Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ
rõ: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải tự giành lấy chính quyền, phải tự
vươn lên thành giai cấp dân tộc”[1] phải
giành lấy dân chủ với ý nghĩa trực tiếp là giành lấy quyền lực nhà nước và tồ
chức quyền lực đó thành nhà nước dân chủ vô sản. Theo hai ông, giai cấp công
nhân giành được chính quyền là dấu mốc làm xuất hiện một nền dân chủ mới, khác
về chất so với các nền dân chủ trước đó - dân chủ vô sản.
Công xã Pari năm 1871 là mầm mống đầu tiên của dân chủ xã hội chủ nghĩa.
V.I.Lênin viết: “Công xã dường như đã thay bộ máy nhà nước bị đập tan, bằng một
chế độ dân chủ “chỉ” hoàn bị hơn mà thôi... từ chỗ là dân chủ tư sản đã biến
thành dân chủ vô sản, từ là nhà nước (= lực lượng đặc biệt đề trấn áp một giai
cấp nhất định) nó biến thành một cái gì thực ra không phải là nhà nước hiểu
theo nghĩa thật sự nữa”[2].
Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga (1917) vĩ đại với sự xuất hiện
nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - Nhà nước Xôviết, xây dựng nền
dân chủ phục vụ lợi ích cho đa số người lao động - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
bắt đầu ra đời.
Như vậy, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa chỉ được xác lập sau khi giai cấp
công nhân thông qua đội tiền phong của mình là đảng cộng sản giành được chính
quyền, tiến hành cải tạo và xây dựng xã hội mới thông qua cuộc cách mạng xã hội
chủ nghĩa dưới các hình thức khác nhau.
Quá trình phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là từ thấp tới
cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện; có sự kế thừa một cách chọn lọc giá trị
của các nền dân chủ trước đó, trước hết là nền dân chủ tư sản. Nguyên tắc cơ bản
của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là không ngừng mở rộng dân chủ, nâng cao mức độ
giải phóng cho những người lao động, thu hút họ tham gia tự giác vào công việc
quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không phải là nền dân chủ của thiểu số và
cho thiểu số bóc lột, có đặc quyền đặc lợi và muốn dành thêm đặc quyền, đặc lợi;
ngược lại, nó là nền dân chủ của đa số và vì đa số. Do đó, về nguyên tắc, nỏ
bài trừ đặc quyền, đặc lợi và vì lợi ích của đa số nhân dân lao động, nó phải gạt
bỏ những kẻ đặc quyền, đặc lợi ra khỏi vị trí quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Bản thân nền dân chủ này cũng phát triển từ thấp tới cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Nhưng càng hoàn thiện bao nhiêu, nó càng tự tiêu vong bấy nhiêu. Thực
chất của sự tiêu vong này theo V.I.Lênin, đó là tính chính trị của dân chủ sẽ mất
đi trên cơ sở không ngừng mở rộng dân chủ đối với nhân dân, xác lập địa vị chủ
thể quyền lực của nhân dân, tạo điều kiện để họ tham gia ngày càng đông đảo và ngày càng có ý nghĩa quyết định vào sự quản lý nhà nước, quản lý xã hội (xã hội tự quản). Quá trình
đó làm cho dân chủ trở thành một thói quen, một tập quán trong sinh hoạt xã hội..
để đến lúc nó không còn tồn tại như một thể chế nhà nước, một chế độ, tức là mất
đi tính chính trị của nó.
Như vậy, quá trình tiêu vong của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đồng nghĩa
với quá trình làm sâu, rộng hơn các thành quả dân chủ, đưa nó
lên những trình độ phát triển mới, tiến dần tới dân chủ trọn vẹn, dân chủ hoàn
toàn, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại từ “vương quốc tất yếu” sang
“vương quốc tự do”. Đây là quá trình lâu dài, khi xã hội đã đạt trình độ phát
triển rất cao, xã hội không còn sự phân chia giai cấp, đó là xã hội cộng sản chủ
nghĩa đạt tới mức độ hoàn thiện, khi đó dân chủ xã hội chủ nghĩa với tư cách là
một chế độ nhà nước cũng tiêu vong, không còn nữa.
Cho đến nay, sự ra đời của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mới chỉ trong một
thời gian ngắn, ở một số nước có xuất phát điểm về kinh tế, xã hội rất thấp, lại
thường xuyên bị kẻ thù tấn công, gây chiến tranh, do vậy, mức độ dân chủ đạt được ở những nước
này hiện nay còn nhiều hạn chế ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngược
lại, sự ra đời, phát triển của nền dân chủ tư sản có thời gian cả mấy trăm năm,
lại ở hầu hết các nước phát triển (do điều kiện khách quan, chủ quan). Hơn nữa,
trong thời gian qua, để tồn tại và thích nghi, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều lần
điều chỉnh về xã hội, trong đó quyền con người đã được quan tâm ở một mức độ nhất
định (sự điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích cơ bản của giai cấp
tư sản). Nền
dân chủ tư sản có nhiều tiến bộ, song nó vẫn bị hạn chế bởi bản chất của chủ
nghĩa tư bản.
Để có một chế độ dân chủ thực sự quyền lực thuộc về nhân dân, ngoài yếu
tố giai cấp công nhân lãnh đạo (mặc dù là yếu tố quan trọng nhất), đòi hỏi cần
nhiều yếu tố như trình độ dân trí, xã hội công dân, việc tạo dựng cơ chế pháp
luật đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền làm chủ nhà nước và quyền tham gia vào
các quyết sách của nhà nước, điều kiện vật chất để thực thi dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét