Quan điểm này cố tình phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới nói chung, của những kết quả tích cực mà quá trình CNH, HĐH đưa lại. Họ vin vào những thiếu sót, sai lầm mà chính chúng ta đã nhận thức và điều chỉnh cũng như những vụ việc tham nhũng bị phơi bày, bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc để quy kết cho việc thực hiện một chính sách CNH không rõ mục tiêu, một kế hoạch CNH mơ hồ, đẩy đến khủng hoảng kinh tế - xã hội. Và không có gì lạ khi họ quay lại đòi xóa bỏ sở hữu toàn dân về đất đai, đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của KTNN nhằm nắn chỉnh con đường Việt Nam chệch khỏi quỹ đạo định hướng XHCN.
Đảng ta đã khẳng định tính tất yếu CNH, HĐH trong
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu với tiến
trình CNH, HĐH là cùng với chuyển biến về mặt kinh tế - kỹ thuật phải tạo ra và
đồng thời là chuyển biến về mặt kinh tế - xã hội. Thực tiễn phát triển của
không ít quốc gia, nếu thiên lệch chú ý đến tăng trưởng, “say” tốc độ tăng GDP,
thì mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững sẽ đổ vỡ.
Mô hình CNH, HĐH ở Việt Nam đặt ra tăng trưởng
kinh tế phải gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội ngay trong mỗi bước
phát triển và trong từng chính sách. Các nghị quyết đại hội Đảng qua các nhiệm
kỳ đều từng bước bổ sung, hoàn chỉnh và ngày càng làm rõ nội hàm của CNH, HĐH ở
Việt Nam; Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 1-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam
– Nhật Bản hướng đến 2020 và tầm nhìn 2030, và ngày 22-3-2018, Bộ chính trị đã
ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây
dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045 đã xác định rõ mục tiêu của CNH, HĐH đến 2030 và tầm nhìn 2045. Đây là
những sản phẩm kết tinh trí tuệ của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam,
sự hợp tác của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế. Vì thế cũng không thể
“đại ngôn” cho rằng CNH, HĐH ở Việt Nam là mơ hồ, không có mục tiêu.
Trong quá trình thực hiện CNH, HĐH, các cơ quan quản lý, các doanh
nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, kể cả doanh nghiệp nước ngoài nhìn chung
đều tuân thủ chính sách, pháp luật nhà nước Việt Nam, giải quyết hài hòa các
quan hệ lợi ích. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp, những cá nhân vì lợi
ích riêng đã cấu kết trục lợi. Những hành vi sai trái đều bị xử lý, với quan
điểm không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, đã và đang từng
bước làm trong sạch bộ máy, lành mạnh hóa xã hội, đem lại lợi ích chung cho mọi
người. Do vậy, không thể vì một số con người sai trái, một số vụ việc mà quy
kết chính sách CNH, HĐH là phục vụ lợi ích nhóm. Họ
đã cố tình không hiểu, đánh đồng những thiếu sót, sai lầm trong thực hiện CNH,
HĐH với mục tiêu và nội dung đường lối CNH, HĐH.
Cũng không vì những vụ việc làm sai của một số cá
nhân hay tổ chức liên quan đến thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng cho các
công trình, dự án trong quá trình thực hiện CNH, HĐH mà quy kết nguồn gốc là do
thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai, rồi yêu cầu phải tư nhân hóa đất đai, đòi
xóa bỏ Điều 53 trong Hiến pháp quy định về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
Chúng ta biết rằng, quyền tư hữu nhỏ về ruộng đất về mặt lịch sử đã bị vượt
qua, còn quyền tư hữu lớn TBCN về ruộng đất cũng đang bộc lộ mâu thuẫn với một
nền nông nghiệp hợp lý hóa, phát triển bền vững. Quốc hữu hóa ruộng đất là một
tất yếu đặt ra trong tiến trình phát triển nông nghiệp thế giới. Bởi vậy, ở
nước ta hiện nay nếu thực hiện trao quyền sở hữu ruộng đất cho hộ nông dân xét
trên một phương diện, là bước thụt lùi về lịch sử. Hơn nữa, với mục tiêu xây
dựng xã hội trong đó “Tất cả quyền lực thuộc
về nhân dân”, thì nhân dân phải là chủ sở hữu đối với đất đai. Đất đai là thành
quả của sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài của cả dân tộc, không thể để
cho một số người nào đó có quyền độc sở hữu. Đất đai của quốc gia, dân tộc
phải thuộc sở hữu chung của toàn dân và được sử dụng phục vụ cho mục đích chung
của toàn dân tộc, của nhân dân. Sở hữu toàn dân tạo điều kiện để những người
lao động có điều kiện tiếp cận đất đai tự do, tạo ra cơ chế để người lao động
có quyền hưởng lợi ích từ đất đai một cách có lợi hơn, công bằng hơn và bình
đẳng hơn. Với chế độ sở hữu toàn dân nhấn mạnh quyền của người dân trong
sử dụng quyền của mình để cùng nhau giải quyết các vấn đề bất đồng trong sử
dụng và phân chia lợi ích từ đất. Nếu thực hiện tư nhân hóa về đất đai thì
nhân danh quyền chủ sở hữu, bộ phận nhỏ dân cư sẽ chiếm đoạt bất bình đẳng lợi
ích từ đất đai.
Tuy nhiên, trong thực tế vận hành của sở hữu toàn
dân về đất đai ở nước ta thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế và tiêu cực.
Nhưng điều này không phải do bản chất chế độ sở hữu toàn dân như một số ý kiến
quy kết, mà chủ yếu do chưa xác định rõ nội dung kinh tế của các quyền và cơ cấu
chủ thể sử dụng cũng như cơ chế vận hành phù hợp với sở hữu toàn dân về đất
đai. Thực tiễn trên thế giới
cho thấy, ngoài Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, còn
có một số nước áp dụng chế độ công hữu về đất đai bằng pháp luật như các nước
Anh, Canada, Australia, New Zealand, Hồng Kông, Xingapore, Israel…Như vậy không
phải vì CNH, HĐH ở Việt Nam mà thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai, mà hình
thức sở hữu này xuất phát từ yêu cầu, logic phát triển gắn với đặc điểm của các
quốc gia (chứ không riêng với Việt Nam) đồng thời gắn liền với bản chất của chế
độ xã hội hướng tới lợi ích toàn dân.
Tương tự vậy, cũng do một số tiêu cực, hạn chế
trong hoạt động của các DNNN và hành vi trục lợi của một số cán bộ công chức
quản lý “suy thoái, biến chất”, xuất hiện những ý kiến đòi xóa bỏ vai trò chủ
đạo của KTNN. Thực tế kinh nghiệm thế giới cho thấy, trong quá trình CNH, nhà
nước cũng như DNNN có vai trò vô cũng quan trọng. Nhà nước không chỉ thực hiện
vai trò quản lý, xây dựng hệ thống thể chế phù hợp, khuyến khích các thành phần
kinh tế, khơi dậy các nguồn lực, mà còn trực tiếp đầu tư kinh doanh mang tính
dẫn dắt và đầu tư vào lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân chưa muốn đầu tư để tạo
môi trường thuận lợi chung cho hoạt động kinh doanh của xã hội. Sự phát triển
của các nền kinh tế thế giới chứng minh rằng, nếu thiếu vai trò KTNN, nền kinh
tế sẽ vận hành thiếu hiệu quả, nói cách khác sự tham gia của nhà nước vào phát
triển kinh tế là một yêu cầu tất yếu. Đối với các nước đang phát triển trong
quá trình vận động đi lên văn minh hiện đại, thực hiện CNH thì càng đòi hỏi vai
trò lớn hơn của KTNN.
Kinh tế nhà nước không chỉ là DNNN, mà còn bao
gồm bộ phận phi doanh nghiệp (như các
tài sản thuộc sở hữu nhà nước, đất đai, rừng, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời,
tài nguyên thiên nhiên...). KTNN giữ vai
trò chủ đạo không có nghĩa là các DNNN sẽ giữ vị trí chủ đạo trong quá trình
CNH, HĐH, hay chi phối trong các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ chốt của nền kinh
tế. Vai trò chủ đạo KTNN được hiểu theo nghĩa: KTNN là lực lượng
vật chất giúp nhà nước định hướng XHCN nền kinh tế quốc dân; là sức mạnh để nhà
nước thông qua các cơ chế chính sách điều tiết nền kinh tế; là nguồn lực
để nhà nước đầu tư tạo môi trường phát triển chung cho nền kinh tế, chứ không
phải chỉ cho riêng DNNN; KTNN giữ vai
trò chủ đạo không có nghĩa là phân biệt, đối xử hay hạn chế các thành phần kinh
tế khác, mà, ngược lại, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước (tư
nhân, có vốn đầu tư nước ngoài…) có tác động tích cực đến sự phát triển
của KTNN, để KTNN thực hiện tốt hơn vai trò chủ đạo của mình.
Với sự phân tích trên cho thấy, việc xác định sở
hữu toàn dân về đất đai cùng với khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN trong quá
trình thực hiện CNH, HĐH – nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên CNXH ở
Việt Nam là phù hợp, tạo điều kiện cho huy động và dẫn dắt, sử dụng các nguồn
lực tập trung cho thực hiện CNH, HĐH, chứ không như các ý kiến tuyên truyền sai
lệch là nhằm phục vụ lợi ích nhóm. Bằng hình thức ngụy biện này, về thực chất
là họ muốn tư nhân hóa và xóa bỏ hình thức kinh tế dựa trên sở hữu nhà nước, để
xây dựng nền kinh tế dựa trên chế độ tư hữu, thực chất là phủ định con đường
xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chuyển sang phát triển kinh tế
thị trường TBCN./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét