Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở Việt Nam hiện nay

 


    Ngay từ thời dựng nước, Việt Nam đã là quốc gia đa dân tộc (tộc người)1. Trong tiến trình phát triển hàng ngàn năm, các dân tộc dù quá trình tộc người khác nhau nhưng luôn luôn sát cánh bên nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với truyền thống: “Bầu ơi thương lấy bí cùng; tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Cái “giàn” mà ông cha ta đã tổng kết chính là Tổ quốc Việt Nam của tất cả chúng ta. Xuất phát từ đặc điểm đó, ông cha ta đã thực thi nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề dân tộc trước yêu cầu phát triển quốc gia, đặc biệt là trong thời cổ trung đại và di sản về vấn đề dân tộc trong lịch sử đã để lại nhiều bài học quý giá cho hôm nay khi giải quyết vấn đề dân tộc2. Chính vì vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vấn đề dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Quán triệt những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc, ngay từ đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những nguyên tắc và định hướng chiến lược về chính sách dân tộc ở Việt Nam, đó là đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc. Có thể khẳng định chính sách dân tộc của Đảng ta luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, chính sách dân tộc của Đảng luôn được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước.

Với quan điểm cách mạng là sáng tạo không ngừng, trong thời kỳ đổi mới, chính sách dân tộc của Đảng ta vừa đảm bảo tính nhất quán, vừa đổi mới trước yêu cầu phát triển và hội nhập nhằm giải quyết thành công vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay và trong tương lai.

Từ Đại hội IV đến Đại hội X của Đảng, chính sách dân tộc đã được Đảng ta đề ra trên các vấn đề cốt lõi là: Vị trí của vấn đề dân tộc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng; các nguyên tắc cơ bản trong chính sách dân tộc; những vấn đề trọng yếu của chính sách dân tộc trong những điều kiện cụ thể. Các nội dung cơ bản trên đây đã được thể chế hóa và triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

1. Vị trí của vấn đề dân tộc trong sự nghiệp cách mạng

Đây là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong việc xác định nguyên tắc cũng như chính sách của Đảng ta về vấn đề dân tộc. Đại hội Đảng lần thứ IV xác định: Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đều xác định vị trí của vấn đề dân tộc trên hành trình đổi mới của đất nước. Đó là vấn đề “có vị trí chiến lược lớn’’3, “luôn luôn có vị trí chiến lược’’4, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta’’5.

Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa IX đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ta về vấn đề này trong kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết chỉ rõ: Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xem vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Đảng ta đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với nội dung cơ bản là: “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển’’. Trải qua các thời kỳ cách mạng, công tác dân tộc đã đạt được những thành tựu to lớn góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Trên cơ sở đánh giá toàn diện vấn đề dân tộc và xuất phát từ yêu cầu của tình hình mới, Nghị quyết khẳng định: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên, vấn đề dân tộc được xác định là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài có tính xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình phát triển của cách mạng nước ta, đồng thời Đảng ta còn xác định đây là vấn đề cấp bách. Đây là luận điểm rất quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới trong bối cảnh quốc gia và quốc tế của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới.

Việc xác định vị trí của vấn đề dân tộc của Đảng trên chính là xuất phát từ đặc điểm của cộng đồng quốc gia dân tộc ở nước ta và coi đó là bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển đất nước. Đây là cơ sở rất quan trọng để từ đó định ra các nguyên tắc cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Lênin đã từng chỉ rõ: “những sai biệt về mặt dân tộc và quốc gia giữa các dân tộc và các nước, những sai biệt này sẽ còn tồn tại lâu dài ngay cả sau khi nền chuyên chính vô sản được thiết lập trong phạm vi toàn thế giới’’6. Điều đó cho thấy chừng nào còn có sự khác biệt về dân tộc thì dân tộc vẫn tồn tại và vẫn còn cơ sở xã hội và thực tiễn cũng như nguy cơ tiềm ẩn mâu thuẫn dân tộc và xung đột dân tộc, do đó, vấn đề dân tộc vẫn tiếp tục đặt ra.

Đối với nước ta, vấn đề dân tộc thiểu số vừa là vấn đề giai cấp, vừa là vấn đề miền núi, vừa là vấn đề biên cương, vấn đề an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ, đồng thời đây cũng là vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, mà Đảng ta đã đề ra. Bài học của nhiều quốc gia trên thế giới những năm cuối thế kỷ XX cho thấy nếu coi nhẹ vấn đề dân tộc và không xác định đúng vị trí vấn đề dân tộc trong chiến lược phát triển quốc gia thì tất yếu dẫn đến xung đột dân tộc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến sự tồn vong quốc gia7.

Sự tồn tại lâu dài của vấn đề dân tộc nhất là trong điều kiện quốc gia đa tộc người, đa dạng về văn hóa là đặc điểm lớn ở nước ta, làđặc trưng diện mạo lịch sử, văn hóa Việt Nam. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi nhận và khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam (Điều 5).

Khi xác định vấn đề dân tộc là nhiệm vụ chiến lược, Đảng ta đã quán triệt sâu sắc các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước ta. Điều này tiếp tục được khẳng định trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách của Nhà nước trong những năm đổi mới, đặt nền tảng quan trọng để Đảng và Nhà nước ta xây dựng đường lối, chính sách dân tộc đúng đắn, giải quyết thành công vấn đề dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét