Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Cuộc hành quân mang mật danh “cơn lốc”

 Cuộc hành quân mang mật danh “cơn lốc” bắt đầu thử nghiệm vào đêm 20/4/1975. Sáng ngày 21/4/1975, tuyến phòng thủ cuối cùng ở Xuân Lộc sụp đổ. Cửa Đông Nam Sài Gòn bỏ ngỏ.

Lập tức cuộc hành quân “cơn lốc” triển khai với quy mô lớn, có 60 máy bay vận tải khổng lồ C.130 - C.141 và hàng trăm máy bay khác tham gia. Tướng Xmít nói với nhân viên dưới quyền khi tiễn đưa họ di tản: “Các bạn đã biết, thế là hết. Tôi biết thế là hết”.

Chiều 28/4/1975, quân giải phóng dùng máy bay F5 chiếm được của Mỹ oanh tạc sân bay Tân Sơn Nhất, không khí hoảng loạn tăng lên. Tướng Xmít, Pônga phụ trách chi nhánh CIA tại Sài Gòn, Mácbốt, Luman Phó đại sứ Mỹ đề nghị đại sứ Matin cho thực hiện phương án 4. Matin khăng khăng cho rằng dùng máy bay lên thẳng (phương án 4) lúc này chưa cần thiết, chỉ làm mất vinh dự người Mỹ mà thôi. Khốn nỗi, thực tế lại phũ phàng đối với tình cảm và sự tính toán của viên đại sứ già...

Ba giờ sáng ngày 29/4/1975, pháo tầm xa của quân giải phóng bắn tới tấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đường bay bị bóc, nhà để máy bay tan nát, cơ quan DAO trúng đạn, tướng Xmít và Mácbốt bị hơi nổ quật ngã suýt chết, hai hạ sĩ quan thủy quân lục chiến MácMahon và Giót trúng đạn chết ngay tại chỗ. Sân bay Tân Sơn Nhất bị khóa, đó là giới hạn cuối cùng, là mệnh lệnh “người Mỹ cút nhanh nếu không muốn mang số phận tù binh chiến tranh.

Viên đại sứ ngoan cố không tin, bắt tướng Xmít cùng mình ngồi xe có trang bị chắn đạn ra Tân Sơn Nhất, thị sát tại chỗ, sân bay vẫn đang còn trong thảm họa. Tiếng súng lớn, súng nhỏ ran ran khắp nơi, nhiều đám cháy không được cứu chữa thả sức tung cao ngọn lửa, nhiều đoạn đường bay bị bóc tung lên, một chiếc F5B của Sài Gòn buộc phải hạ cánh cấp tốc chềnh ềnh giữa đường bay, phi công sợ quá đã bỏ máy bay mà chạy tháo thân. Hai chiếc C.130 bay đến nhưng không có đường băng hạ cánh đành ngóc đầu bay đi.

Matin ủ rũ quay về sứ quán, đành chọn giải pháp cuối cùng thực hiện phương án 4 của cuộc hành quân, một phương án có thể gọi nôm na là “chuồn cho nhanh”.

Sự kiện này khiến cả văn phòng UPI nhộn nhịp, khẩn trương hẳn lên. Các máy móc, thiết bị kỹ thuật thông tin liên tục làm việc. Các phóng viên hối hả đến, hối hả đi: các nhân viên kỹ thuật nghiệp vụ cặm cụi bên máy thu, máy phát, máy têlêtíp... Im lặng - Im lặng, chỉ có tiếng vận hành của máy là nghe rõ.

5 giờ sáng ngày 30/4/1975, bộ phận đài nhận được bức điện: “Phu nhân Lêdi đã lên không trung với Cóttu”. A lạy chúa! Lêdi 09 là mật danh máy bay lên thẳng chở Matin, Cóttu là bí danh của Matin. Vậy là... Mỹ đã rời bỏ cuộc chơi, các phóng viên mang nét mặt quan trọng hối hả đến rồi với nét mặt bồn chồn khẩn trương ra đi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét