Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

BẮT NẠT TRÊN MẠNG XÃ HỘI BẰNG NHÓM “BÓC PHỐT”

     Một cặp vợ chồng Youtuber đã bị "bóc phốt" vì một nhóm người cho rằng những video là giả tạo.

Gần đây, trên Youtube có một cặp vợ chồng chia sẻ video cuộc sống thường ngày của mình. Cuộc sống với nhiều biến cố ập đến. Bạn gái biết mình mắc bệnh ung thư tuyến giáp, được gia đình chồng đưa đi điều trị và đã vượt qua, dù vẫn còn hạch cần theo dõi cả đời.

Tiếp theo, bà nội chồng nhập viện vì ung thư và suy thận, cần lọc máu liên tục, ăn uống theo thực đơn đặc biệt. Cháu dâu chính là người đảm nhiệm việc chăm sóc ăn uống cho bà.

Sau nữa, mẹ chồng bạn mắc bệnh Alzheimer mức độ nặng, không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Căn bệnh này gây ảnh hưởng không chỉ đối với người bệnh mà còn tác động đến cả người chăm sóc bởi Alzheimer rất dễ dẫn đến trầm cảm hoặc có cảm xúc vô cùng căng thẳng...
              Sau những biến cố ngặt nghèo ấy, người vợ đã ngã bệnh. Bạn mắc căn bệnh rối loạn lưỡng cực, đặc trưng bằng một giai đoạn rồi loạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ phối hợp với các giai đoạn rối loạn trầm cảm trong quá trình phát triển của bệnh. Bạn phải nhập viện điều trị.

Với mong muốn có thể chia sẻ, nhận lời sự động viên từ cộng đồng và phần nào tăng được thu nhập, người vợ đăng video cuộc sống thường ngày lên Youtube. Bạn giải thích rằng những video này đã cũ, không liền mạch, người edit khi thì là bạn, khi thì là chồng nên kém mạch lạc.

Vậy nhưng, bạn đã bị nhòm ngó bởi một nhóm người chuyên đi tìm kẽ hở để ra những group "bóc phốt". Họ tìm những chi tiết trong video và bịa đặt rằng cặp vợ chồng đang diễn kịch, đang lừa đảo người xem. Họ bình luận phản cảm, tương tác cười cợt vào bất cứ video, ảnh chụp nào mà cặp vợ chồng này đăng tải trên cả Youtube và Facebook.

Họ đi vào từng comment động viên của người khác để đưa ra lời kêu gọi gia nhập nhóm bóc phốt. Nếu ai giữ vững lập trường phản biện lại họ thì họ chửi bới, lăng mạ. Họ dùng nhiều nick ảo vào thả like rồi công kích hội đồng. Hành động của họ khiến những người theo dõi tò mò gia nhập page; những người nhẹ dạ cả tin thì tưởng mình bị lừa thật mà gia nhập.

Đáng buồn hơn nữa, trong số những người bị lôi kéo này, có rất nhiều người đã bị đồng hóa. Họ lại đi thóa mạ, dùng những lời lẽ gây tổn thương đến cô gái tội nghiệp.

Họ bắt nạt một người mà không hề nghĩ đến cảm xúc, suy nghĩ của một người ốm. Họ kiếm tiền không từ thủ đoạn, không có lương tâm, không màng nhân cách. Trong trường hợp cụ thể này, bạn gái ấy đang mắc một căn bệnh mà rất cần sự động viên an ủi, sự khích lệ tinh thần. Bạn ấy liệu có chịu được những lời công kích, thóa mạ đang nhắm thẳng vào mình không? Những bình luận ác ý đó có thể xem như "tội phạm mạng" không?

Nhiều nghệ sĩ ở Hàn Quốc tự sát do chịu không nổi áp lực quá lớn về tinh thần. Cái gọi là "văn hóa tẩy chay" cần phải xem lại? Khi ca sĩ - diễn viên Sulli ở Hàn Quốc tự kết liễu đời mình năm 2019, nhiều người đã kiến nghị chính phủ nước này trừng phạt nặng hơn với những kẻ có "lời nói sát thương" trên mạng. Hiệp hội Quản lý giải trí Hàn Quốc cũng đã ra tuyên bố hành động quyết liệt hơn bằng cách tập hợp những bằng chứng phạm tội của công dân mạng, đưa tới cơ quan điều tra để bảo vệ người nổi tiếng.

Theo một số nghiên cứu, bắt nạt trên mạng là một hành vi hãm hại có ý đồ và được lặp đi lặp lại nhằm tổn thương người khác qua các công cụ điện tử. Chúng xảy ra ở bất cứ môi trường mạng nào mà nhiều người có thể vào xem, tham gia, hay chia sẻ lại nội dung tiêu cực, giả dối, hay độc ác về người khác nhằm vào việc làm cho đối tượng cảm thấy hổ thẹn, nhục nhã, hay đau khổ.

Những lời nói tiêu cực, giả dối hay độc ác có thể sẽ mất đi nếu nó xảy ra trong một lần bắt nạt ngoài mạng. Nhưng nó sẽ tồn tại như một "hồ sơ cá nhân" vĩnh viễn khi xảy ra bắt nạt trên mạng. Láng giềng, bà con, nhà trường, công ty... hiện tại và tương lai đều có thể "tham khảo" về hồ sơ này bất cứ lúc nào, vì vậy có thể ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người bị bắt nạt.

Chắc chắn chúng ta cần hình phạt luật pháp nghiêm khắc cho những kẻ bắt nạt trên mạng. Chúng ta cũng cần những chương trình phòng chống bắt nạt trên mạng xã hội để giải quyết vấn nạn của thời đại số này.

Tuy nhiên, vấn nạn bắt nạt trên mạng chỉ có thể giải quyết được nếu cả xã hội đồng lòng thay đổi nhận thức của mình. Cho đến khi nào chúng ta mới thực sự trưởng thành để không còn khao khát việc bắt nạt và sỉ nhục người khác vì ảo tưởng sẽ làm vơi đi những nỗi khổ đau và mặc cảm của riêng mình.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét