Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển ngày càng gay gắt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Tiếp tục Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiều 28/3, các đại biểu đã được nghe Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu, quán triệt chuyên đề "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam".
Chiến tranh gần đây thay đổi từ xâm chiếm lãnh thổ sang lật đổ chế độ chính trị
Trong phần giới thiệu về tình hình thế giới, khu vực, trong nước tác động đến quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết: Trong những năm tới, dự báo môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới; Tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến; Một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới; Chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia; sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; chạy đua vũ trang;...
"Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại đã làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh", Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết.
Về tình hình khu vực, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh giá, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn.
Tại khu vực này, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra ngày càng gay gắt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Trong bài giới thiệu của mình, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết, đặc điểm các cuộc chiến tranh gần đây đã có nhiều thay đổi, cụ thể: Mục đích chiến tranh đã có thay đổi từ xâm chiếm lãnh thổ, đất đai sang khuất phục, lấy lật đổ chính quyền đương nhiệm và chế độ chính trị hiện tại là chủ yếu; Không gian chiến tranh: Mở rộng trên tất cả các môi trường như: không, bộ, biển, không gian mạng, phổ điện từ, vũ trụ.
"Thời gian chuẩn bị chiến tranh dài, thời gian thực hành chiến tranh lại ngắn, nhưng thời gian hậu chiến tranh có thể kéo dài do hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, tổn thất vô cùng lớn về vật chất và tinh thần...", Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết.
Ngoài ra, lực lượng tham gia chiến tranh không phải là một nước, mà chủ yếu tập hợp lực lượng đồng minh, hình thành lực lượng liên quân; Vũ khí, phương tiện chiến tranh chủ yếu sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh, tác chiến điện tử mạnh (C31, C41, C41ISR, C51ISR);...
Về công tác dự báo, tình huống quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết: Các thế lực thù địch hiếu chiến, đồng minh và tay sai có âm mưu, hành động xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, "Phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang, chuyển hóa, lật đổ chế độ XHCN;
Các thế lực nước lớn và chư hầu có tham vọng, hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm hại lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam;
Tổ chức phản động trong và ngoài nước, lực lượng cơ hội, suy thoái chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến","tự chuyển hóa" trong nội bộ, có tư tưởng và hành động chống phá sự nghiệp cách mạng bằng biện pháp vũ trang; câu kết với nhau, tiếp tay cho thế lực thù địch, hiếu chiến và thế lực nước lớn có tham vọng chủ quyền lãnh thổ, đe dọa sự tồn vong của chế độ, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ;...
Sách lược giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy
Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết, về tình hình trong nước: Sau 35 năm đổi mới, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đặt ra với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; Sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn đứng trước các khó khăn, thách thức; Kết hợp phát triển KT-XH với tăng trưởng quốc phòng, an ninh ở một số lĩnh vực, một số địa phương, đơn vị cần phải nghiên cứu triển khai chặt chẽ hiệu quả hơn;...
Về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết: Đại hội XIII tiếp tục xác định, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị,...; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển;...
Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần trong nước và ngoài nước có thể huy động được để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tiềm lực quốc phòng của đất nước là vấn đề quan trọng, tạo nền tảng cho việc củng cố, nâng cao sức mạnh, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XIII xác định, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển KT-XH và chiến lược bảo vệ Tổ quốc;
Điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng, tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định chính trị - xã hội; Xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển đảo, có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng tại các khu vực phòng thủ;...
Phần cuối bài giới thiệu của mình, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là sách lược giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng phát triển đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét