Bài viết của Tổng Bí thư khẳng định con đường phát triển đúng đắn
Theo ông, đó là những sự lựa chọn đúng đắn, được quyết định từ rất sớm và được duy trì liên tục trong suốt thế kỷ 20 cho đến nay.
Đánh giá về sự nghiệp Đổi mới cũng như việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ông Jean-Pierre Archambault cho rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể.
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã có một nền kinh tế ổn định, thể hiện qua các số liệu thống kê: mức tăng trưởng luôn đạt 6-7%/năm trong 10 năm qua; lạm phát ở mức thấp, tỷ lệ nghèo đói giảm đáng kể từ 58% năm 1993 xuống còn dưới 5%; thu nhập bình quân đầu người tăng hằng năm. Năm 2010, Việt Nam đã ra khỏi nhóm những nước kém phát triển nhất để gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình (2.100 USD/người/năm)...
Theo ông Jean-Pierre Archambault, đây là những kết quả vô cùng ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh những hậu quả của quá khứ vẫn còn đè nặng đối với một đất nước từng là thuộc địa và sau đó trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, công cuộc tái thiết đất nước đã diễn ra trong bối cảnh khắc nghiệt do lệnh bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ và các nước phương Tây. Cho đến nay, sau gần 50 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, chất độc da cam/dioxin vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới người dân Việt Nam, với 4 triệu người phải gánh chịu hậu quả.
Cuộc đấu tranh đòi công lý vẫn đang tiếp diễn đối với bà Trần Tố Nga - người đã đệ đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh - cũng như tất cả các nạn nhân khác của chất độc da cam/dioxin.
Ông Jean-Pierre Archambault cho rằng cần phải nhắc lại lịch sử để biết được xuất phát điểm của Việt Nam, từ đó ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam.
Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp-Việt cũng cho rằng dù đạt được những tiến bộ vượt bậc trong những điều kiện khó khăn, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như nâng cao sản lượng sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; giải quyết tình trạng phát triển không đồng đều giữa thành thị và nông thôn; giữ vững lập trường, quan điểm về phát triển bền vững; xóa bỏ tệ nạn nạn tham nhũng, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.
Trong thời gian tới, theo ông, Việt Nam cần chú trọng phát triển đào tạo nghề, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phát huy thế mạnh về y tế.
Về hội nhập khu vực và quốc tế, ông Jean-Pierre Archambault nhấn mạnh Việt Nam đã rất thành công nhờ quyết tâm chính trị mạnh mẽ của đội ngũ lãnh đạo cấp cao. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, hợp tác giao thương với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, ký hiệp định đối tác chiến lược với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp. Việt Nam đồng thời đóng vai trò tích cực trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC)... Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, góp phần tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Ông Jean-Pierre Archambault cho rằng việc Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193) đã khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Kết quả này thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Với tư cách là Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp-Việt, ông Jean-Pierre Archambault khẳng định tuy quan hệ hai nước có những vấn đề trong lịch sử, nhưng tình đoàn kết, sự ủng hộ lẫn nhau cũng như tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước luôn được duy trì.
Hiện phong trào Pháp ngữ ở Việt Nam đang được khôi phục nhờ nhiều sáng kiến; trao đổi trong lĩnh vực giáo dục đại học đang được thúc đẩy; hợp tác y tế luôn là điểm mạnh trong quan hệ hai nước. Ông bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế./.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét