Tôi liên tục bị từ chối cấp CCCD chỉ vì hộ khẩu chỉ ghi năm sinh, bất chấp CMND cũ và giấy khai sinh đều có ngày tháng rõ ràng.
Chia sẻ về những rắc rối trong thủ tục hành chính liên quan đến cuốn sổ hộ khẩu giấy, độc giả Nguyenhanhthu291181 kể lại trải nghiệm của bản thân: "Mẹ tôi sinh năm 1946 (chứng minh nhân dân và mọi giấy tờ đều ghi là 1946), nhưng khi làm sổ hộ khẩu (những năm 1980) thì cán bộ lại ghi nhầm thành 1947. Bà thắc mắc với người phát sổ hộ khẩu khi đó thì được bảo 'cứ dùng, khi nào cần thì sửa sau'.
Mọi việc sẽ không có gì phức tạp cho đến khi bà đi xe buýt bị móc túi và mất luôn cả CMND. Đi làm lại giấy tờ, công an thành phố khi đó dứt khoát viết năm sinh là 1947 theo sổ hộ khẩu. Dù bà đã lôi hết các giấy tờ chứng minh năm sinh đúng của mình là 1946, nhưng rốt cuộc vẫn không được chấp nhận (giấy khai sinh năm 1946 của bà đã bị thất lạc do chiến tranh). Không hiểu sao họ không tra theo hồ sơ cấp CMND cũ mà chỉ đối chiếu trên sổ hộ khẩu.
Cuối cùng, bà đành chịu để năm sinh trên CMND và sổ hộ khẩu là 1947. Khi về hưu, sổ bảo hiểm của bà vẫn ghi năm sinh 1946, mỗi lần đi bệnh viện, để được thanh toán bảo hiểm, bà lại phải làm đơn gửi công an phường xin xác nhận người có tên trên CMND (sinh năm 1947) và người có tên trong thẻ bảo hiểm (sinh năm 1946) là một. Mãi cho tới năm vừa qua, cô tư pháp xã ở quê tư vấn bà đổi năm sinh thống nhất với sổ bảo hiểm để tránh sau này thủ tục tử tuất phức tạp.
Vậy là hơn 70 tuổi, mẹ tôi lại phải về quê làm thủ tục cấp lại giấy khai sinh. Để được cấp lại, bà phải lục lại giấy chứng tử của bố mẹ bà đã mất cách đây hơn 20 năm, chứng minh bà là con của hai người đó, là bà sinh năm 1946; làm đơn xin cấp lại giấy khai sinh. Sau đó, bà làm đơn đề nghị sửa lại năm sinh trên CMND là 1946. Rất may, từ khi có giấy khai sinh, thủ tục làm CCCD của thành phố rất nhanh. Gần cuối đời, bà mới nhận được CCCD với năm sinh đúng của mình".
>> Tạm trú thành phố 20 năm, vẫn phải về quê xác minh lý lịch
Đồng cảm với những phiền toái trên, bạn đọc Lavie Bùi cũng kể lại những rắc rối gặp phải chỉ vì sai sót trong sổ hộ khẩu giấy: "Tôi cũng vừa trải qua cảm giác nhắc đến sổ hộ khẩu là thấy sợ hãi. Hôm rồi, tôi đi làm CCCD. Thế nhưng tới nơi mới phát hiện ra trên sổ hộ khẩu chỉ ghi mỗi năm sinh, không có ngày tháng, trong khi CMND cũ của tôi có ghi rõ ràng. Tôi còn mang theo cả bản chính Giấy khai sinh để mấy cán bộ đối chiếu. Thế nhưng, tôi vẫn không được phát số cho làm CCCD, mà được hướng dẫn phải quay về bộ phận đăng ký hộ khẩu để chỉnh sửa.
Sau đó, tôi lại được bộ phận đăng ký hộ khẩu yêu cầu khai báo vào hai mẫu đính chính thông tin, và mẫu thay đổi nhân khẩu. Dù đã cố giải thích rõ là tôi không có nhu cầu cải chính thông tin, chỉ là người viết sổ hộ khẩu trước đây ghi thiếu thông tin của tôi, nay cần ghi thêm cho đầy đủ. Thế nhưng tôi chỉ nhận lại được câu trả lời là quy định vậy, phải làm đúng các bước. Trong khi lỗi này hoàn toàn không phải do tôi gây ra, vậy sao tôi phải đi làm đủ thứ thủ tục để sửa sai như thế này?".
Đánh giá về những lợi ích khi bỏ hộ khẩu giấy, độc giả Peony Nguyen nhận định: "Bỏ hộ khẩu giấy, về sâu xa hơn, là tránh sa đà vào lý lịch. Chúng ta hay con cái sau này chắc chắn khi đi học, đi làm... sẽ chỉ muốn người ta quan tâm đến chính mình là ai, có những phẩm chất gì, chứ không phải ông bà, bố mẹ của chúng là ai? Cho dù lý lịch gia đình có đáng tự hào hay ngược lại, chúng ta cũng không muốn bị đánh giá dựa trên những thông tin ấy.
Một người không nên được ưu ái hay bị mang định kiến xấu chỉ vì họ là con cháu của một ai. Và đó là nền tảng của xã hội công bằng, văn minh mà chúng ta đang xây dựng. Tôi luôn ủng hộ quản lý hành chính theo cá nhân hơn là theo hộ gia đình, hộ khẩu".
"Phải công bằng mà nói, thời đại 4.0 đã xuất hiện thì vai trò của cuốn sổ hộ khẩu tự nhiên đã hoàn thành. Nếu quay lại thời 2.0, khi không có cuốn sổ này, thì chúng ta quản lý bằng kiểu gì? Mọi cái chỉ tốt và thích ứng cho từng giai đoạn, chúng ta không phủ nhận hết nó. Nhưng thay 2.0 bằng 4.0 lúc này theo tôi là hợp lý", bạn đọc Quê Hà Nội nói thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét