Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021
Hoãn thi hay thi tiếp?
"Thầy ơi, nhà con vừa bị phong tỏa rồi", N. nhắn tin cho tôi gần nửa đêm thứ sáu tuần trước.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi quyết định sau 12 năm đèn sách, em đã cố gắng chuẩn bị mọi thứ, vậy mà hàng xóm có ca dương tính Covid-19, y tế phường đến "giăng dây".
Em là học trò khá và rất chăm chỉ trong nhóm tôi đang dạy ôn thi tốt nghiệp THPT tại Thành phố Thủ Đức. Vì ước mong vào Đại học Bách khoa TP HCM, em bỏ hẳn giờ chơi như những năm trước để dồn hết thời gian vào học ôn khối A. Tôi cảm nhận được quyết tâm cao nhất của học trò. N. tham gia đầy đủ các lớp học online và tự luyện thêm ở nhà. Thậm chí có những hôm em không ngủ để hoàn thành bài vở và giải đề.
Chặng đường phía trước của N. cũng như bao học trò của tôi chắc chắn gặp nhiều khó khăn khi dịch giã tấn công sâu rộng học đường và bây giờ đến từng nhà các em.
Văn bản mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thành hai đợt. Đợt 1 vào ngày 7 và 8/7, đợt hai sẽ tổ chức sau cho những thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 và thí sinh nằm trong khu bị phong tỏa đúng vào thời gian diễn ra kỳ thi đợt một.
N. sẽ phải thi trong đợt hai. "Em lo lắm, em đã sẵn sàng đi thi, giờ thì không được thi mà đợt hai vẫn chưa biết khi nào", qua điện thoại, tôi cảm giác em mất bình tĩnh vì chỉ còn hơn tuần nữa bạn bè sẽ thi xong.
"Hãy nghĩ là em có thêm nhiều thời gian để ôn tập, để làm bài tốt hơn. Đây là tình huống bất ngờ do dịch bệnh chung của cả nước nên mình cùng nhau chia sẻ", tôi cố động viên học trò. Nhưng chính tôi cũng nơm nớp, nhất là khi đang được phân công đảm trách hỗ trợ học trò lớp 12 ôn thi.
Khó mà tránh khỏi lo lắng khi TP HCM vẫn phát hiện hàng trăm ca dương tính mỗi ngày. Những điểm phong tỏa liên tục xuất hiện. Cách nhà tôi vài chục mét, một điểm mới bị "giăng dây", tôi chỉ mong đến ngày thi nhà tôi không "bị", để còn có thể tham gia gác thi.
Hiện, trường tôi có một số em diện F0, F1, F2 và đang trong khu phong tỏa, sẽ không được thi đợt một, chưa biết đến ngày thi chính thức sẽ là bao nhiêu em. Dù vậy, tôi và các thầy cô vẫn ôn tập cho các em trên tinh thần học sinh toàn trường đều sẽ thi đợt một, không biểu hiện lo lắng vì sợ lây lan cảm xúc sang học trò.
"Thấy con lo học cả năm trời mà chưa được thi cũng tội", một phụ huynh chia sẻ với tôi. Nhưng cũng nhiều người lo ngược lại, dịch thế này, nếu vẫn thi tập trung, "nhỡ có chuyện thì sao, hay thầy bảo nhà trường xin hoãn đi thầy?".
Tâm lý này theo tôi sẽ tác động ít nhiều đến kết quả của bất kỳ học sinh nào.
Đây là năm thứ hai dịch bệnh bùng phát ngay dịp học sinh khối 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm trước, học sinh ở một số tỉnh thành không thể tham gia thi đợt đầu đã được Bộ tổ chức thi đợt hai, sau gần một tháng so với đợt đầu.
Tổ chức thi cử thời Covid thế nào, dường như chúng ta đang còn loay hoay. Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được nhiều chuyên gia cho rằng nên bỏ trong những năm qua.
Một kỳ thi quan trọng hàng đầu nhưng dường như chưa có một quy trình chuẩn, cứ mỗi năm lại thay đổi hết bởi lý do khách quan lại chủ quan, khiến phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo đều phải lên gân chờ đợi. Theo tôi, quy trình chuẩn đó còn gồm cả các dự liệu về những tình huống liên quan tới dịch bệnh như hiện nay. Và trong các kịch bản đó, có thể xem xét nhiều phương án khác, như thi online, hoãn thi cho TP HCM nếu thực sự cần thiết, bỏ thi và xét tốt nghiệp, để các trường đại học tự chủ tuyển sinh.
Nhiều năm đi cùng học trò qua các kỳ thi, tôi biết mỗi khi chúng nơm nớp vì tâm lý, y như rằng sẽ bị ảnh hưởng đến điểm số.
Đầu tháng 6 này, TP.HCM đã đưa ra quyết định dời kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chỉ cách ngày thi vài ngày. Điều này còn tạo tâm lý bất ổn cho học sinh lớp 12 của tôi khi chỉ còn hơn một tuần nữa các em bước vào đợt thi thứ nhất.
Hôm nay, đã hết tháng 6, thầy trò tôi vẫn đang chờ đợi. Mọi kế hoạch, phương án cho học sinh cuối cấp ba của TP HCM thi đợt một vẫn triển khai, nhưng thi đợt một hay dời qua đợt hai vẫn chưa quyết. Nếu tình hình dịch bệnh còn gia tăng, chưa thể có sự an tâm trong học sinh, giáo viên và phụ huynh, tôi mong nhà quản lý có thể thông báo sớm nhất kế hoạch thi hoặc hoãn thi cho học sinh.
Trả lời ý kiến về thời điểm thi, chỉ gần 24% phụ huynh trường tôi, một trường cấp ba ở quận Bình Thạnh, đồng ý cho con thi đợt một. Còn lại, hơn 45% "không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi đợt một" và hơn 31% "không yên tâm và không đồng ý".
Kết quả này tương đồng với khảo sát tại 20 trường THPT công lập trong thành phố. Hơn một nửa phụ huynh "không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi" và "không yên tâm và không đồng ý". Ở các trường THPT tư thục, số phụ huynh chọn phương án "không đồng ý" chiếm hơn 60%-70%.
Nếu hôm nay, Thành phố chọn phương án hoãn kỳ thi cho gần 89.000 học sinh, tôi tin nhiều cha mẹ sẽ ủng hộ. Mặc dù chúng ta chưa biết kỳ thi đợt hai có thể tổ chức khi nào, nhưng ít nhất, tất cả học sinh sẽ được thi cùng nhau - điều này rất quan trọng với tâm lý các em. Và hơn hết, dời kỳ thi cũng là một cách chống dịch, giúp giảm áp lực cho các cơ quan y tế đang rất căng thẳng.
Tôi cũng cho rằng, thi online là một phương án không tồi. Bạn tôi ở Mỹ kể họ đã học và thi hoàn toàn online hơn một năm rưỡi qua. Thí sinh chỉ cần ngồi tại nhà với phần mềm dự thi được tải sẵn trên máy tính, camera, micro và nhất là tuân thủ nghiêm túc nội quy thi online. Thậm chí, hình thức thi này còn cho ra kết quả khách quan hơn, hoàn toàn chưa có tiêu cực.
Tôi vẫn mong một ngày, với nhiều phần mềm có thể lựa chọn, Việt Nam sẽ thực hiện được các kỳ thi online khách quan, hiệu quả. Bởi chúng ta không thể biết liệu còn biến số nào khác với học đường.
Tối giản kỳ thi sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách và năng lượng cho xã hội. Nhưng cái được lớn hơn, học sinh, nền giáo dục và cả xã hội sẽ bớt bất an với việc học của mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét