Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

 

Chủ động đấu tranh làm thất bại thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch

Trước hết, về mặt nhận thức, tư tưởng, cần xác định rõ: CNĐQ, các thế lực thù địch là đối tượng của cách mạng Việt Nam. Họ đã và đang tiến hành chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội. Do đó, chống “Diễn biến hòa bình” thực sự là “cuộc chiến” không khoan nhượng, diễn ra hằng ngày, hằng giờ, hết sức quyết liệt, phức tạp. Trong đó, đối tượng mà họ nhằm vô hiệu hóa, trước hết “phi chính trị hóa” là lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là QĐND và Công an nhân dân. Đây là lực lượng có chức năng bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mục tiêu của họ nhằm tách Quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Quân đội đứng ngoài chính trị, Đảng Cộng sản mất chỗ dựa vững chắc, mất vai trò lãnh đạo đối với Quân đội, dẫn tới mất vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Và, một khi vai trò lãnh đạo của Đảng bị vô hiệu hóa, bị xóa bỏ, thì tất nhiên chế độ XHCN sẽ sụp đổ. Để hiện thực hóa mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội và đạt mục tiêu nêu trên, các thế lực thù địch sử dụng mọi lực lượng, phương tiện, tiền bạc, vật chất và tiến hành bằng mọi biện pháp, mọi “chiêu bài” xảo quyệt, tinh vi, thâm độc, nhưng nhìn chung các hoạt động diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng. Nội dung mà họ tập trung tuyên truyền chống phá là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho Quân đội ta từng bước rời bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, để chống mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch đạt hiệu quả cao thì trước hết và quan trọng nhất là phải chủ động đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, cốt yếu là nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác và phải chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, cả lực lượng, phương tiện, vật chất đảm bảo,… với phương pháp tiến hành (cách thức) linh hoạt, chủ động và có hệ thống giải pháp đồng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi trong “cuộc chiến” quyết liệt này.

Về lực lượng, cần có lực lượng đấu tranh rộng rãi là toàn dân và lực lượng nòng cốt được tổ chức thành hệ thống trong các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các viện, trung tâm nghiên cứu, học viện, nhà trường…; trong đó, Quân đội, Công an đóng vai trò xung kích của lực lượng nòng cốt. Những người trong lực lượng nòng cốt phải gồm các nhà nghiên cứu, khoa học có trình độ lý luận chính trị cao, kiến thức rộng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu kinh nghiệm viết bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội.

Về phương tiện, gồm các phương tiện truyền thông, đấu tranh trên in-tơ-nét, các trang mạng xã hội, Blog,… kết hợp với các phương thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình và đối tượng. Đối với các cơ quan báo chí, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ, định hướng kịp thời, phân công và phân cấp tuyên truyền về các sự kiện một cách phù hợp; trong đó báo chí quân đội phải là lực lượng nòng cốt, xung kích trong đấu tranh chống quan điểm “phi chính trị hóa” quân đội.

Về phương pháp đấu tranh, cần phải chủ động, linh hoạt, tránh thụ động khi có sự việc phức tạp xảy ra mới tổ chức tuyên truyền, đấu tranh. Quá trình thực hiện phải coi trọng đấu tranh trực diện, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, hòng làm phai nhạt bản chất giai cấp, lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu của Quân đội, hoặc kích động gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ giữa Quân đội với Công an và Đảng, Nhà nước. Cần kết hợp đấu tranh tuyên truyền chống các luận điểm “phi chính trị hóa” quân đội một cách thường xuyên với tuyên truyền theo đợt (cao điểm), nhất là vào thời điểm tổ chức các sự kiện lớn của đất nước và Quân đội.

Về chính sách và cơ chế, cần có chính sách, cơ chế hợp lý nhằm động viên, khuyến khích và bảo vệ những người viết bài đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, trong đó có “phi chính trị hóa” quân đội. Đồng thời, có cơ chế cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền kịp thời và quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chỉ đạo, quản lý báo chí và sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí trong và ngoài Quân đội để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng.

Ba2505

 

 

Cảnh giác với luận điệu bôi nhọ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

    Vào thời điểm Đảng bộ Quân đội và toàn quân đang mở một đợt sinh hoạt chính trị, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, sớm đưa Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, vào thực tiễn cách mạng và hoạt động quân sự, thì những kẻ hiềm khích cùng thế lực thù địch, ráo riết triển khai một đợt cao điểm chống phá, hòng hiện thực âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội.

Chúng cố tình bôi nhọ, hạ bệ hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hạ thấp vai trò của quân đội và chia rẽ mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân-dân.

Bóc trần âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc

Xét về bản chất, âm mưu, thủ đoạn nêu trên của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là nhằm tách rời sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, chuyển hướng chính trị Quân đội ta từ quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân sang kiểu quân đội tư bản, nhà nghề do giai cấp tư sản lãnh đạo, phục vụ cho mục đích của giai cấp tư sản.

Cùng với đó, những thủ đoạn cũng chĩa mũi nhọn vào bôi đen những giá trị chuẩn mực đạo đức Bộ đội Cụ Hồ, tạo sự lệch chuẩn trong nhận thức và hành động của một số cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị. Từ đó, hòng làm cho bộ đội ta mất phương hướng chính trị, không phân biệt rõ bạn-thù, đối tượng-đối tác; xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu; tha hóa về đạo đức, lối sống; rệu rã về mặt tổ chức, không còn là công cụ sắc bén để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân.

Để thực hiện mưu đồ đó, chúng tìm trăm phương nghìn kế để chống phá, thúc đẩy “phi chính trị hóa” quân đội trong thời gian dài, nhưng “xới lên” rầm rộ ở từng thời điểm, mà dịp Quân đội ta triển khai Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương như vừa qua là một ví dụ.

Theo đó, các thế lực thù địch tập trung sự xuyên tạc vào những vấn đề cơ bản về chính trị, bản chất giai cấp, hệ tư tưởng, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, đến những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, công tác cán bộ, vũ khí, trang bị, mối quan hệ đoàn kết quân dân, mối quan hệ cán bộ-chiến sĩ, tình trạng vi phạm kỷ luật của bộ đội...

Các thế lực thù địch liên tục sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau, tung hỏa mù hòng làm cho cán bộ, chiến sĩ lung lạc, mất phương hướng, không phân biệt được đúng-sai, khó nhận diện và đề phòng trước âm mưu, thủ đoạn chống phá.

Chúng còn đánh đồng bản chất với hiện tượng, nhằm xóa nhòa ranh giới giữa quân đội cách mạng với phản cách mạng; giữa xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị với sự thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, đứng ngoài các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; xóa nhòa cái đẹp, cái tốt của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ với những “mực thước” mà chúng tự bịa đặt về công lý, nhân quyền, hay sự lừa bịp “quân đội chỉ cần hiếu với dân, chứ không cần trung thành với Đảng”...

Thế nhưng, dù mưu mô, thủ đoạn có nham hiểm, tinh vi thế nào, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam vẫn vững vàng trước thử thách, luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Thực tế cho thấy, dù không thể đạt mục đích và dã tâm đề ra, song mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch vẫn chưa bao giờ và không bao giờ thay đổi. Chúng tìm đủ mọi thủ đoạn, cách thức mới, thâm độc và xảo quyệt hơn, triệt để lợi dụng mọi cơ hội, điều kiện, kẽ hở... nhằm đạt cho bằng được mưu đồ bẩn thỉu; trong đó, bôi nhọ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hạ thấp vai trò của quân đội được cho là công cụ chủ đạo.

Không khó để nhận ra nhiều bài viết trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây đưa ra những luận điệu bịa đặt, cố tình suy diễn rằng “mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội đã thay đổi” nên bị “khuất phục, làm ngơ trước sự xâm lấn biển, đảo của nước ngoài”.

Qua đó, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, cổ xúy, kêu gọi “dân sự hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội. Lợi dụng việc xử lý vi phạm kỷ luật một số cán bộ cấp cao trong quân đội vừa qua, chúng chủ ý xuyên tạc công tác quản lý, giáo dục, tạo kẽ hở cho cán bộ vi phạm; dựa trên một số thông tin, tư liệu trong các sự kiện, nhân chứng chưa được làm sáng tỏ để tán phát nhiều tin, bài, video clip, phóng sự, bình luận, suy diễn, áp đặt ý kiến chủ quan gây nghi ngờ, mâu thuẫn giữa cán bộ, sĩ quan quân đội với cựu chiến binh, giữa cựu chiến binh với nhân chứng lịch sử; phát động phong trào đòi xét lại lịch sử dân tộc, quân đội...

Nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng những bức xúc cá nhân liên quan đến đời sống riêng tư, gia đình... hòng “đánh tráo khái niệm”, “đổi trắng thay đen” cho đó thuộc phạm trù bản chất, truyền thống quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ, chiến sĩ với chiến sĩ; từ đó, sử dụng chiêu trò “dương đông kích tây”, đưa thông tin hiện trường vụ việc, gây bán tín bán nghi, làm dư luận bị cuốn theo; đẩy “nóng vấn đề”, kích động cộng đồng mạng “tạo áp lực, yêu sách” với quân đội, nhen nhóm dư luận tiêu cực trong nhân dân nhằm tẩy chay, không cho con em nhập ngũ...

Thông qua những sự việc này, chúng còn nói xấu, hạ thấp uy tín đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, làm phai nhạt hình tượng quân đội cách mạng được nhân dân tôn vinh, trân quý từ ngày thành lập đến nay, hòng dễ bề phân rã về tư tưởng, chia rẽ sự đoàn kết quân dân, làm phai nhạt phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong lòng nhân dân.

Có thể nói, bất kỳ một sự việc, hiện tượng nào trong quân đội có thể lợi dụng để xuyên tạc, chống phá theo kiểu “thổi tàn thành lửa” là chúng có thể tận dụng kỳ được, kích hoạt a dua, kéo bè kéo cánh, dùng mọi thủ đoạn để công kích, nói xấu, bội nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò của Quân đội ta.

Đặc biệt, trong các đợt phòng, chống dịch Covid-19 hai năm vừa qua thì sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị càng thể hiện rõ dã tâm và không từ bỏ bất kỳ mưu mô, thủ đoạn nào. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tới nay, hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ QĐND được huy động phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia giải quyết những vấn đề nóng về dịch bệnh tại nhiều địa phương trong cả nước.

Với tinh thần: Giúp dân là mệnh lệnh trái tim của Bộ đội Cụ Hồ; ở đâu dân cần, ở đâu khó khăn thì ở đó có Bộ đội Cụ Hồ và quyết tâm thực hiện “ba nhất”: Nhận thức, trách nhiệm cao nhất; giúp đỡ nhân dân được nhiều nhất; chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn tốt nhất. Tất cả những việc làm đó góp phần làm giảm gánh nặng phòng, chống dịch cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương. Thế nhưng, trên mạng xã hội, một số tổ chức, cá nhân thù địch lại cố tình rêu rao, xuyên tạc, bôi đen nghĩa cử cao đẹp ấy của cán bộ, chiến sĩ quân đội.

Để tăng phần hấp dẫn những người nhẹ dạ cả tin, chúng cắt ghép, ngụy tạo những bức ảnh, video clip... lồng vào tin, bài bóp méo, xuyên tạc, chế nhạo những việc làm của cán bộ, chiến sĩ quân đội trong giúp dân phòng, chống dịch.

Một số kẻ đăng trên mạng xã hội nhiều bài viết có nội dung suy diễn, xuyên tạc chủ trương đưa quân đội, công an tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là “trái Hiến pháp, pháp luật”, là vì “lý do an ninh, quốc phòng” chứ không vì nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Khi nói về việc bộ đội đi chợ, đảm trách cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân thì họ suy diễn mang tính chủ quan, phiến diện, một chiều: “Quân đội đi chợ cho dân, dân sợ mất hồn!”, vì theo họ: “Bộ đội vốn được huấn luyện, đào tạo để nhằm phục vụ cho sức mạnh trấn áp đối phương chứ nào phải để làm chuyện chi li nhỏ mọn là chợ búa...”...

Tất cả những giọng điệu, chiêu trò ấy của lực lượng thù địch, chống phá không nhằm mục đích nào khác là bóp méo, xuyên tạc chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ ta; bôi nhọ phẩm chất, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, hạ thấp uy tín, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Quân đội ta.

Lịch sử gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam cho thấy, quân đội luôn đồng hành với dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đánh bại đế quốc, thực dân, đưa non sông thu về một mối và hiện nay đang giữ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Trải qua các giai đoạn cách mạng, trong bất luận mọi tình huống, trước mọi nhiệm vụ hay khó khăn, thử thách tột cùng, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trên mọi lĩnh vực, vai trò của quân đội luôn được khẳng định, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cùng bạn bè bốn bể, năm châu.

Ba2505

 

Bộ Quốc phòng trao 40 tỷ đồng ủng hộ các địa phương và nhân dân bị thiệt hại do bão lũ

 

Ngày 17-9, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam làm trưởng đoàn trao số tiền 40 tỷ đồng ủng hộ các địa phương và đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão gây ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết: Trong những ngày qua, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ra thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân các tỉnh phía Bắc. QĐND Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, thể hiện vai trò nòng cốt trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố thiên tai, thảm họa; tổ chức trực với quân số hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ (trong đó điều động, sử dụng 143.700 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ); hơn 5.320 phương tiện ô tô, xe đặc chủng, tàu, xuống… bằng mọi biện pháp quyết liệt tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ.

Bộ Quốc phòng trao 40 tỷ đồng ủng hộ các địa phương và nhân dân bị thiệt hại do bão lũ
 Trung tướng Trương Thiên Tô phát biểu tại buổi làm việc.

Quân đội đã tổ chức thông báo cho các phương tiện hoạt động trên biển, kêu gọi hơn 51.000 tàu thuyền với gần 220.000 người dân di chuyển về nơi an toàn; gia cố, hộ đê, xử lý sạt trượt 21.297m; tổ chức di dời hơn 96.000 hộ dân với gần 375.000 người đến nơi an toàn; cứu nạn được 870 người, tìm kiếm được 175 thi thể bàn giao cho địa phương. Cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, đi đầu trong các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ; đã có những cán bộ, chiến sĩ hy sinh, bị thương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Quốc phòng trao 40 tỷ đồng ủng hộ các địa phương và nhân dân bị thiệt hại do bão lũ
Trung tướng Trương Thiên Tô trao biển tượng trưng 40 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Bên cạnh việc huy động lực lượng, các cơ quan, đơn vị toàn quân còn ủng hộ về tiền, cơ sở vật chất tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân trong vùng bị thiệt hại hàng trăm tấn hàng (lương khô, mì tôm, nước uống, thịt hộp, sữa…); vận chuyển 100 tấn gạo do Chính phủ cấp, hỗ trợ cho các tỉnh; hỗ trợ nhân dân và chính quyền địa phương vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, bệnh; khắc phục, sửa chữa các công trình an sinh xã hội trên địa bàn bị thiệt hại do bão và mưa lũ gây ra, khôi phục các hoạt động bình thường sau bão; kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản.

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3; là thành viên tích cực của MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng tiếp tục huy động các doanh nghiệp Quân đội ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3 gây ra với tổng số tiền 40 tỷ đồng chuyển đến Ban Vận động Cứu trợ Trung ương (Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel: 20 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội: 10 tỷ đồng; Tổng công ty Đông Bắc: 10 tỷ đồng).

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đồng bào đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 gây ra, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, số tiền này sẽ được Ban Vận động cứu trợ Trung ương sử dụng đúng mục đích, yêu cầu, công khai và phân bổ kịp thời, minh bạch tới các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi cơn bão đi qua để khắc phục hậu quả bão lũ, giúp đỡ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Ban Thanh niên Quân đội thăm, tặng quà đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai tại Nguyên Bình

 

Chiều 17-9, tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Ban Thanh niên Quân đội chủ trì, phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 1 cùng các cơ quan, đơn vị đồng hành tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dân bị thiệt hại bởi bão lũ và cán bộ, chiến sĩ quân đội đang giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn.

Cùng với các hoạt động tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, từ ngày 13-9, Ban Thanh niên Quân đội đã phối hợp với cơ quan chính trị các đơn vị, gồm Quân khu 1, Quân khu 2, Tổng cục Kỹ thuật, Học viện Hậu cần, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Tecapro, cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình tặng quà cho nhân dân một số địa phương, bao gồm: Huyện Phú Lương và thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai).

Ban Thanh niên Quân đội thăm, tặng quà đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai tại Nguyên Bình
Đoàn công tác trao hỗ trợ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nguyên Bình. 
Ban Thanh niên Quân đội thăm, tặng quà đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai tại Nguyên Bình
Trao hỗ trợ tại xã Yên Lạc (Nguyên Bình). 
Ban Thanh niên Quân đội thăm, tặng quà đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai tại Nguyên Bình
Trao hỗ trợ tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nguyên Bình. 
Ban Thanh niên Quân đội thăm, tặng quà đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai tại Nguyên Bình

Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội trao hỗ trợ các gia đình có người thân thiệt mạng, bị thương và mất nhà cửa do sạt lở đất. 

Trong hoạt động, rất nhiều phần quà thiết thực đã được trao cho người dân tại 4 tỉnh phía Bắc như 15 tấn gạo, 2.500 thùng mì tôm, 2.000 thùng cháo ăn liền, 5.300 thùng sữa, 4.500 thùng nước uống, gần 1.000 thùng thịt hộp ăn liền. Cùng với đó là nhiều vật dụng, đồ dùng, thuốc men y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu khác với tổng trị giá 2,6 tỷ đồng.   

Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội cho biết, trước những thiệt hại nghiêm trọng về người, cơ sở hạ tầng, tài sản, vật chất và hoa màu của nhân dân các tỉnh phía Bắc trong cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở sau bão, tổ chức Đoàn các cấp trong toàn quân đã thực sự phát huy vai trò xung kích. Qua đó, có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, hiệu quả trong tham gia trực sẵn sàng chiến đấu, cơ động cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản và giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Những việc làm trên đã góp phần cùng với tuổi trẻ cả nước nêu cao nét đẹp truyền thống của dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc, sẻ chia một phần những khó khăn về vật chất, tinh thần của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời thắt chặt tình cảm đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới

 

Sáng 18-9, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự (KHXH&NVQS), Học viện Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Các đồng chí: Đại tá, PGS, TS Hoàng Văn Phai, Viện trưởng Viện KHXH&NVQS; Đại tá, TS Bùi Thanh Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện KHXH&NVQS đồng chủ trì hội thảo.

Thời gian qua, hội thảo nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, chỉ huy Viện KHXH&NVQS; sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các nhà khoa học, đại biểu và đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Ban tổ chức nhận được 52 bài tham luận có chất lượng tốt góp phần khẳng định, làm rõ vai trò hệ giá trị văn hóa trong xây dựng QĐND Việt Nam.

Các bài tham luận thống nhất khẳng định: Hệ giá trị văn hóa Việt Nam bao gồm những đặc trưng cơ bản, giá trị cốt lõi tiêu biểu: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; góp phần định hình, định hướng và thúc đẩy các cơ quan, đơn vị toàn quân không ngừng hoàn thiện, trở thành đơn vị văn hóa, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu” hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới
Đại tá, TS Bùi Thanh Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện KHXH&NVQS phát biểu tại hội thảo.
Phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới
Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá, TS Bùi Thanh Cao, Bí thư Đảng ủy, Phó viện trưởng Viện KHXH&NVQS cho biết, các giá trị văn hóa đã từng bước thẩm thấu, lan tỏa trực tiếp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, giữ vai trò điều tiết các mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị để tạo nên sự phát triển hài hòa, đồng bộ trong mọi hoạt động, tạo nên sức mạnh tổng hợp của mỗi đơn vị cũng như của toàn quân. Những giá trị văn hóa thấm sâu vào mỗi quân nhân sẽ trở thành lực lượng tinh thần mạnh mẽ nâng cao năng lực hoạt động của từng quân nhân, tạo nên sức mạnh chung của Quân đội, của nền quốc phòng toàn dân, giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, ứng phó hiệu quả các thảm họa thiên tai…

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng Quân đội. Hội thảo đã làm rõ những vấn đề lý luận; quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; vai trò hệ giá trị văn hóa trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Thực tiễn và định hướng phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng QĐND Việt Nam thời kỳ mới.

Theo đó, để phát huy tốt hệ giá trị văn hóa trong xây dựng QĐND Việt Nam, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, các lực lượng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác bảo đảm về cơ sở, vật chất phục vụ cho xây dựng các thiết chế, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong xây dựng QĐND Việt Nam.

Triển khai nhiệm vụ phòng, chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

 

Sáng 18-9, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các địa phương sẵn sàng phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; thường xuyên theo dõi sát tình hình thời tiết, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Triển khai nhiệm vụ phòng, chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Chủ động rà soát các kế hoạch, phương án, địa bàn cụ thể, duy trì nghiêm quân số, phương tiện, trang bị, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống. Các đơn vị tuyến ven biển phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức tuyên truyền, thông báo cho người dân địa phương, các chủ phương tiện tàu thuyền nắm chắc diễn biến của mưa, bão, phối hợp giúp nhân dân địa phương chằng chống nhà cửa, phương tiện tàu thuyền tại nơi neo đậu an toàn.

Triển khai nhiệm vụ phòng, chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Quảng Điền, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế chống sạt lở đê cống Mai Dương, xã Quảng Phước. 

Sáng cùng ngày, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử các đoàn công tác về các địa bàn trọng điểm ven biển để nắm tình hình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương chuẩn bị các phương án, kế hoạch, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống mưa, bão.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

 

Trước khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị trên 2 tuyến biên giới triển khai các biện pháp ứng phó, giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đến 10 giờ sáng 18-9, các cơ quan, đơn vị BĐBP tỉnh Quảng Bình đã phối hợp thông báo, kêu gọi 7.262/7.313 phương tiện với 18.692 lao động vào bờ tránh trú, neo đậu tại bến. Trên biển hiện còn 43 tàu thuyền và 287 lao động ở Quảng Bình đã nhận được thông báo, dự kiến vào bờ chiều nay.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới
 Đồn Biên phòng Nhật Lệ, BĐBP tỉnh Quảng Bình kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú.

Trước đó, vào tối 17-9, các đài canh vô tuyến điện tuyến biển đã thực hiện hàng trăm lượt thông báo, kêu gọi các phương tiện hoạt động tìm nơi tránh trú an toàn; tổ chức kiểm đếm, cập nhật hải trình các tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Trên tuyến biên giới đất liền, thông qua hệ thống loa "truyền thanh bản xa", các đơn vị đã thông báo diễn biến tình hình thời tiết tới các thôn bản, kêu gọi người dân không vào rừng và liên lạc yêu cầu những người đang ở trong rừng trở về nhà; phối hợp rà soát kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng, sẵn sàng di dời người, tài sản đến nơi an toàn...

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Tàu thuyền neo đậu tại âu thuyền Bắc Trạch, huyện Bố Trạch.

Hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các phương án phòng, chống thiên tai, chủ động di dời dân ở khu vực biên giới có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét. Các đơn vị tuyến biển phối hợp kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền tại các âu thuyền vào khu vực neo đậu bảo đảm an toàn.

NHỮNG BÀN CHÂN LẶNG LẼ


Có bàn chân lặng lẽ

Giữa dòng đời như nước cuốn

Chập chờn trắng đen không thể nhìn thấy đáy

Từ trong bão giông vẫn nghe tiếng gọi.


Năm tháng xa mờ như mây bay

Ai khóc, ai cười ngang qua đây

Cuộc đời như giấc mộng trả vay.


Ai giữ ngọn lửa trông đêm đen

Ai đếm những bàn chân vô danh

Gửi làn hương thầm theo về trong gió

Suốt chặng đường gian nan.

Tim người lính lồng bóng hình đất nước

Những hình ảnh người lính Việt Nam trong và sau khi bão đi qua trên các phương tiện thông tin đại chúng thật cảm động 


VŨ THẢO

THANH CAO HƠN CẢ CHỮ THẦY!

Các cụ xưa có câu: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Người thầy có vị trí thanh cao nhất trong chữ thanh cao của xã hội, nhưng với Thầy Nguyễn Xuân Khang còn hơn cả như vậy. Mới đây, Thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho hay những ngày qua, khi theo dõi tin tức tang thương trong vụ lũ quét ở Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai), lắng nghe câu chuyện của những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi bố mẹ hay chỉ còn bố hoặc mẹ, thầy không khỏi xót xa và mong muốn phải làm một điều gì đó.

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải bù đắp cho các con”, suy nghĩ ấy cứ thế thôi thúc thầy.

Ngay tại thời điểm ấy, thầy giáo Hà Nội nghĩ điều mình có thể làm là nhận “nuôi” tất cả các em may mắn còn sống sót, để các em được ấm no và học hành tử tế./.


Sau đó, thầy nhờ chính quyền và phòng giáo dục lập danh sách các cháu từ 15 tuổi trở xuống, còn sống sót sau vụ lũ quyét ở Làng Nủ. Thầy Khang và Trường Marie Curie quyết định sẽ nhận “nuôi” các em ăn học cho đến 18 tuổi, bằng cách cấp tiền 3 triệu đồng/em/tháng, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu.


Theo: Vietnamnet

Giúp dân ổn định sau mưa lũ

 

Những ngày qua, tại tỉnh Thái Nguyên, hàng trăm hộ gia đình ở khu vực ven sông Cầu bị ngập sâu trong biển nước. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 601 (Quân khu 1) đã khẩn trương giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão.

Hiện nay, mực nước ở TP Thái Nguyên đã dần rút xuống, nhưng để lại nhiều thiệt hại nặng nề. Ngay khi tiếp nhận thông tin từ địa phương, Lữ đoàn Thông tin 601 đã huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ có mặt tại khu vực được phân công, nhanh chóng phối hợp với lực lượng chức năng, khảo sát, đánh giá tình hình và khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, đơn vị đã tham gia hỗ trợ khơi thông cống rãnh, di dời nhiều tài sản, dọn dẹp vệ sinh đường phố, trụ sở cơ quan, trường học, nhà cửa trên địa bàn, giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Giúp dân ổn định sau mưa lũ

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 601 (Quân khu 1) dọn dẹp đường sá tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. 

Là một trong những gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, anh Vũ Thanh Hà, trú tại tổ 2, phường Chùa Hang (TP Thái Nguyên) chia sẻ: “Sau bão, nước dâng lên quá nhanh khiến gia đình tôi không kịp trở tay. Nhiều thiết bị điện tử và tài sản khác trong nhà bị hư hỏng nặng. Sau khi nước lũ rút để lại lượng bùn đất cao hơn 1m khiến gia đình không thể sinh hoạt được. Nhưng may mắn, gia đình tôi đã được cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 601 giúp đỡ dọn dẹp lại nhà cửa”. Cùng chung cảnh ngộ với anh Hà, gia đình chị Nguyễn Linh Chi ở tổ 2, phường Chùa Hang, bị nước lũ cuốn trôi cả một kho hàng có giá trị, khiến gia đình chị phải sơ tán. Nhìn lại đống đổ nát, chị Linh Chi xúc động bày tỏ niềm vui mừng khi có bộ đội đến tận nhà nhiệt tình hỗ trợ dọn dẹp, vận chuyển đồ đạc, gạt bùn đất từ trong nhà ra đầu ngõ.

Tại các địa điểm cứu hộ, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 601 gặp khá nhiều khó khăn, bởi thời tiết vẫn tiếp tục mưa to, gây sạt lở, khối lượng bùn đất trên các tuyến đường cũng như tại các hộ gia đình rất lớn. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải hành quân bộ hàng chục cây số, không quản vất vả, hiểm nguy để đến những địa điểm hỗ trợ nhân dân. Theo Đại tá Nguyễn Bá Vịnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Thông tin 601, sau những ngày làm việc liên tục, với tinh thần khẩn trương và chuẩn bị chu đáo, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Thông tin 601 đã khắc phục được một số hậu quả do thiên tai gây ra. Hơn 30 tuyến đường lớn nhỏ được khai thông, hàng trăm căn nhà được gia cố vững chắc, dọn dẹp sạch sẽ để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng y tế tổ chức phun khử khuẩn phòng, chống dịch sau lũ lụt cho hơn 100 hộ dân. Đơn vị đã trực tiếp hỗ trợ hơn 300kg lương khô cho các gia đình bị cô lập, gia đình chính sách bị ngập sâu...

Hành động kịp thời hỗ trợ, giúp dân trước và sau thiên tai của Lữ đoàn Thông tin 601 đã để lại tình cảm sâu đậm trong lòng bà con trên địa bàn, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Qua đó thể hiện sâu sắc tình cảm quân dân và tô sáng thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.