Vừa qua, một tổ chức phi chính phủ ở bên kia bán cầu tự cho mình cái quyền được "chấm điểm" để xếp hạng về "quyền tự do" của mỗi quốc gia. Đương nhiên, cái chiêu trò chống phá kiểu này đã quá nhàm, là cái cớ để một số đối tượng phản động, sống lưu vong ở nước ngoài và một số phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước được dịp a dua, bình phẩm trên mạng xã hội.
Theo kết quả công bố trên Đài Á châu Tự do (RFA) thì năm 2020 này, Tổ chức Freedom House đã chấm Việt Nam được 19 trên thang điểm 100, tụt đi 1 điểm so với năm 2019 về mức độ "Tự do".
Chả biết đánh giá "Tự do" của Freedom House được xây dựng trên những tiêu chí cụ thể ra sao nhưng năm 2020, khi cả thế giới biến động và thay đổi vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì ở Việt Nam, người dân được sống trong một môi trường có thể nói là "đáng mơ ước" với rất nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia tiên tiến.
Rất nhiều người Việt Nam sinh sống, học tập tại nước ngoài, kể cả nhiều công dân nước ngoài mong muốn được nhập cảnh vào Việt Nam nhằm "trốn dịch". Một số người nước ngoài thì tận dụng sự ngưng trệ về giao thông hàng không để tránh phải về nước. Các tờ báo, các Chính phủ nước ngoài cũng ca ngợi mô hình chống dịch hiệu quả của Việt Nam.
Vậy thì tại sao một đất nước như họ nói là "mất tự do" lại thu hút, níu kéo nhiều người đến như vậy? Những người đang sống ở Việt Nam đã đành, những người Việt Nam sinh sống, học tập ở nước ngoài và người nước ngoài chọn Việt Nam để sống và làm việc, tại sao họ lại muốn trở về, muốn gắn bó với mảnh đất hình chữ S này để đổi lại họ bị mất "tự do", bị kìm hãm trong một đất nước "tù túng"? Tổ chức "Ngôi nhà tự do" (Freedom House) khi chấm điểm có trả lời được sự nghịch lý này không?
Thực ra, họ đã biết và thậm chí biết rất rõ những thành tựu của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó có quyền con người, quyền tự do của công dân trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước. Nhưng họ vẫn làm ngơ vì mục đích của họ là chống phá, là giật dây, hà hơi, tiếp sức cho các phần tử chống đối, nên Freedom House không trừ một thủ đoạn "ăn không nói có" nào để xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử của Freedom House cho thấy rõ điều đó: Được sáng lập từ năm 1941, tổ chức phi chính phủ này được tài trợ nhằm thúc đẩy đấu tranh dân chủ cực đoan tại các quốc gia trên thế giới, trong đó tập trung chủ yếu vào những quốc gia XHCN. Trong thập niên 40 của thế kỷ trước, Freedom House ủng hộ kế hoạch phát xít hoa á và có chủ trương chống Cộng cao. Trong thập niên 50, 60, họ ủng hộ Phong trào Dân tộc cực đoan ở Hoa Kỳ.
Trong thập niên 80, họ giúp đỡ phong trào Công đoàn cực đoan ở Ba Lan và phe đối lập dân chủ ở Philippines. Gần đây, Freedom House can dự vào việc lật đổ chính quyền ở Serbia, Ukraina và Kyrgyzstan, Iraq, Syria. Như vậy, động cơ chính trị của Freedom House là rõ ràng khi hằng năm công bố mức điểm về "Tự do" của trên 200 quốc gia. Với động cơ chính trị như vậy thì làm sao Feedom House có thể khách quan khi nhìn nhận tình hình của mỗi nước, nhất là khi nước đó nằm trong "tầm ngắm" chống phá của họ.
Năm 2019, chính Freedom House cũng công bố cái gọi là "Báo cáo về tự do Internet", trong đó, phần về Việt Nam, họ đánh giá chúng ta "không có tự do Internet". Việc đánh giá thiếu khách quan này trong thời điểm Nhà nước xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng nhằm mục đích gây hoài nghi, kích động người dân phản đối việc xây dựng pháp luật trên lĩnh vực này.
Thực tế, theo nghiên cứu của một tờ báo thuộc Nhật Bản thì Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao nhất châu Á. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Chính từ việc có số lượng sử dụng mạng xã hội quá lớn, kéo theo nhiều vi phạm trong lĩnh vực này, từ việc bán hàng lừa đảo, đưa những clip trái với thuần phong mĩ tục lên mạng đến việc lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai sự thật vì động cơ cá nhân v.v... nên Nhà nước phải xây dựng Luật An ninh mạng để kiểm soát, nhằm làm lành mạnh hóa không gian trên mạng xã hội chứ không hề cấm đoán, kiểm soát người dân sử dụng Internet như nhận định của Freedom House đưa ra.
Trở lại việc chấm điểm của Freedom House: Năm 2020, Việt Nam bị tụt một điểm về chỉ số "Tự do". Khi thông tin này được công bố và được một số đài nước ngoài thông tin, kèm theo những bài phỏng vấn một vài phần tử phản động lưu vong, trong đó có Nguyễn Văn Đài, một đối tượng vi phạm pháp luật, ra tù và đang sinh sống tại nước ngoài. Theo Nguyễn Văn Đài, năm 2020, Nhà nước Việt Nam đã "đàn áp" 32 nhà hoạt động dân sự, trong đó có Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng - đó là lý do để Freedom House hạ điểm về quyền "Tự do" của người dân Việt Nam...
Nếu Freedom House chấm điểm dựa theo việc thực thi pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với những công dân vi phạm pháp luật (như Nguyễn Văn Đài đã trả lời phỏng vấn RFA), thì càng thể hiện việc Freedom House đã dùng những điểm số nhằm mục đích chính trị, can thiệp vào hoạt động tư pháp bình thường của Nhà nước Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: Ở Việt Nam không có "tù nhân lương tâm", không có việc đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến, mà chỉ có việc điều tra, xét xử những công dân vi phạm pháp luật. Một tổ chức phi chính phủ hay một quốc gia dù lớn mạnh cỡ nào cũng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và càng không thể gây sức ép với Việt Nam bằng những nhận xét về tình hình tự do, nhân quyền một cách thiếu trách nhiệm.
Nhân dân Việt Nam đã và đang được sống trong một đất nước tự do, trong đó, những quyền cơ bản của con người được tôn trọng và bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Cho nên mọi sự xuyên tạc từ các tổ chức hay các thế lực từ bên ngoài không làm thay đổi được tình hình ở Việt Nam, bởi chỉ có người dân sống trên Tổ quốc này mới cảm nhận rõ những gì tốt đẹp mà họ đang thụ hưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét