Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời là một nhà tư tưởng; là người khai lập và tham gia sáng lập nhiều tổ chức chính trị - xã hội. Ở Hồ Chí Minh có nhiều vị thế trong một con người: vừa là người sáng lập các tổ chức chính trị, xã hội, vừa là người giữ các chức vụ cao nhất của dân tộc - quốc gia và của Đảng Cộng sản Việt Nam, lại vừa là người trên thực tế chứng tỏ được tư chất lãnh tụ của mình và thực sự được toàn dân yêu nước và toàn Đảng Cộng sản Việt Nam tôn vinh là lãnh tụ.
Thực tế lịch sử chính trị của nhân loại cho thấy, không phải cứ
sáng lập tổ chức chính trị, xã hội, giữ nhiều chức vụ cao và quan trọng thì cứ
thế nghiễm nhiên được gọi là lãnh tụ. Lãnh tụ là một chuyện, còn lãnh tụ đó có
phải là nhà tư tưởng hay không lại là một chuyện khác. Đã là một con người
bình thường thì ai cũng có tư tưởng, chỉ với nghĩa là ý tưởng, thậm chí cao hơn
là quan điểm. Nhưng, để được gọi là nhà tư tưởng, thì người đó phải
đạt được một tổ hợp gồm những tiêu chí: 1) Có được một hệ thống quan điểm toàn
diện và sâu sắc về những vấn đề chính trị - xã hội đối với một cộng đồng quốc
gia - dân tộc hoặc đối với cộng đồng quốc tế. 2) Có một hệ thống quan điểm toàn
diện và sâu sắc về những vấn đề chính trị - xã hội mang tính khoa học và cách
mạng, khả thi, có ý nghĩa dẫn đường cho xã hội phát triển theo hướng văn minh,
tiến bộ. 3) Người đó phải dấn thân vào cuộc sống thực tế, trở thành một nhân
vật cốt yếu nhất thực thi một cách tích cực nhất, có hiệu quả nhất những quan
điểm của mình đã nêu ra. 4) Hệ thống quan điểm của người đó trên thực tế được
cộng đồng thừa nhận và tổ chức thực hiện với tư cách là cơ sở tư tưởng và kim
chỉ nam cho hành động(1).
Đối chiếu với những tiêu chí, yêu cầu trên đây thì Hồ Chí Minh
xứng đáng được gọi là nhà tư tưởng. Và, với ý nghĩa như vậy thì
hoàn toàn đúng khi nhiều người đặt tên là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Thật đúng khi
Đảng Cộng sản Việt Nam ghi vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991, bổ sung, phát
triển năm 2011) cụm từ “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng
với chủ nghĩa Mác - Lênin làm thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành
động. Như vậy, trên thực tế, có “tư tưởng Hồ Chí Minh” chứ không phải là không
có, thậm chí một số người cho rằng, phải gọi là “học thuyết Hồ Chí Minh”, với
nghĩa, theo họ, “học thuyết” lớn hơn “tư tưởng”.
Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng thì dẫn đến một vấn đề là có phương
pháp luận Hồ Chí Minh(2). Phương pháp luận Hồ Chí Minh nằm trong
phương pháp luận Mác - Lênin. Bởi vì chủ nghĩa Mác - Lênin là một cơ sở để hình
thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Và như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh và
chủ nghĩa Mác - Lênin có quan hệ khăng khít với nhau. Nếu không có yếu tố “chủ
nghĩa Mác - Lênin” thì không thể có “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Nói một cách khác,
nếu Hồ Chí Minh không tiếp thu được chủ nghĩa Mác - Lênin thì không có tư tưởng
Hồ Chí Minh. Cần khẳng định một cách chắc chắn điều này bởi vì có một số người
muốn đem tư tưởng Hồ Chí Minh tách rời, thậm chí đối lập, với chủ nghĩa Mác -
Lênin. Nếu tách rời hoặc đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin
thì hoàn toàn không đúng về mặt lý luận và cả về mặt thực tế.
Cũng giống như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không
nên được vận dụng một cách giáo điều, mà vẫn rất cần được vận dụng và phát
triển sáng tạo. Cái còn lại vĩnh viễn của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở phương pháp
luận, ở bản chất vấn đề chứ không nằm trong hành vi, bởi vì hành vi chỉ là cái
cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể, nó có thể phù hợp ở lúc này mà không phù hợp
ở lúc khác. Cũng như bản thân C.Mác, Ph.Ăngghen nhiều lần tự cho rằng, những
luận điểm của các ông nêu ra không phải là học thuyết (với nghĩa là đừng giáo
điều) mà chính là nằm ở phương pháp biện chứng duy vật thống nhất trong chủ
nghĩa duy vật biện chứng của triết học Mác. Chỉ có trên cơ sở nắm vững phép
biện chứng duy vật này thì mới có những hành động đúng, tương thích với mọi
biến đổi nhanh chóng của thời gian. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin là lý
luận mở, bởi vì nó luôn luôn nhận nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống.
Những vấn đề về phương pháp mà Hồ Chí Minh thể hiện nhiều khi chứa
đựng cả những vấn đề lý luận và thực tiễn kết hợp nhau khó mà tách bạch. Những
vấn đề thuộc về lý luận nhận thức của phương pháp luận lại là những vấn đề của
phương pháp cụ thể mang tính lý luận hoặc đúc kết thành lý luận. Vì vậy, trong
thực tế nghiên cứu phương pháp luận và phương pháp Hồ Chí Minh, có thể gọi một
số nội dung vừa có tính phương pháp luận vừa là phương pháp.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến” chẳng hạn, đó là nội dung của cả phương pháp luận và
phương pháp cụ thể Hồ Chí Minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét