Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra, lớp người trước ngã xuống, lớp người sau đứng dậy nhưng tất cả đều thất bại. Nguyên nhân chính là không có một tổ chức và một đường lối lãnh đạo đúng đắn. Đứng trước cảnh nước mất, nhà tan, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville ngày 5-6-1911.
Người muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau ba chữ: Tự do, bình đẳng, bác ái mà lần đầu tiên Người được nghe khi mới 13 tuổi. Sau 19 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, ngày 3-2-1930, Người cùng các đồng chí của mình tổ chức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác: Làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đánh thắng các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Từ một nước thuộc địa, nô lệ, nửa phong kiến, không có tên trên bản đồ thế giới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện; tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Sau thành công của Đại hội XIII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, đồng bào và chiến sĩ cả nước vui mừng, phấn khởi, tự hào, thêm tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Thế nhưng, trái ngược với điều đó, các thế lực thù địch, phản động tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện. Chúng quy kết rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa cộng hòa và chủ nghĩa hòa bình hơn là một người theo chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về đấu tranh giai cấp, về cách mạng XHCN, không mang bản chất mác xít, đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là một sự xuyên tạc vô căn cứ, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử của Việt Nam, là sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác-Lênin với giá trị truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chủ nghĩa Mác-Lênin trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chuyển hóa thành hệ thống thế giới quan, phương pháp luận, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, sinh động, giàu tính thực tiễn, có giá trị dẫn đường cho thành công của cách mạng Việt Nam.
Chúng ta còn nhớ, trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã tìm đọc Luận cương của Lênin, “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta... Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”. Như vậy, không thể nói rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh không liên quan gì đến chủ nghĩa Mác-Lênin như luận điệu của các thế lực phản động, cơ hội chính trị từng quy kết.
Do đó, đấu tranh trên trận địa tư tưởng, lý luận của Đảng, trước hết, không gì khác hơn là bảo vệ đến cùng những thành quả tư tưởng, lý luận mà Mác, Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu, đúc kết và kiểm nghiệm trong thực tiễn.Chúng ta cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập, giáo dục và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những giá trị đích thực của các nguyên lý, luận điểm của Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, bổ sung, làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về XHCN và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Mặt khác, muốn nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng củng cố vững chắc, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thi đua lao động, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có thể tồn tại và phát triển khi đem lại những giá trị thực tiễn cho cách mạng Việt Nam.
Cả quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vì dân, vì nước. Đó là một tấm gương sáng cho tất cả các thế hệ người Việt Nam noi theo. Ngày nay, mỗi người dân Việt Nam nguyện đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn; nỗ lực phấn đấu “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét