Thời gian qua, một số cá nhân hoặc đại diện cho
những tổ chức bất hợp pháp đã viết bài trên mạng xã hội và thực hiện một số
hoạt động nhằm tuyên truyền phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, xuyên tạc
rằng công đoàn đã "bắt tay với giới chủ, đã từ bỏ đấu tranh giai cấp,
không còn bảo vệ cho quyền lợi của công nhân, người lao động". Từ
đó, họ kêu gọi thành lập các nghiệp đoàn độc lập, tự do tách ra khỏi công đoàn,
với lý do là "để bảo vệ tốt hơn cho quyền lợi của công nhân, người lao
động". Đáng chú ý là các nghiệp đoàn độc lập này được xúi bẩy để nằm ngoài
sự lãnh đạo của Đảng, đối lập với Nhà nước và mưu đồ thành lập một lực lượng
chính trị đối lập ở Việt Nam.
Điều
10 Hiến pháp 2013 quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của
giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện,
đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính
đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội;
tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức,
đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người
lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ
năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như thế có
thể thấy vai trò đặc biệt quan trọng của công đoàn trong hệ thống chính trị
Việt Nam. Trong đó, nhiệm vụ “đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ
quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” được đặt lên hàng đầu
đối với tổ chức công đoàn.
Thế
nhưng, trong thời gian qua, một số tổ chức nước ngoài, một số cá nhân có quan
điểm chống đối Đảng, Nhà nước ta đã phủ nhận hoàn toàn vai trò và những đóng
góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Công đoàn Việt Nam gần 92 năm qua. Đặc
biệt, là sau khi Bộ luật Lao động 2019 được thông qua, không ít tổ chức từ nước
ngoài đã tài trợ tiền bạc, tán phát nhiều thông tin xuyên tạc để thúc đẩy việc
thành lập cái gọi là các "công đoàn độc lập", hay "nghiệp đoàn
độc lập", "nghiệp đoàn tự do", dưới chiêu bài là để bảo vệ quyền
lợi cho công nhân, người lao động. Có tổ chức phản động đã lên kế hoạch các
bước để thành lập "nghiệp đoàn độc lập". Mới đây, một trang tin nước
ngoài đưa bài viết của “nhà quan sát hiện sống tại Đức” tuyên bố rất sai trái
rằng: “Nghiệp đoàn” tự thân nó là phi chính trị, là đồng hành với người lao
động”. Nghiệp đoàn phải độc lập với đảng chính trị cầm quyền, phải độc lập với
nhà nước thì mới bảo vệ được quyền lợi cho người lao động.
“Nhà
quan sát” này cố ý quên rằng, Công đoàn Việt Nam vẫn là pháp nhân đang tồn tại
độc lập với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, với tư cách là một đoàn thể chính trị và là tổ chức đại diện người lao
động. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công đoàn, vì Hiến pháp nước
CHXHCN Việt Nam tại Điều 4 đã quy định rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo công đoàn, nhưng không làm thay hay
can thiệp công đoàn mà luôn tôn trọng công đoàn, tạo điều kiện để công đoàn
hoàn thành sứ mệnh. Độc lập với Nhà nước nhưng Công đoàn Việt Nam phải chấp
hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, phối hợp với Nhà nước để chăm lo, bảo
vệ quyền lợi người lao động với tư cách là một bên trong quan hệ lao động ba
bên (Nhà nước, giới sử dụng lao động, đại diện người lao động). Chính phủ cũng
không làm thay hay can thiệp công đoàn, mà chỉ phối hợp để chăm lo, bảo vệ
quyền lợi người lao động tốt hơn. Phải chăng “nhà quan sát” có dụng ý đánh tráo
khái niệm “độc lập” với “đối lập” nhằm hình thành một lực lượng chính trị đối
lập nhân danh dân chủ, nhân quyền và vì quyền lợi người lao động để không tuân
thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, chống phá cách mạng Việt Nam?
Có
thể thấy rằng, mưu đồ muốn thành lập “nghiệp đoàn độc lập”, “công đoàn độc lập”
nói trên, đặt chúng ra ngoài khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chống lại cách
mạng Việt Nam là hết sức nguy hiểm. Không một quốc gia nào chấp nhận một tổ
chức hoạt động trên lãnh thổ nước mình mà lại không tuân thủ Hiến pháp và pháp
luật của quốc gia đó!
Trong
giai đoạn 2018-2020 của nhiệm kỳ Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công
đoàn đã ký mới được 6.113 bản TƯLĐTT doanh nghiệp, gấp 4,6 lần so với cả nhiệm
kỳ Đại hội XI, nâng tổng số TƯLĐTT đã ký kết lên 34.989 bản. Nội dung của các
bản thỏa ước tập trung vào những cam kết thiết thực, có lợi hơn cho người lao
động như vấn đề về tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng
nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, thực hiện chính sách bình đẳng giới...
Cùng
với đó, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2020, các cấp công đoàn
đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính
sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Tổng Liên
đoàn đã có hơn 300 văn bản tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về
quyền lợi của người lao động.
Nếu
công đoàn không đấu tranh cho người lao động thì làm sao có Bộ luật Lao động
2019 với nhiều điểm rất có lợi cho người lao động, mà để đạt được điều đó đại
diện công đoàn đã nhiều lần phát biểu rất mạnh mẽ, thấu tình, đạt lý để góp ý
cho dự thảo Bộ luật. Theo đó, trong Bộ luật Lao động 2019, khung giờ làm thêm
được giữ nguyên như quy định hiện hành là 300 giờ/năm, để bảo đảm sức khỏe và
đời sống của người lao động, mặc dù trước đó ý kiến của các doanh nghiệp muốn
tăng giờ làm thêm lên tối đa tới 400 giờ/năm, thậm chí có hiệp hội đề nghị tăng
lên 600 giờ/năm. Đồng thời, cũng trong bộ luật này, người lao động sẽ có thêm
một ngày nghỉ lễ nữa trong dịp Quốc khách 2-9 hằng năm. Cuộc đấu tranh của công
đoàn nhằm giảm giờ làm chính thức cho người lao động tuy chưa được chính thức
hóa thành quy định của bộ luật nhưng với kiến nghị quyết liệt, mạnh mẽ từ phía
Tổng Liên đoàn, Quốc hội đã đưa vào Nghị quyết kỳ họp, yêu cầu “Căn cứ tình
hình phát triển kinh tế-xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm giờ làm việc bình
thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội vào thời
điểm thích hợp”.
Nếu
công đoàn không đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì liệu lương
tối thiểu vùng có được tăng đều đặn các năm, để trong giai đoạn 2015-2020 đã
tăng 51,4%. Trong các phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia, các thành
viên từ Công đoàn Việt Nam đã rất quyết liệt, kiên trì, đưa ra nhiều lập luận
mang tính thuyết phục cao, đôi khi là những tranh luận gay gắt với giới sử dụng
lao động, khi mà nhiều thành viên khăng khăng với việc không tăng lương, để rồi
sau đó hằng năm lương tối thiểu đều tăng từ 5,3% đến 14%, góp phần cải thiện
đời sống công đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương
tối thiểu và mức sống tối thiểu.
Tổ
chức công đoàn đã tham gia phát triển các hoạt động phong trào nhằm nâng cao
hiệu quả năng suất lao động đến chăm lo xây dựng phong phú đời sống tinh thần
của người lao động trong và ngoài giờ làm việc. Sự ghi nhận và tin tưởng của
chính người lao động. Công đoàn đã thực hiện rất tốt vai trò phối hợp và trực
tiếp tham gia vào các hoạt động của công ty. Cũng nhờ sự phối hợp, đề xuất của
công đoàn mà có những phúc lợi rất tốt cho công nhân như: Hệ thống xe buýt chất
lượng cao làm nhiệm vụ đưa đón cán bộ, công nhân viên đi làm hằng ngày; ký túc
xá dành cho nhân viên, có trạm y tế đạt chuẩn khám bệnh, đồng thời xây dựng mô
hình trung tâm khám sức khỏe liên kết với bệnh viện quốc tế thực hiện thăm khám
và tư vấn sức khỏe định kỳ cho toàn thể nhân viên; xây dựng nhiều câu lạc bộ
tại mỗi nhà máy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn nghệ, thể thao, nghệ thuật cho
toàn thể nhân viên, có chính sách đặc biệt chăm sóc cho nhân viên nữ, nhất là
đối tượng nhân viên nữ mang thai và nuôi con nhỏ... Đặc biệt, trong thời gian
diễn ra dịch Covid-19, các doanh nghiệp vẫn luôn bảo đảm để không một nhân viên
nào bị mất việc làm và nghỉ không lương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét