, sử dụng hình ảnh, âm thanh, video, sử dụng chương trình phần mềm máy tính trong sản xuất, hoạt động kinh doanh thương mại, hoạt động quảng cáo chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan…Mặc dù hành lang pháp lý liên tục hoàn thiện, với nhiều quy định chặt chẽ được bổ sung nhưng thực tế vẫn cho thấy nạn xâm phạm bản quyền vẫn diễn ra phổ biến và chưa mấy thuyên giảm.

Tại Hội thảo khoa học “Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” vừa được Cục Điện ảnh tổ chức, các nhà quản lý, nhà phát hành, phổ biến phim… tiếp tục “kêu trời” khi quản lý phổ biến phim trên không gian mạng vẫn vấp phải vô vàn thách thức bởi nạn xâm phạm bản quyền.Theo đại diện BHD, tình trạng ăn cắp bản quyền phát hành trên không gian mạng vẫn còn rất phổ biến, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Nhiều tên miền cung cấp phim miễn phí cho người xem khi buộc phải gỡ phim lại chạy sang miền khác mà vẫn thu hút đông khán giả thích “xem chùa”. Có những phim cơ quan quản lý nhà nước cấm thì chỉ vài tháng sau đã xuất hiện trên mạng nhan nhản, thành ra việc cấm trở thành… “bắt cóc bỏ đĩa”.

Có hơn 4 triệu lượt xem lậu giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. (Ảnh: Theo VTV.vn) 

 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường các giải pháp về CNTT để bảo vệ quyền tác giả

Trước thực trạng đáng báo động về việc vi phạm bản quyền trên không gian mạng diễn ra từ nhiều năm nay, câu hỏi đặt ra là tại sao vấn nạn này vẫn chưa được đẩy lùi?

Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng nói riêng và quyền tác giả nói chung trên không gian mạng là một thách thức lớn trong thời đại số hóa không chỉ của riêng Việt Nam mà của chung rất nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên việc Việt Nam được liệt vào danh sách đứng đầu về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian mạng phải chăng đã phần nào cho thấy hiệu quả thực sự của hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực này?

 Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ”. Ngoài ra, việc “tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” cũng được đặt ra trong nhiệm vụ chung về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nằm trong Chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Theo Cục Bản quyền tác giả, hiện tại các hành lang pháp lý của chúng ta đã ngày càng hoàn thiện và đã quy định nhiều biện pháp để các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Ngoài việc áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; các chủ thể quyền có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác; thậm chí, khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tại Hội thảo khoa học “Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” nhiều chuyên gia đều khẳng định: Thực tế việc bùng nổ Internet đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng nhằm giải quyết những thách thức, đồng thời tự tạo ra cơ hội để phát triển dịch vụ. Đối với lĩnh vực cụ thể là bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh trên không gian mạng, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả tác phẩm điện ảnh nói riêng; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền, chủ động yêu cầu xử lý khi có hành vi xâm phạm quyền; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan...

Để bảo vệ quyền tác giả, giá trị, công sức của việc sáng tạo giá trị tri thức và cũng chính là bảo vệ bạn đọc, đã đến lúc chúng ta phải có những hạnh động quyết liệt để đẩy lùi vấn nạn này. Để làm được điều chắc chắn cần có sự chung tay phối hợp đấu tranh của tất cả các ngành, các quốc gia nhưng có lẽ trên hết vẫn là ý thức của người dân.

Loạn thi nhan sắc là do đâu?.

 Trả lời câu hỏi này có người cho rằng có “cung thì ắt có cầu” nhưng cũng có người lại cho rằng từ khi có Nghị định 144/2020/NĐ-CP thì việc cấp phép các cuộc thi sắc đẹp "thoáng" hơn, dẫn đến "nhà nhà, người người" đều có thể đăng ký thi hoa hậu hay sắc đẹp. Cứ đủ hồ sơ là các địa phương cũng có thể cấp phép, vì thế tổ chức thi hoa hậu hay sắc đẹp hiện nay dễ và phổ biến đến mức…loạn.

Các cuộc thi hoa hậu được tổ chức nhiều "như nấm mọc sau mưa" khiến cho giá trị của chiếc vương miện dường như cũng bị giảm xuống. ( Ảnh mang tính minh họa)

Chỉ trong 2 tối 2 - 3/8, Việt Nam có thêm 5 hoa hậu và hơn chục á hậu. Và theo thống kê một năm chúng ta có tới 60 cuộc thi nhan sắc được tổ chức, các người đẹp được vinh danh mỗi năm lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Trong đó không ít hoa hậu, á hậu, người đẹp được vinh danh vấp phải những nghi vấn mua giải hay những thị phi khác… Chính vì vậy, không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng chưa bao giờ các cuộc thi sắc đẹp lại “loạn” như bây giờ và danh hiệu các người đẹp cũng vì thế mà “mất giá” theo.

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ Việt Nam 2024 diễn ra tại Bình Thuận tối 2/8 đã chọn ra 03 hoa hậu và 05 á hậu.

Cùng lúc, tối 3/8 diễn ra hai cuộc thi sắc đẹp khác là cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 và cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam. Miss Grand Vietnam 2024 vinh danh 01 Hoa hậu và 04 Á hậu. Cuộc thi Hoa hậu Du lịch vinh danh 01 Hoa hậu và 02 Á hậu, ngoài ra còn nhiều giải phụ khác…

Như vậy chỉ trong 02 đêm, Việt Nam đã có thêm 05 hoa hậu và hàng chục á hậu cũng như người đẹp được vinh danh.

Chỉ tính riêng năm 2024, hiện Việt Nam đã có 5 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia bao gồm: Miss Universe Vietnam; Miss Grand Vietnam; Hoa hậu Du lịch Việt Nam; Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu; Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. Đó là chưa kể còn có vô số các cuộc thi hoa khôi vùng miền nhiều đến mức khó mà nhớ nổi.

Kể từ khi cuộc thi hoa hậu toàn quốc đầu tiên được tổ chức vào năm 1988, đã 2 thập niên trôi qua, vương miện hoa hậu luôn được xem là một biểu tượng cao quý đại diện cho phụ nữ Việt Nam tài năng, đẹp người, đẹp nết. Các cuộc thi hoa hậu được tổ chức một năm một lần hoặc hai năm một lần là hoạt động văn hóa ý nghĩa nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam vì thế các cuộc thi luôn được mọi người mong đợi và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.

 Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam vừa được tổ chức hôm 3/8.

Thế nhưng hiện nay trước “hằng hà sa số” các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, tình trạng “ra ngõ gặp hoa hậu” đã khiến cho người dân dường như “bội thực” không còn “thiết tha” với những cuộc thi nhan sắc hiện nay. Đặc biệt, tình trạng thương mại hóa trong các cuộc thi nhan sắc không chỉ làm mất lòng tin của người dân mà còn khiến cho giá trị của những chiếc vương miện thực sự giảm.

Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận và hoạch định lại những cuộc thi nhan sắc, làm sao để những cuộc thi sắc đẹp này thực sự là một sự kiện văn hóa được mong chờ và có chất lượng cao khi lựa chọn và vinh danh được những gương mặt thật sự xứng đáng.

Thực tế hiện nay những cuộc thi sắc đẹp không còn nhận được nhiều sự quan tâm ở các quốc gia phát triển, kể cả các cường quốc về sắc đẹp. Bằng chứng là số lượng các cuộc thi sắc đẹp ở các quốc gia này rất hạn chế. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển lại đang tổ chức ồ ạt, mục đích của các cuộc thi cũng ngày càng trở nên lệch lạc.

Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Tiến Thọ đã từng khẳng định: Một số cuộc thi hoa hậu được tổ chức là một hình thức làm kinh tế khi ban tổ chức kêu gọi doanh nghiệp, công ty quảng cáo để kiếm tiền, không chú trọng đến chất lượng cuộc thi, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Một khi những cuộc thi sắc đẹp được tổ chức chỉ để đáp ứng quy luật cung - cầu như một số người nhận định thì rõ ràng cuộc thi đã bị biến tướng và trở thành hoạt động thương mại chứ không chỉ là hoạt động văn hóa thông thường.

Để trả lại thương hiệu cũng như nâng cao chất lượng các cuộc thi sắc đẹp hiện nay phải chăng chúng ta cần phải xiết chặt hơn các cuộc thi sắc đẹp. Để giảm tải tình trạng “loạn” hoa hậu, người đẹp, vì vậy, nên chăng cơ quan chức năng cần phải có những quy định cụ thể về từng cuộc thi, gắn trách nhiệm với từng đơn vị cụ thể… như thế mới có thể kỳ vọng các cuộc thi hoa hậu hay sắc đẹp hiện nay tìm ra những hoa hậu, người đẹp thực sự xứng đáng.


Bao giờ người thuê nhà bớt khổ?.

 Tiền nhà “đội giá” phi lý trở thành nỗi lo, gánh nặng của nhiều sinh viên và những người lao động thu nhập thấp. Chủ trọ tăng giá phòng với lý do “mùa” sinh viên nhập học nhưng tiện ích không tăng theo, thậm chí còn không tương xứng.

Còn gần một tháng nữa mới là thời điểm nhiều tân sinh viên từ các tỉnh thành đổ về Thủ đô Hà Nội để chuẩn bị cho năm học mới, thế nhưng nhiều nơi kinh doanh, cho thuê phòng trọ đã đẩy giá phòng cho thuê lên cao.

Phòng dễ tìm, giá khó thuê!

Chỉ cần nhập từ khoá “tìm phòng trọ Hà Nội” trên mạng xã hội sẽ cho ra kết quả một loạt bài đăng cho thuê phòng trọ khu vực nội thành Hà Nội. Giá một phòng trọ đơn từ 18m2 – 25m2 dao động từ 3 triệu – 3.5 triệu một phòng. Đây là những lựa chọn trong phân khúc bình dân, chính vì vậy những tiện ích đi kèm cũng rất khiêm tốn. Hầu hết, các phòng trọ này đều không quan tâm hoặc không đề cập đến vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, miễn sao cho thuê được giá.

Người đi thuê trọ đau đầu vì giá phòng cho thuê. 

Phòng trọ khép kín được nhiều người yêu thích nhưng tới khi xem ảnh mới tá hoả vì nó chỉ là một phòng bếp cơi nới thêm. Hay thậm chí một ô vuông chưa tới 8m2 cũng được gọi là phòng trọ kép kín và cho thuê với giá 3 triệu đồng chưa tính tiền dịch vụ. Cá biệt có những chủ trọ, người kinh doanh trang trí thêm một ít đồ như: vài bức tranh treo tường, một chiếc bàn và 2 chiếc ghế để trở thành chung cư mini, 1 khách 1 ngủ và ép giá người thuê.

Tìm đến phân khúc thấp hơn ở những phòng trọ giá dưới 3 triệu đồng, người đi thuê sẽ chỉ nhận được phòng trọ có 1 dát giường hộp để ngủ với không gian chật hẹp và bí bách chỉ duy nhất 1 cửa chính ra vào. Kèm theo đó là các bất lợi như không có chỗ để xe, nhà vệ sinh chung, không có nơi nấu ăn,... Những phòng trọ này thường đã cũ hoặc là những phòng được cơi nới thêm, dựng bằng vách ngăn, nhiều phòng thậm chí còn ẩm mốc và hoàn toàn không đảm bảo an ninh phòng cháy chữa cháy.

Nhìn chung, phòng trọ thì dễ kiếm nhưng khi nhìn giá đi kèm với tiện ích thì khó lòng thuê được bởi tình trạng “tăng giá - giảm diện tích” là tình hình chung của thị trường phòng trọ, căn hộ mini mỗi dịp tân sinh viên ồ ạt đến các thành phố lớn nhập học.

Ngoài ra, người tìm thuê trọ cũng thường xuyên gặp tình trạng phòng thực tế không giống hình trên mạng. Điều này là bởi những người “rao nhà” chụp ảnh bằng hiệu ứng góc rộng hoặc thậm chí sử dụng một hình ảnh của một phòng hoàn toàn khác để tìm khách trọ. Nhiều người không giấu nổi sự thất vọng vì “nhà cho thuê không giống hình” hoặc bị “lùa” cho thuê phòng khác chất lượng kém hơn nhưng giá tiền vẫn vậy. Nhiều đối tượng còn lợi dụng sinh viên mới lên nhập học chưa có nhiều kinh nghiệm để lừa đảo, chiếm đoạt tiền cọc.

Cần tạo bình đẳng giữa khách thuê trọ và chủ trọ

Nhiều người thuê trọ bày tỏ sự phẫn nộ, thất vọng vì giá nhà liên tục nhảy múa, giá tiền không tương xứng với chất lượng, tiện ích phòng trọ. Kêu thì vẫn kêu, nhưng không ai thấu, người thuê chỉ mong tìm được một nơi ăn ở với mức giá hợp lý.

Gác mái chật hẹp, khiêm tốn về chiều cao cũng được cơi nới làm thành phòng trọ cho thuê. 

Trên thực tế rất khó để quản lý những hoạt động cho thuê phòng trọ vì hầu hết người cho thuê đều đăng tải tự phát trên mạng xã hội và tính chất phòng trọ rất khó định giá. Trong luật nhà ở số 27/2023/QH15 có hiệu lực từ 1/8/2024 quy định: “Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà ở theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.” Tuy nhiên, cũng chưa có quy định rõ ràng về định giá nhà cho thuê và các dịch vụ đi kèm. Điều này đã dẫn đến việc giá nhà ở tăng bất hợp lý, không phù hợp với tiện ích thực tế, gây khó khăn cho người thuê trọ đặc biệt là sinh viên và lao động thu nhập thấp.

Nguy hiểm hơn với những phòng trọ, chung cư mini không đảm bảo về an toàn phòng cháy chữa cháy đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đáng báo động.

Để hạn chế tình trạng này, pháp luật cần quy định rõ về khung giá cho thuê phòng trọ đặc biệt tại các đô thị lớn tập trung nhiều cư dân ngoại tỉnh. Kèm theo đó là những điều kiện cụ thể của phòng trọ để phù hợp với mức giá chủ trọ đưa ra. Giá các dịch vụ thiết yếu: điện, nước… phải chiếu theo mức giá hiện hành không được phép cao quá bao nhiêu phần trăm. Đồng thời cần đảm bảo được yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Có như vậy mới hết tình trạng giá phòng tăng theo mùa và người thuê trọ yên tâm ổn định cuộc sống./.


Đừng đánh mất chính mình!.

 Vẫn biết rằng tập luyện, thi đấu các môn thể thao nói chung đòi hỏi những hi sinh nhất định về thể chất, tinh thần và cả tuổi thanh xuân của mỗi vận động viên, nhưng không vì thế mà cho phép bản thân sa ngã trước những cám dỗ “phù phiếm, khói mây”. Cần có bản lĩnh và sự quyết tâm nói không với các loại hóa chất, thuốc kích thích tạo ảo giác.

Ngày 27/8, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) mở lại phiên xét xử đối với 5 cựu cầu thủ từng thuộc biên chế của Câu lạc bộ bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Nhóm bị cáo gồm: Đinh Thanh Trung (36 tuổi, quê Hà Tĩnh); Dương Quang Tuấn (28 tuổi, quê Hà Nội); Nguyễn Trung Học (26 tuổi, quê Tuyên Quang); Nguyễn Ngọc Thắng (22 tuổi, quê Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Trường (21 tuổi, quê Thanh Hóa). Hội đồng xét xử tuyên phạt Đinh Thanh Trung và Dương Quang Tuấn 4 năm 6 tháng tù giam; 3 bị cáo còn lại mỗi người 4 năm tù giam. 

Đáng chú ý, Thanh Trung thừa nhận khởi xướng cho “bữa tiệc" ma túy, rủ đồng đội thuê phòng khách sạn để sử dụng, thậm chí rủ thêm một số cô gái tham gia.

Các bị cáo trong phiên tòa ngày 27/8/2024 (Ảnh: vietnamnet.vn)

Ở Việt Nam, môn bóng đá nói chung và bóng đá chuyên nghiệp nói riêng, chúng ta hẳn chưa quên những vụ án liên quan tới nhiều cầu thủ với các tội danh như cá độ, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy….

Tháng 12/2005, với những bê bối liên quan đến việc nhận tiền để làm thay đổi kết quả trận đấu gặp Myanmar của U23 Việt Nam tại vòng bảng SEA Games, Phạm Văn Quyến bị bắt và bị khởi tố. Ngày 26/01/2007, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt Quyến 02 năm tù, cho hưởng án treo.

Năm 2007, cầu thủ trẻ của Sông Lam Nghệ An là Lưu Văn Hiền từng bị phát hiện tiêm chích ma túy trong phòng. Ngoài ra, cựu cầu thủ Phan Thanh Tuấn của đội bóng này cũng từng tan nát sự nghiệp vì liên quan đến ma túy.

Cầu thủ Nguyễn Xuân Thành, Câu lạc bộ Hà Nội ACB từng bị khởi tố vì tội tàng trữ ma túy năm 2007 với tang vật thu được là 10 viên ma túy tổng hợp.

Tháng 8/2008, 5 cầu thủ đội Xi măng Hải Phòng bị phát hiện sử dụng ma túy tổng hợp sau khi V.League kết thúc.

Cùng năm, 5 cầu thủ Hà Nội T&T (tiền thân Hà Nội FC) là Anh Thi, Sỹ Mạnh, Trọng Minh, Quốc Tuấn, Xuân Tú bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang sử dụng thuốc lắc ở một khách sạn tại TP Hồ Chí Minh.

Gần đây nhất, ngày 6/6/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thi hành lệnh bắt tạm giam 6 cầu thủ của Câu lạc bộ bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu để điều tra về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra trong trận đấu giữa Bà Rịa - Vũng Tàu và SHB Đà Nẵng thuộc khuôn khổ Cúp Sao Vàng diễn ra ngày 24/12/2023.

Điều tra mở rộng vụ án, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, trong trận đấu giữa Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tại Cúp quốc gia trên sân vận động Đồng Nai ngày 24/11/2023, một số cầu thủ đã thỏa thuận thi đấu theo ám hiệu của 1 đối tượng (chưa rõ nhân thân lai lịch) trên khán đài để đá dưới sức dẫn tới thua 0-2, từ đó hưởng lợi 24 triệu đồng/người thông qua chuyển khoản ngân hàng.

Thời gian qua, tại các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, công tác phòng, chống tiêu cực luôn được ưu tiên hàng đầu. Ngoài việc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng thường xuyên trao đổi thông tin với các bộ phận chức năng của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, hợp tác cùng các công ty chuyên phân tích dữ liệu thể thao để ngăn chặn các hành vi tiêu cực.

Vẫn biết rằng tập luyện, thi đấu các môn thể thao nói chung đòi hỏi những hi sinh nhất định về thể chất, tinh thần và cả tuổi thanh xuân của mỗi vận động viên, nhưng không vì thế mà khi mệt mỏi, rảnh rỗi trong kỳ “xả trại” lại cho phép bản thân sa ngã trước những cám dỗ “phù phiếm, khói mây”.

Bao tháng năm rèn luyện, học tập, phấn đấu để mang lại thành tích cho bản thân, vinh quang cho câu lạc bộ, đội tuyển, là tấm gương cho thế hệ đàn em... giờ coi như đổ sông, đổ bể.

Đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai, bất kỳ lý do gì. Sức khỏe là thứ quý giá nhất của mỗi người. Vậy nên ai cũng cần có bản lĩnh và sự quyết tâm nói không với các loại hóa chất, thuốc kích thích tạo ảo giác. Đừng đánh mất chính mình!

Quyết định sai lầm thường phải trả giá, thậm chí cực đắt. Với họ, tương lai trở lại môi trường thể thao chuyên nghiệp trở nên mù mịt hơn bao giờ hết./.