Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024
BỘ ĐỘI CỤ HỒ - MỘT DI SẢN VĂN HÓA XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC TÔN VINH TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY
TOÀN VĂN CHỈ THỊ 35 ngày 17.9.2024
Biện pháp hữu hiệu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Học viện Quốc phòng luôn nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT). Phong trào thi đua ở Học viện là cơ sở, động lực và biện pháp hữu hiệu thúc đẩy mọi thành viên không ngừng đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ.
Nhận thức đúng đắn về vai trò của phong trào thi đua, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã có nhiều biện pháp sáng tạo, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường giáo dục bản lĩnh chính trị, xây dựng động cơ thi đua đúng đắn, biến quyết tâm thi đua thành hành động thiết thực trong xây dựng Học viện. Từng cơ quan, khoa, hệ, đơn vị đã cụ thể hóa các chỉ tiêu thi đua, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp và quy trình tổ chức thi đua, gắn với thực hiện “3 khâu đột phá” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ XI.
Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của cấp trên, đẩy mạnh Phong trào TĐQT, tập trung hoàn thành tốt công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng, chú trọng giáo dục lòng yêu nước, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về “đối tượng”, “đối tác”, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, cơ hội. Đồng thời triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tạo nhận thức đúng đắn, tinh thần trách nhiệm cao, ý thức tự giác của tập thể, cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới", gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng Đảng.
Quá trình triển khai công tác thi đua, khen thưởng và Phong trào TĐQT, cấp ủy, chỉ huy cơ quan, khoa, hệ đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc; kịp thời biểu dương, khen thưởng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Phong trào TĐQT của Học viện được tiếp thêm sức mạnh từ hiệu quả thực hiện các cuộc vận động, phong trào của các ngành, các tổ chức quần chúng, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Trong giai đoạn 2019-2024, toàn Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục-đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH), bảo đảm cho Học viện giữ vững vị trí là trung tâm huấn luyện-đào tạo (HL-ĐT), NCKH hàng đầu của Quân đội và quốc gia về lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của tổ chức đảng cấp trên và cấp mình về đổi mới công tác giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới, Học viện đã đẩy mạnh thi đua thực hiện tốt phương châm của Quân ủy Trung ương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Nâng cao chất lượng bài giảng, giờ giảng, thảo luận, tập bài, diễn tập, tham quan, nghiên cứu thực tế; tăng cường tương tác giữa giảng viên và học viên; rèn luyện bản lĩnh, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên và chiến sĩ.
Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Học viện đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch, phương pháp HL-ĐT, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh, vừa bảo đảm chất lượng HL-ĐT. Hằng năm, cử các đoàn cán bộ, giảng viên đi giảng bài, nghiên cứu thực tế địa bàn các quân khu, quân đoàn và quần đảo Trường Sa... tham gia các hội thi, hội thao, tập huấn, diễn tập của Bộ Quốc phòng, qua đó nâng cao khả năng, chất lượng HL-ĐT sát thực tế, bảo đảm mỗi học viên ra trường đều thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trên từng cương vị công tác.
Học viện kiên trì, nỗ lực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp HL-ĐT phù hợp với thực tiễn, đối tượng tác chiến; tiến hành đổi mới, xây dựng 118 chương trình đào tạo theo chức vụ; chủ động nghiên cứu đổi mới, xây dựng 6 chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 5 chương trình các lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị với chất lượng tốt, góp phần xây dựng đội ngũ cấp ủy, cán bộ chủ trì trong toàn quân, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới. Điểm nhấn trong phong trào thi đua là đã tạo sự đột phá vào đổi mới các hình thức, phương pháp giảng bài, thảo luận, tập bài, nghiên cứu thực tế, diễn tập, tự học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành huấn luyện, diễn tập và giảng dạy.
Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” phát triển sâu rộng với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu là các mô hình: “Giờ giảng mẫu, bài giảng mẫu”, “Giảng bài theo phương pháp tích cực”, “Học tốt, rèn nghiêm, quản lý tốt”. Bằng những biện pháp đồng bộ và sự nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, phong trào thi đua đã phát huy cao độ trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời nâng cao tính chủ động, tự giác, tích cực của người học. Trong 5 năm, Học viện có 20 đồng chí được công nhận chức danh phó giáo sư, 20 đồng chí được công nhận là Giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng, 128 đồng chí được công nhận là Giảng viên dạy giỏi cấp Học viện.
Phong trào TĐQT đã động viên đội ngũ cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học phát huy trách nhiệm, khắc phục những khó khăn, không quản ngày đêm miệt mài NCKH. Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Học viện đã làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh-Giá trị, ý nghĩa và định hướng” có ý nghĩa lớn, giá trị sâu sắc, sức lan tỏa cao. Bằng trí tuệ, kinh nghiệm và lòng đam mê sáng tạo, các nhà khoa học của Học viện đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong 5 năm qua, toàn Học viện đã hoàn thành nghiên cứu 163 đề tài các cấp, trong đó có 4 đề tài cấp quốc gia, 9 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, 150 đề tài cấp cơ sở; biên soạn 477 tài liệu huấn luyện và dạy học các cấp, 75 chuyên đề; 5 cuộc hội thảo khoa học (cấp quốc gia 1, cấp Học viện 4). Nhiều đề tài khoa học về quốc phòng, quân sự của Học viện có giá trị lý luận và thực tiễn, được cấp trên đánh giá tốt. Có nhiều đề tài, sáng kiến đạt xuất sắc và được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đạt hiệu quả cao.
Kết quả NCKH góp phần nâng cao chất lượng HL-ĐT của Học viện và các đơn vị trong toàn quân; bổ sung, phát triển nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, đồng thời làm tốt công tác tham mưu chiến lược, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định, bổ sung chủ trương, đường lối, chính sách về quốc phòng, quân sự và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bám sát các chỉ thị, hướng dẫn của trên về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, toàn Học viện đã dấy lên phong trào thi đua mang tính quần chúng sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Khẩu hiệu: “Làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh”, “Thực hiện nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật”, đổi mới phong cách, tác phong công tác được các cơ quan, khoa, hệ trong toàn Học viện duy trì thường xuyên, liên tục, đem lại hiệu quả thiết thực. Những năm qua, tuyệt đại đa số cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy định của Học viện. Từ năm 2019 đến nay, Học viện không có trường hợp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường là 0,14%, giảm 0,07% so với giai đoạn 2014-2019.
Các phong trào thi đua "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy", "Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt", “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt”, "Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả" và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”... đã cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, bảo đảm kịp thời cho nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất. Cảnh quan, môi trường trong toàn Học viện luôn được quan tâm tôn tạo, ngày càng khang trang, sạch đẹp. Quản lý trang bị, sử dụng tiết kiệm điện, nước, xăng, dầu; nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa trang bị kỹ thuật, bảo đảm hệ số kỹ thuật cao.
Trong những năm tới, phát huy truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, sáng tạo”, Học viện Quốc phòng tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực thúc đẩy Phong trào TĐQT lên tầm cao mới. Hướng các nội dung thi đua vào tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy các cấp trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; thực sự mẫu mực về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Học viện tiếp tục chú trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến ở các cấp; lan tỏa những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, giữ vững và phát huy mạnh mẽ kết quả hoàn thành nhiệm vụ HL-ĐT, NCKH và công tác.
Thực hiện tốt Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới", gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Học viện chính quy, tiên tiến, mẫu mực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nâng cao vị thế, uy tín của Học viện ngang tầm khu vực và quốc tế.
Ý nghĩa lịch sử của hai chiến thắng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Tháng 10-1944, khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trong vòng một tháng, phải có hoạt động gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội”.
Do tầm quan trọng của trận đầu tiên, từ tháng 11-1944, Ban chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, dưới sự chủ trì của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đã bắt tay ngay vào nghiên cứu chuẩn bị cho trận đánh. Sau khi bàn bạc rất kỹ lưỡng, trinh sát thực địa, nắm cơ sở, điều tra quy luật hoạt động của địch, ban chỉ huy Đội quyết định, dùng cải trang tập kích để đánh các đồn Phai Khắt vào chiều 25-12-1944 và Nà Ngần vào sáng 26-12-1944.
Hai ngày sau lễ thành lập, toàn đội xuất quân chiến đấu. Lực lượng đánh đồn gồm hai tiểu đội, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Để đột nhập đồn địch thuận lợi, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho chuẩn bị sẵn “giấy đi tuần” giả, có đóng dấu đỏ để phục vụ trận đánh. Chiều 24-12, đội cải trang thành lính dõng, hành quân về Phai Khắt. Sau khi nhận được tin Đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, 17 giờ, đồng chí Thu Sơn đóng giả “Đội xếp”, dẫn quân tiến vào đồn và nhanh chóng chia làm hai mũi: Mũi 1 chiếm nơi để súng, mũi 2 bao vây đồn. Đồng chí Thu Sơn hô to: “Rát-săm-măng” (tập hợp). Khi 17 tên lính và 1 tên cai đứng thành hàng ở giữa sân, đồng chí Thu Sơn chĩa ngang tiểu liên nói to: Chúng tôi là quân cách mạng, anh em giơ tay đầu hàng, sẽ không giết ai, giơ tay lên! Cùng lúc, các chiến sĩ chĩa súng vào quân địch. Không kịp trở tay, toàn bộ quân địch đầu hàng. Một lúc sau, tên chỉ huy đồn Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Kết quả, ta tiêu diệt 1 tên và bắt sống 17 tên, thu 17 khẩu súng, một ít đạn, quân trang. Ngay trong đêm 25-12, Đội hành quân tới xã Cẩm Lý (cách Phai Khắt 15km), nơi có đồn Nà Ngần, tiến hành rút kinh nghiệm, biểu dương các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ và phổ biến lại kế hoạch tiến công đồn Nà Ngần.
Đánh đồn Nà Ngần, Đội cải trang làm một toán lính dõng, lính khố đỏ, áp giải ba “Cộng sản Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Khoảng 7 giờ, sáng 26-12, đồng chí Thu Sơn cùng tổ xung phong dẫn “ba cộng sản” bị trói vào đồn, cùng với lá cờ tam tài Đội lấy được ở đồn Phai Khắt. Bọn lính trong đồn Nà Ngần tưởng thật, vội bố trí 6 lính và tên cai ra xếp hàng đón. Đội nhanh chóng vào trong đồn, 4 chiến sĩ tiến tới giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn, sau đó chia thành từng tổ vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên, vừa gọi địch đầu hàng. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu 27 súng và nhiều đạn. Đội nhanh chóng thu gom súng đạn, tài liệu và phát truyền đơn, biểu ngữ. Tù binh được tập hợp ở giữa sân, hai nữ đồng chí Cầm và Thanh giải thích cho họ hiểu chủ trương chính sách của Việt Minh. Một số tù binh xin đi theo cách mạng, còn lại xin trở về quê.
Hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần tuy quy mô không lớn, nhưng có ý nghĩa rất to lớn. Đây là hai trận đánh có tổ chức, kế hoạch, có công tác tham mưu, chính trị, hậu cần. Hai trận đánh tiêu diệt nhanh gọn, diễn ra cách nhau mười mấy giờ, ở hai địa điểm cách nhau khoảng 15km. Đây cũng là trận đánh ra mắt của Đội. Nó chứng tỏ nhận định sáng suốt của Đảng: Cách mạng lúc này đã từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Hai chiến thắng đã tác động mạnh mẽ, gây hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch, đồng thời, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng trong vùng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ, vùng dậy đạp đổ xiềng xích của thực dân, phong kiến, giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Đối với Đội, hai thắng lợi này tạo niềm tin tất thắng cho các chiến sĩ, đặc biệt để lại những bài học kinh nghiệm quý đầu tiên cả về chính trị và quân sự. Số vũ khí thu được sau hai trận đánh đã giúp Đội có thêm vũ khí, trang bị.
Với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, “hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã biểu hiện tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, trí thông minh, sáng tạo của chỉ huy, lòng yêu nước và dũng khí chiến đấu của toàn thể đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Tính nhân dân của một đội quân cách mạng biểu hiện trong khi thu dọn chiến trường, đặt kế hoạch chống địch khủng bố, bảo vệ dân”. Hai thắng lợi này còn thể hiện việc quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, là phải luôn dựa vào dân, phải có sự phối hợp tốt giữa bộ đội chủ lực và các đội vũ trang, các đội tự vệ địa phương.
Nhân dân và các đội du kích địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các trận đánh. Cán bộ cơ sở và quần chúng cách mạng địa phương đã giúp Đội nắm tình hình địch trong đồn, tìm quần áo lính dõng để cải trang đột nhập đồn địch. Họ còn đảm nhận việc tiếp tế, canh gác vòng ngoài, cảnh giới, giữ bí mật cho trận đánh. Và sau khi trận đánh thắng lợi, nhân dân lại giúp Đội thu dọn chiến trường, xóa dấu vết, giữ bí mật những hoạt động của Đội, giải quyết tù binh. Đội cũng đã phối hợp tốt với cán bộ địa phương, thống nhất trong việc đối phó với địch khi chúng quay lại… Những hoạt động trên đây, dù mới chỉ là bước đầu, đã là “mầm mống của cái mà ngay từ hồi đó đã được gọi là quần chúng chiến tranh”.
Về chính trị, hai chiến thắng đã góp phần thực hiện được phương châm “lấy chiến thắng để tuyên truyền vũ trang”, “lấy tuyên truyền vũ trang để giành chiến thắng mới” như lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị. Sau hai trận đánh, Đội cử người làm tốt công tác dân vận và đối xử tốt với tù binh, nên đã góp phần phát huy khí thế thắng lợi và khẳng định tính ưu việt của đội quân cách mạng.
Về chiến thuật, chiến thắng trọn vẹn của hai trận đầu ra quân là thành quả của sự vận dụng chiến thuật thích hợp. Trong hai trận đánh này, “chiến thuật tiến công bằng lối hóa trang kỳ tập (tập kích) đã mở đầu một cách xuất sắc trang sử chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Hóa trang kỳ tập là lối đánh tốn ít súng đạn, thương vong thấp, song hiệu quả chiến đấu lại cao, rất phù hợp với điều kiện của đội lúc đó mới thành lập, chưa được huấn luyện, vũ khí đạn dược ít ỏi. Hai trận đánh đầu tiên, ngoài việc tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong hai đồn, Đội còn thu được nhiều vũ khí, lương thực, phương tiện chiến đấu. Thắng lợi của hai trận đầu ra quân đã thể hiện một số nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự.
Thứ nhất, đó là nghệ thuật chọn mục tiêu và thời điểm tiến công. Về mục tiêu tiến công, trên cơ sở phân tích so sánh địch - ta, yêu cầu chắc thắng của trận đầu ra quân, ban lãnh đạo và chỉ huy Đội đã chọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mỗi đồn lực lượng địch chỉ có khoảng 20 tên. Hai đồn này địch lại tỏ ra chủ quan, canh gác bố phòng tương đối sơ hở, đường tiếp cận của quân ta đến đồn không xa. Hai đồn địch lại nằm cách xa nhau và xa trung tâm chỉ huy của địch (châu lỵ Nguyên Bình). Do đó, khi ta đánh xong mỗi đồn, vẫn có điều kiện cả về thời gian và không gian giải quyết trọn vẹn trận đánh. Về thời cơ tiến công, ta chọn vào những lúc bất ngờ nhất đối với địch: Đánh đồn Phai Khắt vào lúc 17 giờ, lúc địch đang hoặc vừa ăn cơm chiều xong; đánh đồn Nà Ngần vào lúc 7 giờ sáng, khi địch vừa ngủ dậy. Cả hai đồn lúc ta đánh, đều vào lúc địch sơ hở, mất cảnh giác nhất.
Thứ hai, trong hai trận đầu ra quân, Đội đã khai thác tốt yếu tố bí mật, bất ngờ, khiến địch trong hai đồn trở tay không kịp. Yếu tố bí mật, bất ngờ là yếu tố quan trọng, yếu tố cốt tử trong chiến thuật quân sự nói chung và với chiến thuật hóa trang kỳ tập nói riêng. Trong hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, ta đã giữ được yếu tố bí mật từ đầu đến cuối, từ lên kế hoạch tác chiến, tổ chức hành quân, triển khai lực lượng, đến thực hành chiến đấu. Chính điều này cùng với sự dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của các chiến sĩ, đã làm cho địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp phản ứng.
Thứ ba, để trận đầu chắc thắng, Ban chỉ huy Đội đã chuẩn bị rất chu đáo, lúc vào trận thì tiến công kiên quyết, xử trí linh hoạt các tình huống phát sinh ngoài dự kiến. Ban chỉ huy Đội nghiên cứu tình hình địch kỹ lưỡng, lên kế hoạch tỉ mỉ, tiến hành công tác chuẩn bị và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lựợng tự vệ địa phương. Trong nắm địch, Đội đã biết tận dụng quần chúng nhân đân làm tai mắt, để nắm chắc, đầy đủ những thông tin mới nhất về tình hình đồn địch. Trận Phai Khắt có tình huống phát sinh là tên đồn trưởng Phai Khắt về khi trận đánh gần kết thúc; trong trận Nà Ngần, tình huống phát sinh là khi đồng chí Thu Sơn có nguy cơ bị lộ khi đang đối mặt với tên đội Đường. Những xử lý nhanh nhạy, kịp thời đã góp phần vào thắng lợi. Bên cạnh đó, cả hai trận đánh đều thể hiện tư tưởng đánh tiêu diệt, làm chủ chiến trường, bắt tù binh, vừa đánh vừa tự vũ trang, để đảm bảo cho đội quân cách mạng non trẻ càng đánh càng mạnh. Về những trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, một nhà sử học người Pháp đã nhận xét: “Những trận đánh nhằm mục đích rõ ràng là thu vũ khí và gây ảnh hưởng tới tinh thần dân chúng, nhưng đã được thực hiện với một kỹ thuật hoàn hảo, tinh thần gan dạ và có phương pháp”.